Cung sạt trượt là một vết nứt địa chất dài hơn 200 mét, trên triền đồi trồng địa lan của người dân bản Sin Suối Hồ. Nơi sụt lún rộng nhất khoảng 1 mét, diện tích bề mặt sụt lún khoảng 8.000 mét vuông và bên dưới xuất hiện hố cát-tơ lớn. Ngoài vết nứt dài, lún sụt cũng đã kéo theo nhiều vết nứt nhỏ trên mặt hệ thống đường giao thông bê tông nội bản.
Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết: Khu vực xuất hiện cung sạt trượt địa hình dốc, có khe nước mặt và nước ngầm. Phía dưới vết nứt là đường bê tông và khu vực sinh sống của 19 hộ dân, với 89 nhân khẩu. Địa chất ở đây là dạng đất đá bồi tụ; phía trên là dãy núi cao nên có nguy cơ sạt lở, sụt lún khi mưa lớn kéo dài.
"Quá trình đi làm nương tôi đi kiểm tra thì thấy nước chảy xuống suối to rất là đục. Tôi chạy lên trên đầu bản ở khu nhà tổ chim để kiểm tra thì thấy nứt rất nhiều chỗ. Lập tức tôi bảo bà con ở các hộ gia đình sinh sống phía dưới cung trượt di chuyển luôn lên ở tạm với các hộ gia đình khác không bị ảnh hưởng ở bên trên", anh Chỉnh cho biết.
Ngay sau khi phát hiện cung trượt sạt lở, người dân bản Sin Suối Hồ đã báo cáo với chính quyền xã và được chính quyền xã báo cáo lên cấp trên để tìm phương án xử lý.
Ông Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ cho biết, để đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống dưới cung sạt trượt, hiện xã Sin Suối Hồ đã cắt cử cán bộ thường trực 24/24h tại bản; phối hợp với người dân cắm biển cảnh báo nguy hiểm, không cho người dân về nhà khi trên địa bàn có mưa.
"Từ hôm phát hiện cung trượt chúng tôi đã cảnh giác cao và tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm cho các hộ dân. Các hộ dân cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền, không quay lại ngủ ở nhà của mình nữa mà ngủ ở các nhà dân khác trong bản. Đến nay chúng tôi đã cắm biển và báo cáo với cơ quan chức năng, UBND huyện và trong giai đoạn này đang tiến hành khảo sát các điểm để tìm mặt bằng di chuyển dân đến nơi an toàn", ông Hòa chia sẻ.
Do cung trượt đang ngày càng kéo dài và mở rộng, nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao, nên UBND tỉnh Lai Châu đang giao cho chính quyền huyện Phong Thổ gấp rút lên các phương án để di chuyển dân đến nơi an toàn. Việc bố trí tái định cư được thực hiện công khai, dân chủ, dựa trên ý kiến, nguyện vọng của người dân.
Ông Trịnh Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: UBND huyện đã dự kiến 2 phương án là cho các hộ dân tự tìm đất tái định cư tại chỗ, nhà nước hỗ trợ kinh phí di chuyển theo quy định; hoặc di chuyển đến bản Căn Câu gần đó, được Nhà nước làm mặt bằng và các hạng mục, công trình phụ trợ.
"Các cấp chính quyền muốn bà con di chuyển đến nơi an toàn và đề nghị bà con suy nghĩ để lựa chọn phương án sớm. Các cấp chính quyền sẽ đồng hành với bà con và hỗ trợ bà con mức cao nhất có thể theo quy định. Khi bà con quyết định xong phương án lựa chọn, chính quyền xã sẽ huy động các lực lượng hỗ trợ bà con trong lúc di chuyển và có thể giúp bà con nhân lực khi tháo dỡ, dựng lại nhà", ông Đoàn nói.
Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) nằm ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và là nơi sinh sống của 100% đồng bào Mông. Nơi đây được biết đến là bản du lịch cộng đồng nổi tiếng tại địa phương khi năm 2022 từng được khối ASEAN vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất của khối.
Để có được một điểm bản du lịch cộng đồng hấp dẫn như hôm nay, người dân đã bỏ ra rất nhiều công sức để đầu tư, xây dựng. Việc phát triển du lịch đã giúp đời sống kinh tế của người dân ngày càng nâng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.