Vì sao Nga không có trong danh sách các nước bị áp thuế quan mới của Mỹ?

03/04/2025, 14:30

Trong số các quốc gia và nền kinh tế phải chịu mức thuế mới của Mỹ có hàng chục đồng minh của Washington nhưng Nga lại không nằm trong danh sách này.

Tổng thống Donald Trump ngày 2/4 đã công bố chính sách thuế mới với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. 180 nền kinh tế, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ, đều bị áp “thuế đối ứng”, nhưng Nga lại không có trong danh sách này.

Ukraine, quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, vẫn phải chịu mức thuế 10%. Ngoài ra, nhiều quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây cũng có trong danh sách bị áp thuế mới.

Thương mại bằng 0

Sau thông báo của Tổng thống Trump tại Vườn Hồng, một quan chức Nhà Trắng cho biết Nga “không có trong danh sách này vì các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột ở Ukraine đã khiến thương mại giữa hai nước gần như bằng 0”.

Belarus, Cuba và Triều Tiên, những quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt, cũng không bị áp thuế đối ứng.

Tuy nhiên, Iran và Syria, 2 nước đang phải đối mặt với các lệnh cấm vận nặng nề, vẫn bị áp thuế với các mức lần lượt là 10% và 40%.

Nga đang tìm cách loại bỏ các lệnh trừng phạt phương Tây áp lên nước do xung đột ở Ukraine. Liên minh Châu Âu đã mô tả các lệnh trừng phạt của khối này đối với Nga là “quy mô lớn và chưa từng có”.

Từ thời kỳ chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã áp dụng một loạt lệnh trừng phạt đối với Nga. Những biện pháp này nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm năng lượng, tài chính, quốc phòng và công nghệ. Các ngân hàng lớn của Nga đã bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, tài sản của các nhà tài phiệt Nga đã bị đóng băng. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã hạn chế việc Nga tiếp cận các công nghệ quan trọng.

Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào các cá nhân thân cận với Tổng thống Vladimir Putin, nhằm gây áp lực lên Điện Kremlin bằng cách cô lập giới lãnh đạo chính trị và kinh tế của Nga. Phối hợp với các đồng minh ở châu Âu và châu Á, Mỹ đã mở rộng các lệnh trừng phạt này kể từ năm 2022, nhằm làm suy yếu khả năng của Nga trong việc đổ tiền vào cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời hỗ trợ Kiev qua viện trợ quân sự và tài chính.

Kế hoạch áp thuế với Nga

Giữa những lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Trump có thể mang lại lợi thế cho Nga, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal đang đề xuất một dự luật lưỡng đảng nhằm áp dụng các lệnh trừng phạt mới đối với Nga nếu Moscow không tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine.

Dự luật được 25 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và 25 Thượng nghị sĩ đảng viên Dân chủ ủng hộ, thể hiện sự đồng thuận giữa 2 chính đảng lớn nhất cả Mỹ về lập trường cứng rắn với Nga.

Dự luật này bao gồm việc áp đặt mức thuế 500% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia mua dầu, khí đốt, urani và các sản phẩm khác của Nga.

Theo dữ liệu từ Cục Thông tin Năng lượng Mỹ, Washington đã không nhập khẩu dầu thô từ Nga kể từ tháng 4/2022.

Dù vậy, hôm 30/3, Tổng thống Trump cam kết sẽ áp “thuế thứ cấp” đối với các quốc gia mua dầu từ Nga nếu Moscow không đồng ý ngừng bắn ở Ukraine.

Các mức thuế được đề xuất, dao động từ 25 đến 50%, sẽ không trực tiếp nhắm vào Nga mà sẽ trừng phạt các quốc gia tiếp tục giao dịch với Nga, nhằm làm suy yếu sự ủng hộ toàn cầu đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn NBC News cuối tuần trước, ông Trump nhấn mạnh: “Nếu phía Nga và chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận về việc chấm dứt đổ máu ở Ukraine, và nếu tôi nghĩ rằng đó là lỗi của Nga... tôi sẽ áp thuế thứ cấp đối với dầu mỏ, tất cả dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga”.

“Điều đó có nghĩa là nếu một nước nào đó mua dầu từ Nga, họ sẽ không thể làm ăn với Mỹ. Sẽ có mức thuế 25-50% đối với tất cả dầu mỏ”, ông Trump cho biết.

Liên quan đến thuế thứ cấp, ông Jun Du, Giáo sư Kinh tế tại Trường Kinh doanh Aston, nói rằng: “Đây có thể là một công cụ mạnh mẽ để chống lại Nga thông qua việc nhắm vào các quốc gia thứ ba hoặc các công ty chuyển hướng hàng hóa bị hạn chế, ví dụ như các công nghệ kép, vào Nga. Chúng sẽ làm giảm khả năng né tránh trừng phạt thông qua các trung gian, khiến cái giá phải trả giao dịch với Nga tăng lên, đồng thời giúp duy trì chế độ trừng phạt hiện tại. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Nga ngày càng phụ thuộc vào các mạng lưới nhập khẩu song song”.

Các quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi thuế thứ cấp đối với Nga bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia EU như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc.

Bài liên quan
Trung Quốc kêu gọi Mỹ 'hủy bỏ ngay lập tức' mức thuế mới, ngồi lại đối thoại
Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Washington "hủy bỏ ngay lập tức" các mức thuế quan mới, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại bình đẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên Bang Nga Gennady Bezdetko
VOVLIVE - Chiều 2/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp