Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VTC News, đến chiều 11/9, mặc dù nước trên sông Hồng, khu vực cầu Bắc Lẫm đã rút gần 2m so với chiều tối qua nhưng thành phố Yên Bái tiếp tục có mưa lớn, kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.
Đến tối 11/9, mưa đã tạnh. Nước lũ rút thêm khoảng hơn 1m nữa, một số tuyến đường đã hết ngập, các phương tiện đã có thể đi lại thông suốt.
Tuy vậy, nhiều xã, phường vẫn chìm trong biển nước và bị cô lập vì nằm trong vòng nước xoáy, ngõ nhỏ hoặc ở rìa sông nên các lực lượng chức năng và tổ chức thiện nguyện chưa thể ứng cứu. Lãnh đạo địa phương cho biết, khó khăn nhất là việc tiếp cận các điểm sạt lở, do những điểm đó vừa sạt lở, vừa ngập úng và nước chảy xiết.
Ngoài ngập lụt thì sạt lở đất cũng đang diễn biến hết sức phức tạp tại Yên Bái. Theo thống kê của Uỷ ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong số 44 người chết và mất tích tính đến tối 11/9, có đến 37 người chết do sạt lở đất gây ra.
Nhiều người vẫn mắc kẹt, gấp rút ứng cứu
Ngày 11/9, phóng viên Báo điện tử VTC News đã cùng nhiều đoàn cứu trợ và cơ quan chức năng vào vùng lũ dữ, đi đến những hộ gia đình bị mắc kẹt xa xôi nhất để cứu trợ. Những con thuyền cứu hộ đầy ắp quà tình nghĩa gồm nước uống, sữa, đồ ăn khô, thuốc men...lướt đi giữa dòng nước xoáy - nơi trước kia là phố phường tấp nập và chỉ trong ít ngày đã bị biến thành biển nước.
Anh Trần Đinh, trưởng nhóm tình nguyện đến từ quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, chiếc thuyền gắn máy cũng do chính những người trong đoàn đóng góp 80 triệu đồng để đóng lắp.
“Trong đợt này, chúng tôi mang khoảng 10 tấn hàng hóa gồm thuốc men, thực phẩm, sữa, nước sạch… để cứu trợ người dân vùng lũ Yên Bái. Ngoài ra, chúng tôi cũng mang theo thuốc đến ứng cứu cho một số người cao tuổi đang mắc kẹt và bị ốm nhưng chưa được vận chuyển ra ngoài vì dòng nước xoáy mạnh. Với chiếc thuyền máy này, chúng tôi hy vọng sẽ đến được những nơi xa nhất, nơi mà những đội cứu hộ khác không thể tiếp cận, để tiếp tế cho những hộ gia đình còn mắc kẹt giữa biển nước mênh mông”, anh Trần Đình nói.
Người điều khiển con thuyền được thuê từ Hà Nội lên, địa điểm xa nhất mà đoàn thiện nguyện và phóng viên Báo điện tử VTC News đến được là xã Tuy Lộc. Đến 11h30 ngày 11/9, nơi này vẫn hoàn toàn bị cô lập, nước dâng rất cao, ngập gần đến đường dây điện, dù đã rút gần 2m so với cuối giờ chiều 10/9.
Giữa biển nước mênh mông, những người dân bị mắc kẹt đang luôn dõi mắt hướng theo bất kỳ chiếc thuyền cứu hộ nào đi qua. Hầu hết họ ngồi chờ trên tầng 2, tầng 3 của những ngôi nhà bị ngập, chuẩn bị sẵn dây thừng, túi nylon để đoàn thiện nguyện gửi lương thực tiếp tế rồi kéo lên.
Thậm chí cũng có người tự mình buộc dây cứu hộ, bơi ra tận thuyền của đoàn thiện nguyện, kéo theo thùng xốp để nhận đồ. Với họ, mỗi món hàng thời điểm này là vô cùng quý giá.
Một người đàn ông rưng rưng nói: “Ở đây trái đường, xa và ngập sâu, thuyền cứu hộ nào đi qua tôi cũng gào khản tiếng nhưng không được hồi đáp. Nhà tôi có 3 người lớn và 6 cháu nhỏ, bị mắc kẹt tại đây đến nay đã ba ngày rồi, lương thực và nước uống đã cạn kiệt. May mà các anh còn đến được”.
Sau khi nhận được những gói lương thực, thực phẩm, nước sạch và sữa tiếp tế, người đàn ông liên tục cảm ơn. Chúng tôi rời đi và cũng không quên động viên mọi người cố gắng bám trụ, vượt qua khó khăn, nước đang rút dần rồi.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái, đến nay có tới gần 11.000 người tham gia cứu trợ. Bên cạnh đó là hàng trăm phương tiện máy xúc, xe lội nước, xuồng máy, thuyền nhẹ, ô tô, máy phát điện, máy bơm nước…Rất nhiều đoàn từ thiện ở các tỉnh, thành đã đến, mang thuốc men, thực phẩm tiếp tế cho các hộ dân bị ngập lụt.
Tại khu vực thuộc Công ty xăng dầu Yên Bái thuộc phường Yên Ninh nhiều đoàn xe cứu trợ vẫn tiếp tục vận chuyển lương thực, thực phẩm đến cứu trợ cho người dân. Các gói cứu trợ được đóng thành từng gó trong các bịch nilon để không bị ướt gồm: Nước suối, mỳ tôm, cơm hộp, bánh kẹo, lương khô…
Phía bên trong sân của UBND TP Yên Bái, các cán bộ của thành phố như Liên đoàn Lao động, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên…cũng liên tục kêu gọi hỗ trợ người dân.