Hà Giang không chỉ thu hút du khách bởi cảnh non núi hùng vĩ được thiên nhiên ưu ái ban tặng mà còn ghi dấu ấn bởi ẩm thực đa dạng của đồng bào vùng cao. Và món bún vịt làng là một trong số đó.
Bún vịt làng là đặc sản mang văn hóa của người Tày ở Hà Giang. Món ăn chỉ với hai nguyên liệu chính là bún và vịt nhưng khi dùng thử, du khách sẽ phải ngạc nhiên với hương vị không thể tìm đâu được ngoài vùng đất nơi địa đầu của Tổ quốc.
Điều đầu tiên làm nên sự khác biệt ở bún vịt của dân tộc Tày đó là những sợi bún được chính người dân làm thủ công với quá trình cầu kỳ.
Gạo được lựa chọn kỹ để giã thành bột khô, sau đem nhào với nước rồi nặn thành từng viên bột to, cho vào nước sôi luộc nửa sống nửa chín. Những viên bột tiếp tục được đem đi giã nhuyễn để phần bột sống và chín hòa lẫn vào nhau…
Quá trình làm bún trải qua nhiều công đoạn đầy công phu, từ việc lựa chọn nguyên liệu đến chế biến đều được thực hiện hoàn toàn bằng tay. Sợi bún khi thành phẩm thường to hơn bún thông thường, và nhờ vào quá trình làm thủ công đầy khéo léo, tỉ mỉ cũng như nguyên liệu tươi tốt, không chất bảo quản nên sợi bún dẻo, dai và ngon hơn hẳn. Chính vì vậy, dù có mất nhiều công sức, nhưng người Tày ở Hà Giang vẫn giữ cách làm này.
Đặc biệt, vào những dịp lễ, tết, nhất là rằm tháng Bảy - một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm của dân tộc Tày, họ vẫn giữ truyền thống tự tay làm ra những sợi bún tươi ngon này để thưởng thức như một món ăn đặc sản.
Nếu như quá trình chế biến những sợi bún đầy kỳ công góp phần tạo nên sự khác biệt của bún vịt Hà Giang thì nguyên liệu còn lại - thịt vịt cũng đáng chú ý không kém.
Những miếng thịt trong bún vịt Hà Giang đều là từ những con vịt được bà con nơi đây trực tiếp nuôi và chăn thả bên những bờ suối từ Tết đến đầu hè và rằm tháng 7. Khi này, những chú vịt đã trở nên béo tốt, chắc nịch, đủ tươi ngon để làm nguyên liệu cho món bún này.
Vịt sau khi được sơ chế kỹ càng với gừng và rượu trắng sẽ được nấu để lấy nước dùng. Thịt vịt khi đã chín được thái thành từng miếng nhỏ vừa ăn, xếp lên trên những sợi bún trắng tròn, thêm chút hành, vài loại rau thơm tươi mát, chút ớt cay…, sau cùng kết thúc bằng vá nước dùng nóng hổi.
Chính cái dân dã, vị ngọt tự nhiên của những sợi bún dài mềm mịn hòa quyện với cái béo ngậy của từng miếng thịt vịt tươi ngon đã tạo nên sức hấp dẫn của bún vịt làng, để lại ấn tượng khó quên với những ai từng được dịp thưởng thức đặc sản này.