Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 16/3, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, tướng Michael Langley nói ông sẽ không đề cập chi tiết về kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc trước công chúng. Tuy nhiên, ông tuyên bố việc Trung Quốc xây căn cứ hải quân trên bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi sẽ “thay đổi toàn bộ tính toán… trong việc bảo vệ nước Mỹ”.
“Về mặt địa chiến lược, điều đó tạo ra lợi thế cho Trung Quốc. Hiện giờ chúng tôi đang có lợi thế có tính quyết định. Chúng ta không thể để họ đặt căn cứ ở bờ biển phía tây châu Phi, vì nó sẽ thay đổi ưu thế chiến lược", tướng Michael Langley nói.
Theo báo cáo năm 2022 của Lầu Năm Góc, Trung Quốc là cường quốc hải quân lớn ở Thái Bình Dương và là cường quốc hải quân lớn nhất thế giới xét về quy mô hạm đội. Một căn cứ ở Tây Phi sẽ cho phép các tàu Trung Quốc tiếp cận gần hơn với bờ biển của Mỹ.
Trung Quốc thành lập căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài vào năm 2017, khi mở cơ sở ở quốc gia Đông Phi - Djibouti. Kể từ đó, các quan chức Mỹ tuyên bố Bắc Kinh đang lên kế hoạch xây dựng các căn cứ tương tự ở 14 quốc gia, trong đó có hai quốc gia Guinea Xích đạo và Angola, trên bờ biển phía tây của châu Phi.
Wall Street Journal năm 2021 đưa tin, Guinea Xích đạo là địa điểm có nhiều khả năng nhất để Trung Quốc đặt căn cứ quân sự. Tuy nhiên, Teodoro Nguema Obiang - Phó Tổng thống Guinea Xích đạo bác thông tin này. “Trung Quốc là hình mẫu của một quốc gia thân thiện và đối tác chiến lược, nhưng hiện tại, không có thỏa thuận nào như vậy”, ông tuyên bố vào thời điểm đó.
Mặc dù tốc độ đầu tư của Bắc Kinh trên khắp lục địa đã chậm lại kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI), trụ ở tại Mỹ, Trung Quốc đã cho các nước châu Phi vay khoảng 126 tỷ USD từ năm 2001 đến 2018 và chi 41 tỷ USD cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu lục này. Theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh đã xây dựng cảng, đường xá và các cơ sở hạ tầng khác ở 43 quốc gia ở châu Phi cận Sahara.
Trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với lục địa này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố "Chiến lược hướng tới châu Phi cận Sahara" vào tháng 8 năm ngoái và các quan chức Mỹ đã thực hiện loạt đề nghị ngoại giao với các nhà lãnh đạo châu Phi trong những tháng gần đây.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm Niger và Ethiopia trong tuần qua, trong khi Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo chuẩn bị đến thăm Ghana và Nigeria trong tháng này, nhằm thuyết phục quan chức các nước này cắt đứt quan hệ thương mại với Nga.