Việt Nam tiếp tục theo đuổi Công ước Luật biển UNCLOS 1982

Hà Khánh/VOV-TP.HCM | 15/11/2024, 15:02

VOVLIVE - UNCLOS 1982 là một trong những "chọn lựa đúng đắn nhất, mang tính chiến lược của Việt Nam kể từ khi chúng ta đặt bút ký tham gia, đến khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn cách đây đúng 30 năm cho đến hiện nay. Và trong thế kỷ 21, khi thế giới xảy ra nhiều biến động thì giá trị của Công ước Luật biển 1982 càng phát huy giá trị và Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi”.

Sáng 15/11, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cùng Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS)  có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”.

UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý quan trọng

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương” của cộng đồng quốc tế, điều ước quốc tế toàn cầu có tầm quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên hợp quốc, là cơ sở pháp lý cho mọi hành động và hợp tác quốc tế ở cấp độ khu vực, liên khu vực, toàn cầu để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến biển và đại dương.

Tuy nhiên, trước sự thay đổi không ngừng của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ hàng hải, hàng không; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển và đại dương; biến đổi khí hậu; sự phát triển của thương mại quốc tế; sự thay đổi nhanh chóng của địa chính trị quốc tế…UNCLOS 1982 cũng cần phải thay đổi.

"Chúng ta cần nhìn nhận và nhận diện đầy đủ các thách thức trong tương lai, những điều chỉnh sẽ có thể xảy ra trong tương lai để chuẩn bị cho những hành động của Việt Nam, nhằm bảo vệ tốt nhất chủ quyền cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam". PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho biết.

Phát biểu đề dẫn, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước cho rằng, Việt Nam là một quốc gia ven biển nằm trong khu vực Biển Đông, có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là vùng biển được xem là nhộn nhịp và có tiềm năng bậc nhất thế giới, nhưng đồng thời cũng là khu vực đang xảy ra các tranh chấp kéo dài nhiều thập niên qua. Không chỉ Việt Nam, các nước ASEAN và nhiều quốc gia Châu Âu, Mỹ Latinh đều đặc biệt quan tâm Biển Đông, xem đây là một trung tâm quan trọng hàng đầu của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về địa chính trị, địa kinh tế.

Đứng giữa vòng xoáy tạo ra từ cạnh tranh của các cường quốc, đứng trước những biến động to lớn trong môi trường chính trị - an ninh quốc tế, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam chọn chính nghĩa, tức là chọn lẽ phải, chọn thượng tôn pháp luật, luật pháp quốc tế mà giá trị cao nhất của sự lựa chọn này chính là hòa bình, ổn định, phát triển, tất cả các bên đều có lợi. 

"UNCLOS 1982 là một trong những chọn lựa đúng đắn nhất, mang tính chiến lược của Việt Nam kể từ khi chúng ta đặt bút ký tham gia, đến khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn cách đây đúng 30 năm cho đến hiện nay. Và trong thế kỷ 21, khi thế giới xảy ra nhiều biến động thì giá trị của Công ước Luật biển 1982 càng phát huy giá trị, và Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi”, ông Mai Ngọc Phước khẳng định.

3 thách thức cho UNCLOS 1982

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả đều thống nhất nhận định, cần phải thay đổi để tiếp tục hoàn thiện để phát huy giá trị pháp lý quốc tế phổ quát trong hiện tại và tương lai. Bởi có sự thay đổi không ngừng của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ hàng hải, hàng không; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển và đại dương; biến đổi khí hậu; sự phát triển của thương mại quốc tế; sự thay đổi nhanh chóng của địa chính trị quốc tế…

PGS.TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng UNCLOS đã xây dựng một trật tự pháp lý quốc tế thống nhất, toàn diện về biển và đại dương.

Cùng với thay đổi nhanh chóng, không ngừng của khoa học công nghệ, nhu cầu quản trị, khai thác tài nguyên biển và đại dương, địa chính trị và quan hệ quốc tế đã đặt ra 3 thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế trong việc hoàn thiện UNCLOS.

Đó là thách thức do biến đổi khí hậu, thách thức về an ninh hàng hải và thách thức về bảo vệ quyền con người trên biển, trong đó thách thức lớn nhất là về quyền con người.

Phân tích cụ thể, PGS Ngô Hữu Phước cho rằng, thách thức cốt lõi hiện nay về quyền con người trên biển chính là sự phân tán bản chất của luật pháp quốc tế và sự thiếu vắng một chế độ pháp lý chuyên biệt, thống nhất về quyền con người, người tị nạn, lao động và luật biển quy định. Điều này đòi hỏi, luật pháp quốc tế cần quy định rõ, làm cơ sở pháp lý để trừng phạt hiệu quả các hành vi tội phạm vi phạm quyền con người trên biển.

Đây là những thách thức rất to lớn đặt ra với cộng đồng quốc tế để trong tương lai cần có những tổ chức quốc tế, cần có những hội nghị quốc tế lớn để chúng ta trao đổi, thỏa thuận để đưa ra những khung pháp lý điều chỉnh các thách thức, hoàn thiện bản Hiến pháp của cộng đồng quốc tế về biển và đại dương trong tương lai", PGS.TS Ngô Hữu Phước cho biết.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) được mở ký chính thức ngày 10/12/1982 và chính thức có hiệu lực ngày 16/11/1994 sau khi được quốc gia thứ 60 phê chuẩn. Đến nay đã có 168 quốc gia thành viên phê chuẩn.

UNCLOS 1982 quy định toàn diện các vấn đề pháp lý quốc tế về biển và đại dương, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất để các quốc gia xác lập, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; quyền, nghĩa vụ và các tự do khác trong quá trình quản trị, khai thác, sử dụng biển và đại dương vì mục đích hòa bình.

UNCLOS 1982 cũng là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất để các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đặc biệt là Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức Nông lương thực thế giới (FAO) ban hành các văn kiện chính trị, điều ước quốc tế về hàng hải, hàng không, thương mại quốc tế, an ninh biển, quản lý, bảo tồn, khai thác thủy sản và bảo vệ môi trường biển.

Bài liên quan
UNCLOS chứng tỏ vai trò không thể thay thế trong giải quyết các vấn đề trên biển
Phát biểu tại Hội thảo Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ năm về Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), Thứ trường Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh vai trò của UNCLOS.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét sáp nhập đơn vị hành chính ở 12 tỉnh thành
VOVLIVE - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
  • Việt Nam - Peru ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương
    Trong chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 12 - 14/11/2024 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Peru, hai nhà Lãnh đạo đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam - Peru.
  • Hà Nội dự kiến chi 10.000 tỉ đồng/năm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức
    VOVLIVE - UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
  • Việt Nam - Ấn Độ coi trọng việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương
    VOVLIVE - "Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm chung về triết lý phát triển, tầm nhìn và định hướng chính sách cũng như chiến lược hành động để phát triển đất nước, nhất là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là nền tảng để hai nước củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước".
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp