Vượt qua nhiều rào cản từ tâm lý và gia đình, một số cá nhân mạnh dạn đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người sau chết não để trao cơ hội sống đến người bệnh cần ghép tạng. Chị Huỳnh Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Hương Thủy là một trong những người đầu tiên đăng ký hiến tạng. Chị Trang chia sẻ, quan niệm của mọi người xưa nay là không muốn mất đi một phần thân thể khi qua đời. Nhưng đối với chị, người có thâm niên hoạt động thiện nguyện nhiều năm với 84 lần tham gia hiến máu, chị quan niệm về tình người, sự đồng cảm, yêu thương và sống có ích là khi giúp được những người xung quanh. Nay chị có nguyện vọng hiến mô, tạng khi qua đời để cứu giúp những bệnh nhân đang mong mỏi được kéo dài thêm sự sống.
“Tôi thấy có những người khi họ qua đời mà hiến mô hiến tạng thì cứu được 7 người. Ví dụ 2 giác mạc thì có thể giúp 2 người tìm lại ánh sáng và tất cả các bộ phận trên cơ thể khi mình hiến thì cũng giúp được những bệnh nhân duy trì sự sống. Từ suy nghĩ đó, tôi đã đăng ký với trung tâm quản lý mô tạng và mình sẽ hiến mô, tạng khi qua đời”, chị Huỳnh Thị Ngọc Trang chia sẻ.
Hiến tạng là hành động hết sức cao đẹp, bởi ghép tạng được coi là biện pháp điều trị cuối cùng cho các bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối. Chị Lê Thị Anh Đào, ở huyện Phong Điền cũng quan niệm, thân thể của mình khi không còn dùng nữa thì việc hiến tặng mô, tạng không chỉ giúp cứu người mà còn gửi gắm tấm lòng yêu thương, chia sẻ cho các bệnh nhân nặng đang chờ ghép tạng và mong ước sự sống được tiếp nối không ngừng, có thể lúc đó mình vẫn cảm nhận được hạnh phúc thông qua cơ thể người được hiến tặng. Mong muốn của chị là có thể nối dài sự sống cho các bệnh nhân.
“Tôi nghe rất nhiều từ báo đài và trên mạng xã hội, thực tế nhu cầu cần lấy nội tạng và ghép tạng rất nhiều nên tôi muốn lan tỏa tinh thần, trách nhiệm đối với cộng đồng. Ở đây họ có tâm lý là khi chết đi, không muốn mất đi một phần thân thể của mình nhưng tôi nghĩ, cái đó không quan trọng, quan trọng là mình để lại những gì cho người họ cần”, chị Đào nói.
Hiện nay, trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế, giúp cho nhiều bệnh nhân được nối dài sự sống. Tuy nhiên, về số lượng người hiến mô tạng còn hạn chế. Số bệnh nhân chờ được ghép tạng ngày càng nhiều, chủ yếu là những ca ghép thận, từ người thân bệnh nhân hoặc người hiến còn sống. Thế nhưng nguồn tạng hiến khác như tim, gan, phổi vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, sau 23 năm, kể từ ca ghép thận đầu tiên thành công, đến nay Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công hơn 1.800 ca ghép tạng. Bệnh viện Trung ương Huế thành lập Trung tâm ghép tạng từ tháng 8/2019 với 230 y, bác sĩ đăng ký hiến tạng sau khi chết não, đồng thời ký cam kết tham gia mạng lưới ghép giác mạc miền Trung Tây Nguyên.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Hiện nay, trong công tác ghép tạng thì khó khăn nhất vẫn là người hiến, đặc biệt là người hiến chết não, do nhiều lý do mà việc hiến tạng ở Việt Nam rất khó khăn. Ví dụ như quan điểm của người Việt Nam chết là phải toàn thây. Thứ hai nó lệ thuộc rất nhiều yếu tố liên quan đến người thân và gia đình, chỉ một người trong gia đình ba mẹ rồi con cái, chị em mà không đồng ý người hiến tạng cho tạng cho bệnh nhân thì cũng rất khó khăn lấy được tạng cho bệnh nhân".
Gần đây, việc hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người tại tỉnh Thừa Thiên Huế được nhiều người dân tích cực hưởng ứng. Ông Hoàng Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, Hội xác định nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa hiến mô, tạng là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, các cấp cán bộ Hội đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Đầu tháng 5/2024, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức phát động Tháng Nhân đạo. Ngày hội ghi dấu với những lá đơn đăng ký hiến mô, tạng sau chết não của người dân. Đến nay đã có thêm 30 thành viên đăng ký hiến tạng. Sự chung tay của cộng đồng, đội ngũ thầy thuốc và quyết tâm của các cấp chính quyền để ngày càng nhiều sự sống được nối dài.
“Hội Chữ thập đỏ của chúng tôi bằng nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, tổ chức các buổi chia sẻ với người dân. Thông qua các buổi sinh hoạt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký hiến mô, hiến tạng đến cho tất cả người dân để họ thấy hiểu được sự quan trọng của việc hiến mô hiến tạng, giúp cho cuộc sống của người bệnh những hoàn cảnh khó khăn có một tương lai tươi sáng”, ông Hoàng Vĩnh Phú cho hay.