Xây dựng nhà ở, công trình cần tính toán thích ứng thiên tai

Hải Hà/VOV-Giao thông | 23/09/2024, 09:00

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, mô hình nào cho các công trình nhà ở, trường học ở các vùng có nguy cơ thiên tai, hạn chế những thiệt hại về người và chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai?

Đợt mưa bão vừa qua khiến hàng trăm người chết, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị tốc mái và bị lũ cuốn trôi. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, mô hình nào cho các công trình nhà ở, trường học ở các vùng có nguy cơ thiên tai, hạn chế những thiệt hại về người và chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai?

Lào Cai là một địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi). Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 12/9/2024, toàn tỉnh có 82 người chết, 95 người bị mất tích, 69 người bị thương, gần 9.200 ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi và 97 thôn/ 25 xã bị cô lập. Trong đó có 444 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn.

Còn tại tỉnh Yên Bái, mưa lũ khiến 54 người chết và mất tích, hơn 25 nghìn nhà ở bị thiệt hại, trong đó có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở đất đá vào nhà.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam, hoàn lưu bão với lượng mưa lớn đe dọa trực tiếp đến sự an nguy của người dân. Mưa lớn, lốc khiến nhiều vùng đất bị ngậm nước, gây sạt lở, lũ ống, lũ quét bất ngờ, phá hủy hàng trăm ngôi nhà. Lũ quét, lũ ống xảy ra nhiều lần ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, song ứng phó với lũ quét còn bộc lộ một số vấn đề.

"Sự biến đổi khí hậu rất phức tạp, gây hậu quả thảm khốc nhưng Việt Nam thiếu những Kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu. Vị trí xây dựng nhà ở cho bà con trên các bản làng miền núi chưa được quan tâm đúng mức trong quy hoạch, xác định vị trí cũng như nguy cơ mấy an toàn.

Bởi vậy, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm cảnh báo bà con và di dời, phải có quy hoạch. Bản quy hoạch này dựa trên điều kiện địa tầng, địa chất và có sự tham gia của các kỹ sư địa chất, kiến trúc sư, các chuyên gia môi trường", KTS Phạm Thanh Tùng cho biết.

Trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản của trận mưa bão vừa qua, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, các Bộ, ngành liên quan cần xem xét, đánh giá lại các khu vực bị tàn phá, các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra các vụ sạt lở, lũ quét, ngập úng, cũng như xác định thời điểm xây dựng các khu vực bản làng để đưa ra những giải pháp phù hợp cho từng khu vực.

Việc quy hoạch các khu vực dân cư để tái định cư ở khu vực miền núi cần phải có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành liên quan.

"Việc lựa chọn vị trí xây dựng bản làng phải đặt ra quan điểm hết sức rõ ràng: địa điểm xây dựng như thế nào để tránh được lũ quét, lũ ống. Thứ hai, vị trí đó đảm bảo đủ điều kiện cho người ta sinh sống có nước (người dân ở đó cần phải có nguồn nước, nguồn nước suối hay nguồn nước mạch trong lòng suối), có điện, có trường học, trung tâm y tế, giao thông, kết nối. Muốn chọn một địa điểm tái định cư, Bộ Xây dựng phải tính toán quy mô xây dựng, diện tích hiện tại, tương lai, diện tích đất dự phòng; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không chỉ lo nơi ở mà còn nơi làm việc cho người dân, kế sinh nhai", KTS Trần Ngọc Chính cho biết.

KTS Ngô Doãn Đức, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Trãi cho rằng, để ngăn ngừa và hạn chế tối đa những thiệt hại về người do thời tiết cực đoan gây ra, cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn cùng với chính quyền địa phương, thực hiện tổng rà soát, đánh giá mức độ an toàn của các khu vực dân cư hiện có, có phương án phòng ngừa, di chuyển đối với những bản có nguy cơ mất an toàn. Nhà nước, Chính quyền địa phương có trách nhiệm quy hoạch, xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, những khu vực có nguy cơ bị thiên tai.

Ngoài việc lựa chọn các địa điểm để bố trí dân cư, thì trong thiết kế, xây dựng các công trình nhà ở cho người dân theo hướng phát huy cấu trúc nhà ở truyền thống của đồng bào, có sự thay đổi, điều chỉnh thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết và biến đổi khí hậu, KTS Ngô Doãn Đức phân tích:

"Chúng ta nên có cách nhìn nhận về truyền thống dân gian đồng bào đã ở, cố gắng phát huy cấu trúc nhà sàn người dân đã ở bao đời. Người dân thường ở nhà sàn trên địa hình gẫy khúc, dốc. Nếu mà san bằng, tác động vào tự nhiên.

Nơi ở tự nhiên nhất chính là những ngôi nhà sàn nói chung, nhà sàn có chân nước đến trượt qua chân đỡ đi, không bị trôi nhà Họ sống từ lâu rồi bây giờ phải khoa học hóa, bài bản hóa và nghiêm túc hóa để nơi sống yên ổn".

Về vật liệu xây dựng nhà cho đồng bào ở khu vực miền núi phía Bắc, có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, ông Thái Văn Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, việc sử dụng các nguyên vật liệu như tre gỗ để xây nhà không đảm bảo sự kiên cố để ứng phó với thảm họa thiên tai:

"Nếu mà có điều kiện nên làm nhà bằng khung dầm bê tông, còn xây tường, vách ngăn thì xây bằng vật liệu xây không nung (gạch bê tông, các tấm panel), nếu mái bằng kiên cố, không thì xây dựng vật liệu mát, tôn mát, xi măng sợi. Hiện nay có nhiều loại vật liệu xây không nung như là gạch không nung, các tấm panel, lựa chọn những vật liệu chuẩn theo đúng quy định".

Một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch, lựa chọn địa điểm và thiết kế, xây dựng các công trình nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mỗi địa phương cần phải xây dựng những ngôi nhà an toàn ở gần các khu vực dân cư, để có thể di cư người dân đến trú ngụ khi cần thiết.

Những công trình nhà ở cho người dân ở vùng có nguy cơ bị thiên tai đã không còn có khả năng chống chịu với những thay đổi của thời tiết, khí hậu. Bởi vậy, bên cạnh những chính sách đổi mới và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương cần chủ động trong việc quy hoạch, xây dựng các công trình ở phù hợp với điều kiện thực tế về địa chất, thời tiết, khí hậu của địa phương.

Những công trình nhà ở của người dân tộc ở một số khu vực miền núi luôn mang đậm những giá trị văn hóa, truyền thống của từng dân tộc, là điểm đến du lịch thu hút với khách du lịch trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, hoàn lưu bão số 3 vừa qua đã cuốn trôi cả bản Nủ ở tỉnh Lào Cai, cùng hàng nghìn ngôi nhà ở các địa phương khác khiến chúng ta cần phải cân nhắc giữa việc bảo tồn những giá trị văn hóa và xây dựng những ngôi nhà đảm bảo an toàn cho đồng bào.

Trước hết, việc xác định các vị trí khu đất để xây dựng bản làng cần phải được tính toán cách khoa học, bài bản. Việc thành lập một Hội đồng xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc là cần thiết, ở đó có sự tham gia của các nhà địa chất, quy hoạch, kiến trúc sư, các nhà khí tượng thủy văn... .

Trên cơ sở các nghiên cứu về điều kiện địa chất, kỹ thuật của từng khu vực và những phân tích về điều kiện thời tiết, khí hậu, thủy văn, về nguồn nước, rừng trồng, Hội đồng xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc lập ra các danh sách các vị trí khu đất dự kiến với những ưu điểm, nhược điểm.

Thông qua thang điểm, Chính quyền địa phương lựa chọn địa điểm tối ưu nhất để quy hoạch dân cư, sao cho đặt yếu tố an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu.

Bản quy hoạch này cũng nghiêm cấm quy hoạch các công trình có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của người dân như các công trường khai thác đá, bãi chất thải.

Về mặt chính sách, Bộ Xây dựng cần rà soát và hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng các công trình nhà ở nói chung và bổ sung các quy chuẩn xây dựng các công trình xây dựng, nhà ở khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, bão lũ nói riêng.

Những quy chuẩn này cần phải tính đến các yếu tố để ứng phó với biến đổi khí hậu, những điều kiện thảm họa thiên tai. Tùy vào điều kiện của từng khu vực, mỗi địa phương cụ thể hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn này phù hợp với nhu cầu thực tế.

Đối với kiến trúc của các công trình nhà ở, hiện nay, đa phần các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc thường sống trong những ngôi nhà được kết cấu và xây dựng bằng những vật liệu thô sơ.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét xảy ra, nhiều ngôi nhà không thể chống chịu, thậm chí bị cuốn phăng chỉ trong vài phút. Bởi vậy, cần nghiên cứu những cấu trúc nhà ở dành riêng cho các dân tộc, vừa kế thừa giá trị truyền thống, phù hợp với tập quán của người dân, vừa tạo không gian ở thích ứng với địa hình, sự biến đổi khí hậu.

Những công trình này được xây dựng dựa trên điều kiện địa hình, hạn chế tình trạng san lấp, tác động đến môi trường tự nhiên. Các ngôi nhà vẫn sử dụng mái dốc truyền thống nhưng được thay thế bằng những vật liệu, công nghệ xây dựng mới như bê tông cốt thép nhằm tăng mức bền vững, an toàn cho công trình, có kết hợp với nguyên vật liệu địa phương để đảm bảo phù hợp với cảnh quan xung quanh.

Các công trình nhà ở cũng cần được xây dựng hệ thống thoát nước thải và kết nối với hệ thống nước thải trong khu dân cư, ngăn chặn tình trạng thải ra sông, suối ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường.

Chính phủ, chính quyền địa phương sử dụng nguồn vốn ngân sách để xây dựng các bản làng tái định cư và trực tiếp xây dựng các công trình nhà ở nhằm sớm ổn định đời sống cho người dân ở vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng sớm có chính sách,  kế hoạch tạo công ăn việc làm cho bà con, ổn định thu nhập, tránh tình trạng để người dân khai thác rừng bừa bãi.

Trong điều kiện biến đối khí hậu với những diễn biến rất phức tạp, khó lường, vấn đề đảm bảo an toàn cho các công trình nhà ở, xã hội của người dân không chỉ là vấn đề của mỗi khu vực miền núi phía Bắc, mà là vấn đề chung của nhiều địa phương khác trên cả nước mỗi khi có mưa bão, thiên tai.

Bởi vậy, các địa phương ở vùng có nguy cơ thiên tai cần sớm chủ động quy hoạch xây dựng và đưa ra những tiêu chuẩn thiết kế nhà ở để thích ứng với những điều kiện thời tiết cực đoan nhằm hạn chế những thiệt hại về người và tài sản mỗi khi mưa bão xảy ra.

Bài liên quan
Vì sao lập đông, miền Bắc vẫn nóng như mùa hè?
VOVLIVE - Dù đã lập đông được gần 1 tuần nhưng miền Bắc vẫn nắng nóng như mùa hè, nhiệt độ cao nhất có nơi lên tới 31-32 độ C, trời oi nóng, ngột ngạt.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét sáp nhập đơn vị hành chính ở 12 tỉnh thành
VOVLIVE - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
  • Hà Nội dự kiến chi 10.000 tỉ đồng/năm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức
    VOVLIVE - UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
  • Việt Nam - Ấn Độ coi trọng việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương
    VOVLIVE - "Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm chung về triết lý phát triển, tầm nhìn và định hướng chính sách cũng như chiến lược hành động để phát triển đất nước, nhất là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là nền tảng để hai nước củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước".
  • Australia sẽ bắt đầu thử nghiệm xe đẩy siêu thị trang bị AI
    VOVLIVE - Lần đầu tiên tại Australia, Tập đoàn siêu thị Coles thông báo sẽ triển khai thử nghiệm xe đẩy hàng được trang bị AI có khả năng quét và theo dõi sản phẩm theo thời gian thực, nhằm giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao khả năng quản lý ngân sách, thanh toán tại chỗ của khách hàng.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp