Vì sao hạn mặn kéo dài từ lâu nhưng chưa có nhiều hồ chứa nước ngọt ở ĐBSCL?

Văn Ngân/VOV.VN | 14/04/2024, 10:00

Quỹ đất, điều kiện địa hình, địa chất của vùng và nguồn kinh phí,...là một trong những nguyên dân khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa có nhiều hồ chứa nước ngọt lớn, mặc dù hạn mặn kéo dài từ rất lâu.

Biến đổi khí hậu làm cho tình trạng xâm nhập mặn gia tăng ở ĐBSCL

Liên quan đến xâm nhập mặn ở ĐBSCL, ông Nguyễn Hồng Khanh – Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện nay, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức, tác động tiêu cực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu – nước biển dâng, quá trình phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công, các hoạt động phát triển trong nội tại ĐBSCL,... đã và đang làm cho tình trạng xâm nhập mặn gia tăng, các công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng được các yêu cầu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiện tại và trong tương lai.

Để ứng phó, thích nghi với các tác động tiêu cực này, việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi luôn được Nhà nước quan tâm bố trí kinh phí thực hiện từ nhiều năm nay. Tính riêng giai đoạn đầu tư công trung hạn 2016-2020, Bộ NN&PTNT đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL tổng cộng khoảng 28.200 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn vốn đầu tư do Bộ quản lý. Các công trình tiêu biểu đã hoàn thành, như: Hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, cống âu thuyền Ninh Quới, trạm bơm cống Xuân Hòa, hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1,… 

Trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý dự kiến đầu tư cho vùng ĐBSCL tổng cộng khoảng 10.758 tỷ đồng, chiếm 23,6% tổng nguồn vốn do Bộ quản lý. Một số công trình khu vực ĐBSCL tiếp tục được ưu tiên đầu tư xây dựng mới, gồm: Nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự -Vĩnh Hưng (Đồng Tháp), Công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyến Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây (Tiền Giang – Long An), Hệ thống ô bao lớn kiểm soát mặn vùng triều biển Đông Phụng Hiệp - Long Mỹ (Hậu Giang),…

Bên cạnh đó, một số dự án được chuẩn bị đầu tư để xem xét thực hiện trong gian đoạn sau năm 2025, như: Công trình kiểm soát mặn trên sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An); công trình kiểm soát mặn trên sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) công trình chuyển nước Gò Công (Tiền Giang); hệ thống công trình chuyển nước Bán đảo Cà Mau. Ngoài đầu tư nguồn lực cho các công trình thủy lợi, Bộ NN&PTNT và các địa phương cũng đã tổ chức thực hiện một số giải pháp phi công trinh mang lại hiệu quả cao như: Theo dõi, giám sát, dự báo sớm tình hình nguồn nước, xác định cụ thể phạm vi và mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn để xây dựng kế hoạch ứng phó trên tinh thần chủ động thích nghi; tổ chức điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản phù hợp với từng vùng sinh thái; điều chỉnh thời vụ, tổ chức xuống giống sớm để bảo đảm né thời điểm xâm nhập mặn lên cao; tăng cường vận hành công trình thủy lợi để lấy nước, trữ nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm, đào ao, giếng trữ nước ngọt, lắp đặt bơm dã chiến,…; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ người dân mua thiết bị lọc, trữ nước, vận chuyển nước đến các vùng khó khăn về nguồn nước ngọt;….

Bên cạnh đó, trong các năm vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ TN&MT tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến hiện trạng nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông, đánh giá ảnh hưởng đến ĐBSCL, làm cơ sở dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước. Đặc biệt, trong một số đợt, thông tin xả nước của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn đã được nắm bắt, thời gian nguồn nước về tới ĐBSCL được dự báo chính xác và thông báo kịp thời cho các địa phương chủ động trong việc ứng phó hoặc vận hành hệ thống công trình thủy lợi phù hợp.

Vì sao chưa có nhiều hồ chứa nước ngọt ở ĐBSCL?

Ông Nguyễn Hồng Khanh cho rằng, việc xây dựng các hồ chứa nước ngọt phân tán quy mô nhỏ để tích trữ nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho các khu vực khan hiếm nguồn nước để chủ động ứng phó với hạn, mặn là rất cần thiết. Trong đó, ưu tiên xây dựng hồ để cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; tận dụng kênh rạch, vùng đất ngập nước làm hồ trữ nước và ưu tiên cho vùng ven biển, vùng xa sông…. Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, toàn vùng ĐBSCL dự kiến đề xuất 14 hồ xây mới (Long An 4 hồ; Tiền Giang 1 hồ; Bến Tre 3 hồ; Trà Vinh 3 hồ và Đồng Tháp 3 hồ), với tổng diện tích xây dựng khoảng 3.800 ha, tổng dung tích khoảng 200 triệu m3.

“Đối với hệ thống cấp nước liên vùng, do điều kiện tự nhiên, các hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL đã được đầu tư hiện nay hầu như được ngăn cách nhau bởi các sông, kênh, rạch lớn, do vậy việc chuyển nước giữa các hệ thống với nhau là vấn đề rất khó và phức tạp, đòi hỏi phải có đầu tư các công trình lớn, đi kèm với nó là chi phí quản lý, vận hành công trình sau này cũng rất lớn. Do vậy hiện nay chúng tôi đang tính toán, xem xét kỹ các giải pháp chuyển nước cho các hệ thống thủy lợi ven biển, trong đó rất chú trọng giải pháp sử dụng các công trình kiểm soát cửa sông để hỗ trợ kiểm soát mặn, cấp nước cho các hệ thống thủy lợi”, ông Nguyễn Hồng Khanh nhấn mạnh.

Lý giải vì sao chưa có nhiều hồ chứa nước ngọt ở ĐBSCL, ông Nguyễn Hồng Khanh cho biết, quá trình xây dựng hồ chứa ở ĐBSCL chỉ nên xây dựng các hồ phân tán, cục bộ cho từng vùng thiếu nước ngọt cho những mục tiêu thiết yếu (ưu tiên nhất là nước sinh hoạt, kể cả sản xuất sinh lợi lớn). Đặc biệt, các vùng ven biển, xa nguồn nước ngọt, các hồ này cần được khuyến khích xây dựng nhằm góp phần hạn chế được khai thác nước ngầm (gây hậu quả lún sụt và ngập diện rộng), phát triển bền vững các vùng nông thôn.

“Quá trình xây dựng hồ chứa ở ĐBSCL cần phải phân tích vị trí, đánh giá tác động nhiều yếu tố nhất là chiều sâu đào hồ, giải pháp xử lý tại các vùng đất bị nhiễm chua phèn tiềm tàng; nguồn nước cấp cho hồ phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ. Xét trong cả thời gian dài vận hành thì những hồ thiết kế hợp lý sẽ có hiệu quả rất tốt. Đối với vấn đề khó khăn của việc xây dựng các hồ chứa phân tán ở các tỉnh ven biển ở ĐBSCL là quỹ đất, điều kiện địa hình, địa chất của vùng và nguồn kinh phí cần được xem xét, tính toán kỹ trước khi quyết định đầu tư xây dựng công trình”, ông Nguyễn Hồng Khanh chia sẻ.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ
Thủ tướng chỉ đạo, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp