Thị trường lao động cuối năm: Thời cơ và thách thức đan xen

Chung Thủy/VOV.VN | 12/10/2024, 09:53

9 tháng năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá với nhiều điểm sáng, số người lao động có việc làm tăng lên; thu nhập bình quân tháng được cải thiện; Số doanh nghiệp tham gia thị trường tăng… Đây là những tín hiệu khởi sắc của thị trường lao động trong các tháng cuối năm nhưng đi kèm với đó là nhiều thách thức cần hóa giải.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, thị trường lao động, việc làm trong quý 3/2024 tiếp tục khởi sắc với lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng hơn 210.000 người so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm là  51,4 triệu người, tăng 212.000 người; thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 519.000 đồng.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, sự khởi sắc của thị trường lao động trong thời gian này được thể hiện ở số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tình hình xuất nhập khẩu khởi sắc đã góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của cả nước trong quý này.

Theo đó, 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 122.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.158,5 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là hơn 735.000 người, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 3,4% về vốn đăng ký.

Cũng theo ông Nam, thị trường lao động vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, tuy nhiên chất lượng lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Đến nay có khoảng 37,6 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên (cả nước chỉ có khoảng 28,5% người lao động đã qua đào tạo, có bằng chứng chỉ); Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin, hiện có rất nhiều cơ hội việc làm với các vị trí hấp dẫn ở các phân khúc về trình độ trong những tháng cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng gia tăng trong mùa cao điểm. Đây là giai đoạn cao điểm cho các ngành bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ, do nhu cầu mua sắm và tiêu dùng tăng cao.

Theo số liệu thu thập thông tin việc làm trống do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện, dự báo, thời điểm cuối năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khoảng 120.000 - 150.000 vị trí việc làm trống. Tập trung vào các vị trí: nhân viên bán hàng, dịch vụ, công nhân kỹ thuật/thợ, chuyên viên nghiệp vụ/kỹ thuật viên. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể đẩy mạnh tuyển dụng lao động thời vụ để phục vụ cho các chương trình khuyến mãi lớn và sự kiện như Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Về mức lương, các vị trí dao động từ 7 - 15 triệu đồng, song cũng có mức từ trên 15 - 20 triệu đồng cho nhóm trình độ cao. Ngoài ra, có mức dưới 7 triệu đồng cho nhóm lao động bán thời gian. Như vậy, cơ hội việc làm là khá đa dạng để người lao động từ học sinh, sinh viên, lực lượng tham gia khác có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan của thị trường lao động, ông Thành cũng chỉ ra những khó khăn hiện hữu, đó là thị trường lao động hiện nay thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và các ngành kỹ thuật cao là việc tìm kiếm lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao.

Cùng với đó, các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút nhân tài. Các ngành như công nghệ thông tin, tài chính và marketing kỹ thuật số đang chứng kiến sự tranh giành khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này buộc các doanh nghiệp phải đưa ra mức lương, phúc lợi, điều kiện làm việc hấp dẫn hơn để giữ chân và thu hút nhân viên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động thời vụ. Vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm, các doanh nghiệp bán lẻ, thương mại điện tử, logistics cần tuyển số lượng lớn lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Tuy nhiên, việc thu hút đủ lao động thời vụ trong thời gian ngắn thường gặp khó khăn, nhất là khi nhiều người lao động tìm kiếm công việc ổn định và lâu dài thay vì các vị trí ngắn hạn.

“Lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng khiến người lao động yêu cầu mức lương và phúc lợi cao hơn. Điều này gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi phải cân nhắc giữa việc duy trì chi phí hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Những doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính để cung cấp các gói phúc lợi hấp dẫn có thể gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân tài”, ông Thành cho hay.

Ông Vũ Quang Thành cũng đưa ra nhận định, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ít hơn số doanh nghiệp thành lập mới trong quý 3 có thể được coi là một tín hiệu tích cực nhưng để khẳng định rằng đây là dấu hiệu khởi sắc hoàn toàn cho thị trường lao động mà cần phải xem xét nhiều yếu tố khác nhau.

Việc gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới có thể tạo ra cơ hội việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động. Khi doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, họ thường cần tuyển dụng lao động, từ đó giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện tình hình lao động. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào quy mô, lĩnh vực hoạt động và khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp mới này. Nếu phần lớn doanh nghiệp mới thành lập có quy mô nhỏ hoặc hoạt động trong các lĩnh vực ít có tác động đến việc làm thì tác động thực tế đến thị trường lao động có thể hạn chế. Đồng thời, việc số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng là dấu hiệu cho thấy có những thách thức nhất định như chi phí sản xuất cao, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn hay biến động thị trường.

Ông Thành cho rằng, để đáp ứng cơ bản cho nhu cầu tuyển dụng của lao động của các doanh nghiệp, cần đào tạo và phát triển kỹ năng cho lao động mới. Việc tìm kiếm những lao động có đầy đủ kỹ năng phù hợp với công việc là rất khó khăn. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và xu hướng chuyển đổi số đòi hỏi lao động phải có các kỹ năng chuyên sâu và cập nhật thường xuyên.

Theo ông Thành, từ nay đến cuối năm, đặc biệt trong quý 4 sẽ tập trung nhiều ngày lễ lớn, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những kế hoạch hoàn thiện đơn hàng trong năm, đơn hàng dự kiến phát sinh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Một phần vì người lao động đã lựa chọn nơi gắn bó ổn định, tình trạng “nhảy việc” hay tìm kiếm công việc mới chỉ xảy ra trong điều kiện bất khả kháng như, công ty gặp khó khăn phải dừng hoạt động hoặc bản thân người lao động cảm thấy không còn phù hợp với điều kiện, môi trường làm việc.

“Tới đây, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị để tổ chức những phiên giao dịch việc làm đặc thù, phiên lưu động nhằm đáp ứng được nguồn lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, hỗ trợ người lao động tìm được việc làm phù hợp với mức thu nhập thỏa đáng, nhằm giúp họ cải thiện đời sống trong những tháng cuối năm”, ông Vũ Quang Thành cho hay.

Bài liên quan
Thu nhập của người lao động năm 2024 tăng hơn 600.000 đồng/tháng
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6%, tương ứng tăng 610.000 đồng so với năm 2023. Thông tin này được đưa ra tại Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng nay (6/1).

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ
Thủ tướng chỉ đạo, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp