Làng biển Tam Thanh cách trung tâm thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam khoảng 10 km. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến đây là không khí thanh bình, yên ả. Suốt dọc dài 2 con đường vào làng là những bức tranh bích họa trên tường nhà và thuyền thúng. Làng biển Tam Thanh một mặt giáp biển và mặt còn lại giáp sông Trường Giang. Nơi đây không chỉ thu hút khách du lịch mà còn là nơi dừng chân của những người nước ngoài. Họ chọn làng biển Tam Thanh, ở lại đây sinh sống, kinh doanh và chưa hẹn ngày trở về.
Tôi không chọn Việt Nam mà Việt Nam chọn tôi
Ian Gearge Robefson có quốc tịch Anh. Ông là chủ một quán bar ở ngay mặt biển, kết hợp với kinh doanh nhà hàng và homestay tại thôn thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh. Trước khi đến Việt Nam, Ian sống và làm việc ở Bali (Indonesia). Năm 2019, có cơ hội làm việc ở Việt Nam nên ông chuyển đến Việt Nam sinh sống.
“Tôi đã ở Việt Nam 4 năm. 1 năm ở Hội An, 3 năm ở đây. Tôi không chọn Việt Nam mà Việt Nam chọn tôi. Tôi đã sống ở nhiều nước trên thế giới. Tôi thấy người Việt Nam chân thành, thân thiện, vị tha và quan tâm đến mọi người. Tôi đến vùng quê này vì một người bạn của tôi sống ở đây mời tôi đến bàn chuyện kinh doanh. Công việc kinh doanh ở đây khá chậm, không nhiều khách hàng. Chúng tôi cũng không hy vọng nhà hàng sẽ đông khách vì lối sống ở đây chậm rãi. Nhà hàng chúng tôi bán các món ăn Tây đơn giản vì xung quanh đã có nhiều người mở nhà hàng Việt”.
3 gian nhà cấp 4 nhìn ra biển được Ian thuê lại, cải tạo và trang trí những họa tiết rất vui mắt. Đồ đạc trang trí cũng giản đơn nhưng cảm giác dễ thấy nhất khi đến đây là du khách được sống chậm, thả hồn vào không gian bao la của biển cả. Ngay trước mặt là bờ cát trắng mịn - nơi có những con thuyền của ngư dân neo đậu và hàng dừa đặc trưng của xứ sở nhiệt đới.
Cùng chung ý tưởng kinh doanh với Ian Gearge Roefson là cô bạn người Đức Sheini HoffsTactl. Shein có đôi mắt sáng, nước da rám nắng nhưng ánh nhìn thì luôn vui tươi. Ngoài công việc kinh doanh, Sheini đi dạy thêm tiếng Anh ở thành phố Tam Kỳ và dạy tiếng Anh online.
“Tôi đã ở đây được 3 năm rưỡi, từ trước khi Covid-19 và từ đó đến nay chưa trở về quê hương. Bố mẹ tôi cũng đã sang đây thăm tôi và họ khá hài lòng với cuộc sống của tôi ở đây. Còn tôi ư? Ở một nơi như thế này, tôi không có ý định đi đâu nữa. Tôi sống yên bình, không stress, không còi xe, quanh năm được nghe tiếng sóng biển” - Sheini chia sẻ.
Làng bích họa - làng nghề nước mắm nổi tiếng Tam Thanh
Tam Thanh là cái tên không xa lạ với du khách thích sống ảo. Đây là làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam và là dự án hợp tác của các họa sĩ và tình nguyện viên hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Dự án được triển khai từ năm 2016 với 25 bức họa, 50 tác phẩm trên thuyền thúng, 4 tác phẩm điêu khắc chủ yếu xoay quanh cảnh sinh hoạt của ngư dân, sinh vật biển với thông điệp về tình yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Đó là cảnh sắc thanh bình của làng chài với hàng dừa xanh nổi trên nền trời trong veo, là hình ảnh người phụ nữ thôn quê đầu đội nón lá cạnh những chiếc giỏ hàng hoa quả,...
Tam Thanh thu hút du khách không chỉ bởi những đường nét, hình thù thú vị, đậm chất làng chài trên những bức tường, chiếc thuyền thúng mà còn bởi ý nghĩa sâu xa ẩn sâu trong mỗi bức hình.
Nhưng đến Tam Thanh, không chỉ sống ảo mà du khách còn được thưởng thức hương vị nồng nàn của biển cả từ những cơ sở nước mắm truyền thống.
“Những đứa trẻ lớn lên từ vùng biển Tam Thanh sớm đã quen với hình ảnh đôi bầu mắm trên vai của bà, của mẹ, đi từ đầu thôn đến cuối xóm đổi lấy khoai, gạo nuôi gia đình. Hầu như nhà ai cũng biết muối cá, trong nhà có vài ba chum mắm để trữ cho bữa cơm ngày thường. Tôi và chị tôi cũng trưởng thành từ những chum mắm của nội. Hồi còn đi học, đi làm xa nhà, chị em tôi hay được bà nội bỏ theo cho vài chai mắm. Nội nói: "Nội chẳng có tiền cho tụi con, chỉ có mấy chai mắm nhà làm, bỏ theo ăn cho khỏi nhớ nhà". Vậy là chúng tôi mang theo tình thương của nội và chai mắm quê đi khắp nơi”.
Đó là chia sẻ của chị Lê Thị Ngọc Tầm - Chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Ngọc Lan, thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh. Cơ sở này sử dụng thường xuyên 5-6 lao động ở địa phương và đưa ra thị trường mỗi ngày khoảng 200 lít nước mắm thành phẩm.
“Nhiều du khách nước ngoài đến thăm làng bích họa có ghé thăm cơ sở sản xuất nước mắm Ngọc Lan. Họ khá thích thú khi được chứng kiến quy trình làm mắm hoàn toàn thủ công từ những nguyên liệu có sẵn ở đây” - chị Ngọc Tầm cho biết.
Làng nghề nước mắm Tam Thanh đã thật sự hồi sinh và phát triển trở lại từ năm 2010 đến nay. Nhiều hộ dân ở đây đã vươn lên thoát nghèo nhờ nghề truyền thống cha ông này.
Phát triển bền vững từ nghề biển, vừa làm du lịch, vừa nuôi dưỡng các ngành nghề truyền thống cũng là mong muốn của chính quyền địa phương nơi đây. Người dân phải có sinh kế, phải sống được ngay trên mảnh đất của mình, đó là cách phát triển bền vững nhất trước những tác động của cơ chế thị trường.
Ông Trương Thanh Khôi, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết xã biển này có 1600 hộ với khoảng 6.000 dân với 2 nghề chính là đánh bắt thủy hải sản và thương mại, dịch vụ du lịch. Nghề biển đưa lại cuộc sống ổn định nhưng không thể làm giàu được vì phải đầu tư nhiều, trong khi người dân không có vốn, chủ yếu dùng tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ. Nghề làm nước mắm truyền thống có hơn chục hộ với 2 cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP.
“Chính vì thế, chúng tôi cũng đang trăn trở một đề án phát triển du lịch dịch vụ để kéo chân du khách đến đây, mang lại thu nhập bền vững cho người dân. Muốn vậy phải đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi tư nhân đầu tư các cơ sở lưu trú, có các sản phẩm du lịch để khách có thể mua…”.
Theo Chủ tịch xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ đã giao cho xã khẩn trương xây dựng đề án để phát triển Tam Thanh về du lịch, dịch vụ, huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư và lãnh đạo xã đang rất trăn trở về hướng phát triển này.