Tiếng nói miền Nam cất cao cánh sóng trong khói lửa chiến tranh

Nguyễn Quang - Hà Khánh - Duy Phương/VOV-TP.HCM | 05/04/2025, 08:28

Dù bị địch càn quét, phải liên tục di chuyển nhiều nơi nhưng tiếng nói miền Nam vẫn cất cao cánh sóng, củng cố niềm tin và động viên tinh thần quân dân vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Mỹ, các hoạt động phát thanh của quân giải phóng đã trở thành người bạn đồng hành tinh thần của quân và dân ta. Làn sóng phát thanh đã nhanh chóng truyền tải tin tức của trung ương đến từng đơn vị, địa phương, cán bộ chiến sĩ và người dân.

Dù bị sự càn quét của địch, phải liên tục di chuyển nhiều nơi nhưng tiếng nói miền Nam vẫn cất cao cánh sóng, củng cố niềm tin và động viên tinh thần quân dân vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Radio thời kháng chiến

Trong những năm 1947-1948, máy thu thanh ở Sài Gòn trở nên phổ biến, mọi người kháo nhau rằng, có một đài phát thanh kháng chiến tên là “Tiếng nói Nam bộ”. Bà con cũng bàn tán xôn xao: “Có đài là có chánh phủ trong bưng”, “dựng nổi một cái đài phát thanh như thế, bên kháng chiến phải giỏi lắm, phải mạnh lắm mới làm được...”. Ít ai ngờ rằng, Đài này được đặt trong một cái rương nhỏ trên chiếc xuồng, ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Mộc Hóa (nay là xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An).

Câu chuyện này được chị Lê Thị Hồng Diễm, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Xứ ủy Nam bộ tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, trực tiếp giới thiệu cho các đoàn khách tham quan. Trong chuỗi lịch sử kháng chiến được trưng bày trong khu di tích này, địa phương bố trí một góc trang trọng để nói về Đài Phát thanh Tiếng nói Nam bộ.

Chị Diễm cho biết: Ngày 1/12/1947, Đài Tiếng nói Nam bộ chính thức phát sóng, kêu gọi đồng bào kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời gian đầu vỏn vẹn 10 nhân sự, Đài chỉ phát 2 buổi/tuần, mỗi buổi 15 phút vào thứ bảy và chủ nhật. Sau khi dời về Cà Mau, Đài được đẩy mạnh với đội ngũ nhân sự khoảng 60-70 người, thời lượng tăng lên 30 phút mỗi ngày, chương trình phong phú hơn, phát cả tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác...

"Nơi neo đậu của Đài Tiếng nói Nam bộ thời gian đầu chủ yếu là ở địa bàn Hậu Thạnh Đông, Tân Thạnh, tỉnh Long An. Dù trong giai đoạn rất khó nhưng những buổi phát sóng đều có đầy đủ các thành phần như, nhạc hiệu, tin trong nước, xã luận, bình luận và có cả nhạc kịch… Sau này khi Đài chuyển về U Minh, Cà Mau thì càng phát triển, phát sóng thêm nhiều thứ tiếng như Quảng Đông, Khơ me… để tất cả người dân Nam bộ có thể hiểu được tiếng nói chính nghĩa của cuộc kháng chiến", chị Diễm cho biết.

Bị Pháp thường xuyên đánh phá, từ năm 1948, Đài phải di chuyển đến nhiều nơi, đến năm 1949 về lại U Minh. Đúng vào ngày 1/12/1954, sau Hiệp định Geveva, Đài hoàn thành sứ mệnh cách mạng, phát thanh buổi cuối cùng tại thị xã Cà Mau” - chị Diễm thông tin thêm.

Tiếp đó, trong kháng chiến chống Mỹ, từ chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, tháng 11/1961 tại Tây Ninh, Đài Phát thanh Giải phóng được thành lập.

Ngày 1/2/1962, tại Chiến khu Đ - Đồng Nai, Đài Phát thanh Giải phóng phát thanh buổi đầu tiên.

Mặc dù chỉ tồn tại một thời gian ngắn tại Mã Đà, Đồng Nai nhưng vai trò, ý nghĩa lịch sử của Đài Phát thanh Giải phóng tại đây được đánh giá là rất quan trọng.

"Khi đài phát thanh phát đi những tiếng nói trong thời kỳ kháng chiến có vai trò quan trọng, nhưng lại là cơ sở để kẻ thù xác định được vị trí đầu não của ta đứng chân ở đâu để ném bom. Đặc biệt, thời điểm đó phía địch có máy bay OV-10 là máy bay trinh sát, xác định được tần số của Đài Phát thanh Giải phóng của mình để rà soát, ném bom tiêu diệt cơ quan đầu não của mình. Cho nên khi Đài phát thanh giải phóng được hình thành tại Mã Đà phải di chuyển nhiều nơi", chị Nguyễn Thị Thuỷ - hướng dẫn viên Chiến khu Mã Đà, tỉnh Đồng Nai cho biết:

Vẹn nguyên những giá trị

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, tiếng nói từ đài phát thanh của quân giải phóng vang lên trên khắp vùng trời phía Nam, truyền đi những thông điệp về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt ở giai đoạn đấu tranh chống Mỹ-ngụy, mỗi khi “cánh sóng” cất lên tiếng nói đã củng cố niềm tin tất thắng, động viên đồng bào cả nước đóng góp hết sức mình vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), năm nay đã 98 tuổi, kể lại: ông có thói quen nghe đài từ thời chiến tranh. Là chỉ huy, ông thường xuyên theo dõi thông tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng và cả đài địch để nắm bắt tình hình chiến trường. Những thông tin từ đài phát thanh đã góp phần rất lớn để quân dân ta cũng cố thêm niềm tin trong kháng chiến.

Giờ đây, trong căn nhà tại căn hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh, dù tuổi đã cao những mỗi ngày ông Tư Cang vẫn thường nghe Đài để biết được các thông tin chính trị, xã hội quan trọng trong và ngoài nước.

"Ngày nào cũng nghe Đài tới 10h mới ngủ. Nghe đài để biết tình hình thế giới ra sao, rồi tình hình kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bây giờ đề ra như vậy thì tiến lên như thế nào? Mục tiêu năm nay phát triển 8% rồi phải tiến lên hai con số nữa. Mình tin rằng sẽ làm được. Dân mình dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ vượt qua. Bởi vì Đảng lãnh đạo chiến tranh giỏi, bây giờ lãnh đạo kinh tế, xung quanh người ta cũng ca ngợi hết. Thành ra mình tin tưởng", Đại tá Nguyễn Văn Tàu chia sẻ.

Chiến tranh đã đi qua, những ký ức về đài phát thanh trong từng giai đoạn kháng chiến lịch sử luôn được các địa phương bố trí lưu giữ tại những khu di tích ở Tây Ninh, Đồng Nai hay Long An và thường xuyên trùng tu, tôn tạo để nhắc nhớ thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Miều, Chủ tịch UBND xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết, năm 1992, địa phương xây dựng bia lưu niệm tại địa điểm ra đời Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến bên bờ Kinh Nông Nghiệp, huyện Tân Thạnh. Nhưng do bị sụt lở, xuống cấp, chính quyền địa phương di dời và tôn tạo bia lưu niệm mới, đặt tại UBND xã Hậu Thạnh Đông, khánh thành ngày 13/7/2006. Đợt trùng tu mới nhất vào năm 2019.

Đây là địa điểm di tích trong quần thể di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ được quy hoạch xây dựng và khánh thành, đưa vào sử dụng trong thời gian qua. Nơi này luôn được sự quan tâm của các đoàn du khách về nguồn.

"Hàng tuần UBND xã giao cho đoàn viên thanh niên và lực lượng dân quân thường trực địa phương tổ chức vệ sinh bia và xung quanh khu di tích để bảo tồn và tôn tạo thường xuyên các di tích liên quan đến hoạt động của đài phát thanh trên địa bàn", bà Miều cho biết thêm.

Trong chiến tranh cũng như thời bình, hoạt động phát thanh luôn là tiếng nói tin cậy, củng cố niềm tin quân dân. Trong thời bình đây cũng là diễn đàn để mọi người dân góp ý, trao đổi về các vấn đề thiết thực của đời sống xã hội, trở thành cầu nối vững chắc giữa các tầng lớp nhân dân với Đảng và chính quyền.

Bài liên quan
50 năm giải phóng miền Nam: Ký ức trận đánh cầu Rạch Chiếc oai hùng
Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975 có nhiều trận đánh đã đi vào lịch sử dân tộc. Trong đó, có một trận đánh tuy quy mô không lớn nhưng mang ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội ta - Trận đánh cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ Đông Bắc. Tại đây, các chiến sỹ đặc công biệt động của các đơn vị Z23, Z22 và D81, Lữ đoàn 316 chiến đấu anh dũng để chiếm giữ, đón đại quân tiến vào trung tâm thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng thống Hoa Kỳ chia sẻ về 'cuộc điện đàm rất hiệu quả' với Tổng Bí thư Tô Lâm
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ trên Truth Social về kết quả cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp