Nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến thị trường tài chính rơi vào tình trạng hỗn loạn, đặc biệt là ở các thị trường tiền tệ và trái phiếu, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến nhà đầu tư rút khỏi các tài sản định giá bằng USD.
Hợp đồng tương lai chứng khoán châu Âu dự báo một phiên mở cửa ảm đạm, trong khi đồng franc Thụy Sĩ đạt mức cao nhất trong 10 năm và đồng yên Nhật Bản mạnh nhất trong sáu tháng. Giá vàng tiếp tục lập kỷ lục mới, vượt mốc 3.200 USD/ounce, và đồng euro tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2022.
Sau một đợt phục hồi ngắn ngủi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày, thị trường chứng khoán châu Á từ Nhật Bản đến Úc đồng loạt giảm điểm.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 4,3%, trong khi cổ phiếu ở Hàn Quốc (KS11) giảm gần 1%. Hợp đồng tương lai của S&P 500 và Nasdaq tại Mỹ tăng nhẹ sau đợt giảm mạnh trước đó.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng sự sụt giảm của đồng USD và thị trường trái phiếu Mỹ phản ánh sự mất niềm tin vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.com, nhận định: "Rõ ràng đang có một làn sóng rút vốn khỏi tài sản Mỹ. Việc đồng tiền và thị trường trái phiếu giảm giá cùng lúc không bao giờ là dấu hiệu tốt. Điều này vượt ra ngoài việc định giá trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và bất ổn thương mại".
Căng thẳng thương mại gia tăng sau khi Mỹ nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%, kéo theo các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu và khiến nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản an toàn hơn.
Ông Vasu Menon, giám đốc điều hành chiến lược đầu tư tại Ngân hàng OCBC ở Singapore, cho biết: "Triển vọng ngắn hạn đối với các tài sản rủi ro toàn cầu vẫn còn chưa chắc chắn do lo ngại về tăng trưởng và lạm phát, tâm lý bất ổn và những diễn biến thay đổi nhanh chóng trên mặt trận thương mại và thuế quan".
Đợt bán tháo đồng USD và trái phiếu tiếp tục diễn ra, với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,444%, hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2001. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng đang trên đà ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ ít nhất năm 1982.

Giám đốc thông tin toàn cầu về thu nhập cố định tại Allianz Global Investors Michael Krautzberger, cho biết: "Những gì chúng ta đang thấy trên thị trường trái phiếu Mỹ hiện không phải là mối lo ngại về lạm phát" mà có thể phản ánh nỗi lo sợ của các nhà đầu tư rằng sự suy thoái hoặc tăng trưởng chậm lại mạnh sẽ "khiến triển vọng tài chính vốn đã không bền vững của Mỹ càng trở nên tồi tệ hơn".
Giá dầu giảm vào thứ Sáu, đánh dấu tuần thứ hai liên tiếp giảm do lo ngại về cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Giá dầu thô tương lai West Texas Intermediate của Mỹ giảm 0,5%, trong khi giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,6%.