Thủ tướng được quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác luật hiện hành

Anh Văn | 18/02/2025, 14:03

Theo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, Thủ tướng được quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác luật hiện hành.

Sáng 18/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, với 463/465 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Luật gồm 5 chương, 32 điều, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3. 

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). (Ảnh: quochoi.vn)
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). (Ảnh: quochoi.vn)

Để đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân định thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, Luật bổ sung một số cơ chế, chính sách mới.

Cụ thể, tại điểm e khoản 4 Điều 13 quy định về thẩm quyền của Thủ tướng: "Trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân, Thủ tướng quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội trong thời gian gần nhất".

Bên cạnh đó, bổ sung quy định tại điểm h khoản 8 Điều 10 về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ: "Trên cơ sở được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện giải pháp khác với quy định của luật, nghị quyết, pháp lệnh hiện hành trong trường hợp cần huy động các nguồn lực để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, sau đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ (Điều 5), có ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung nguyên tắc kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng bổ sung nguyên tắc nêu trên tại khoản 3 Điều 5: "Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu".

Về nguyên tắc phân định thẩm quyền (Điều 6), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định bảo đảm nguyên tắc Thủ tướng không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, vì chưa bảo đảm tường minh, chưa phù hợp với quy định tại điểm c khoản 4 Điều 13 về việc Thủ tướng "quyết định các vấn đề khi còn ý kiến khác nhau giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ".

Bên cạnh đó, có ý kiến khác đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 6 nội dung: Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp dưới để bảo đảm tính kịp thời, linh hoạt, hiệu quả trong tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý lại khoản 5 Điều 6 cho rõ ràng, bao quát việc phân định thẩm quyền của Thủ tướng và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ theo phân công của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý.

Theo đó, khoản này được quy định: "Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ; lãnh đạo công tác của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao, không quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đối với ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ. Trường hợp cần thiết, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương".

Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với Bộ trưởng, trường hợp Bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của Bộ đó.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết ngoài cơ chế giám sát thông qua bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, Luật đã quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ "Chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý" (khoản 1 Điều 18).

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định thẩm quyền của Thủ tướng trong việc "Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ" (khoản 1 Điều 13) để bảo đảm kiểm soát quyền lực đối với các chức danh này.

Anh Văn
Bài liên quan
Dự án cơ sở 2 của 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức phấn đấu rút ngắn tiến độ
VOVLIVE - Chiều nay (19/2), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra và có cuộc làm việc về cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc của Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại tỉnh Hà Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla
VOVLIVE - Chiều 19/2, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18-20/2/2025.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp