Vận động viên dân tộc thiểu số Sơn La có tên trong bảng vàng đấu trường quốc gia, quốc tế
“Đối với tôi, lúc đó rất xúc động, tự hào, không còn từ nào để diễn tả được cảm xúc. Ước mơ của tôi là được khoác lên mình lá cờ Việt Nam, hát Quốc ca Việt Nam ở giải vô địch thế giới, vô địch châu Á để bạn bè các nước cùng nghe Quốc ca của mình” - vận động viên Quàng Thị Thu Nghĩa nhớ lại.
“Tôi cảm thấy như vỡ òa, vinh dự, hạnh phúc khi mang được thành tích cao về cho thể thao Việt Nam” - vận động viên Bạc Thị Khiêm chia sẻ.
“Lúc đó cảm xúc vỡ òa, rất tự hào về chính bản thân mình đã làm được điều khó tưởng tượng khi mang về tấm huy chương danh giá trong lịch sử của nội dung mà tôi thi đấu” - vận động viên Lò Thị Hoàng vẫn xúc động khi kể lại với phóng viên.
Niềm vui, xúc động, niềm tự hào vẫn còn vẹn nguyên với 3 nữ vận động viên người Thái của quê hương Sơn La là Quàng Thị Thu Nghĩa, Bạc Thị Khiêm, Lò Thị Hoàng khi được đứng trên bục vinh quang. Với 3 tấm Huy chương Vàng đặc biệt xuất sắc tại Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 ở 3 môn thi đấu Pencak Silat, ném lao, Taekwondo. Ba cô gái vàng này, đã góp phần ghi dày thêm bảng thành tích của các vận động viên dân tộc thiểu số với thể thao nước nhà. Cả 3 hiện đang tích cực luyện tập để mang về thành tích cao tại Đại hội thể thao toàn quốc trung tuần tháng 12/2022.
Sinh ra ở vùng quê chuối ngọt, xoài thơm Yên Châu, Sơn La, Quàng Thị Thu Nghĩa được tuyển chọn và bắt đầu tham gia luyện tập từ năm 2013 tại trung tâm luyện tập và thi đấu tỉnh Sơn La khi mới 14 tuổi. Năm 2022, ngoài tấm huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á, cô còn đạt huy chương Vàng tại giải Vô địch Thế giới Pencak Silat lần thứ 19 được tổ chức tại thành phố Melaka (Malaysia) ở nội dung đối kháng, hạng cân 70 - 75 kg và trước đó là một dãy dài các huy chương vàng các giải đấu trong nước, thế giới.
Nghĩa chia sẻ, đằng sau những tấm huy chương lấp lánh, con đường theo đuổi bộ môn Pencak Silat của cô là cả một quá trình khổ luyện. Cô đã phải điều trị nhiều lần vì chấn thương. Sự quan tâm động viên của gia đình, sự chỉ bảo giúp đỡ của các thầy huấn luyện viên đã khích lệ Nghĩa vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm hết sức mình trong việc luyện tập, nâng cao kỹ chiến thuật thi đấu vì màu cờ sắc áo của quê hương.
“Đối với tôi, để trở thành một vận động viên mang thành tích cao về cho Tổ quốc, cho tỉnh thì đã phải trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ tâm lý thi đấu, rồi chấn thương. Điều đầu tiên phải chăm chỉ rèn luyện bản thân, cố gắng phát triển hơn về kỹ thuật chuyên môn”- Quàng Thị Thu Nghĩa chia sẻ.
Cũng như Quàng Thị Thu Nghĩa, vận động viên dân tộc Thái - Bạc Thị Khiêm cũng là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất Mường Giôn, Quỳnh Nhai, Sơn La. Tham gia tập luyện và học xa nhà từ năm 12 tuổi, không ít lần cô muốn bỏ cuộc vì nhớ cha mẹ và áp lực vừa luyện tập cao độ, vừa học hành.
Tuy vậy, thời gian dần trôi và Khiêm cũng đã quen dần. Ở tuổi 22, bây giờ, Bạc Thị Khiêm có gần 10 năm theo nghiệp Taekwondo, với bảng vàng thành tích như HCV SEA Games 30 và 31; vô địch giải Đông Nam Á 2017 và 2022 cùng nhiều thành tích nổi bật ở các giải trong nước. Theo Bạc Thị Khiêm, điều quan trọng với mỗi vận động viên là phải có tinh thần vượt khó, học hỏi và bền bỉ. “Thời gian tập luyện rất khắc khổ, kéo dài. Mình luôn phải có ý chí quyết tâm, nỗ lực luyện tập để thực hiện và hoàn thành các bài tập huấn luyện viên đưa ra” - Bạc Thị Khiêm nói.
Lò Thị Hoàng - người con của đồng bào Thái ở Pắc Ngà, Bắc Yên, Sơn La đã mang về cho thể thao Việt Nam tấm HCV lịch sử tại SEA Games 31, đồng thời phá kỷ lục SEA Games ở bộ môn ném lao, với thành tích 56,37m. Với rất nhiều HCV, HCB ở các giải đấu trong nước, quốc tế, Lò Thị Hoàng mong muốn hoàn thiện bản thân. Cô vừa tiếp tục tập luyện, vừa theo học Đại học và hiện cô đã có bằng đại học chuyên ngành huấn luyện, Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
“Chúng tôi phải có ý chí, nghị lực thật tốt để có thể vượt qua những khó khăn và những bài tập nặng. Tôi cũng sẽ cố gắng hơn nữa để giữ tấm huy chương của mình”- Lò Thị Hoàng cho biết.
Quàng Thị Thu Nghĩa, Lò Thị Hoàng, Bạc Thị Khiêm chỉ là ba trong số rất nhiều vận động viên dân tộc thiểu số ở Sơn La đã đạt thành tích cao tại các giải đấu trong nước, quốc tế. Họ không chỉ thi đấu vì màu cờ sắc áo quê hương mà thành tích của họ đã góp phần làm rạng danh nền thể thao nước nhà.
Trong 10 năm qua, tỉnh Sơn La đã có 342 vận động viên đạt đẳng cấp kiện tướng và cấp 1. Riêng từ 2020 đến nay, đã đạt 369 huy chương các loại, trong đó có 99 HCV, 103 HCB và 167 HCĐ. Tiêu biểu là 03 HCV SEA Games 31 của các VĐV môn Taekwondo, Điền kinh, Pencak Silat; 01 HCV, 01 HCB Vô địch thế giới môn Pencak Silat; 01 HCV Vô địch châu Á; 01 VĐV phá Kỷ lục SEA Games môn Điền kinh; 04 vận động viên tham gia đội tuyển quốc gia, 05 vận động viên tham gia đội tuyển trẻ toàn quốc.
Để thể thao thành tích cao Sơn La đứng vững ở đấu trường quốc gia, quốc tế
Có thể nói, thể thao thành tích cao của tỉnh Sơn La đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thành tích tham gia các giải quốc gia, quốc tế chưa ổn định, chưa đồng đều ở các bộ môn. Để thể thao thành tích cao đứng vững ở đấu trường quốc gia, quốc tế, UBND tỉnh Sơn La tiếp tục phê duyệt đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030. Sự vào cuộc của chính quyền, các ngành chức năng và sự nỗ lực vượt khó của từng huấn luyện viên, vận động viên, chắc chắn thể thao thành tích cao của Sơn La sẽ đạt mục tiêu đề ra.
- Đề án đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 có gần 200 huấn luyện viên đạt trình độ theo tiêu chuẩn; đào đạo trên 2.600 vận động viên ở 14 bộ môn, trong đó có 338 vận động viên đạt đẳng cấp kiện tướng và cấp 1.
- Trong giai đoạn 2021-2030 thể thao thành tích cao Sơn La sẽ đạt gần 1.200 huy chương các loại ở các giải khu vực, toàn quốc, quốc tế. Trong đó, đạt khoảng 60 huy chương quốc tế.
Đều đặn 2 buổi mỗi ngày, ngoài giờ học văn hóa, từ 4h-6h30 sáng, 15h-15h30 chiều, thầy trò huấn luyện viên, vận động viên thuộc 11 bộ môn thể thao thành tích cao tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Sơn La lại bắt đầu công việc luyện tập chuẩn bị cho các giải đấu.
Vận động viên Bạc Thị Khiêm trong bộ tập ướt đẫm mồ hôi chia sẻ, bộ môn nào cũng có những kỹ thuật, chiến thuật, đòn tấn công, phản công riêng nên công việc luyện tập của thầy trò thực sự là khổ luyện. Như môn Taekwondo là môn thể thao Olympic đòi hỏi tốc độ và sức mạnh nên các vận động viên phải luyện tập với cường độ lớn, luyện tập hết sức mình trong các buổi tập.
“Buổi sáng chúng tôi hầu như tập về thể lực, tập các bài chạy, bài tập tạ bổ sung sự dẻo dai trong thi đấu. Buổi chiều luyện về chuyên môn, kỹ thuật, chiến thuật. Buổi tối chúng tôi có khoảng thời gian tự tập luyện, hoàn thiện những kỹ thuật chúng tôi đang thiếu” - Bạc Thị Khiêm chia sẻ.
Công tác tuyển chọn vận động viên được coi là mấu chốt thành bại cho thể thao thành tích cao của tỉnh Sơn La. Vì thế, công tác này được tập trung cao từng năm thông qua việc phối hợp với trường học trong tỉnh, các giải thể thao phong trào, thể thao quần chúng. Từng huấn luyện viên còn lặn lội đến cơ sở xã bản tìm kiếm, phát hiện, tuyển chọn vận động viên đảm bảo chất lượng bổ sung lực lượng kế cận cho các đội tuyển.
“Công tác tuyển chọn vận động viên thì theo tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá. Mình phải vận dụng làm sao cho phù hợp với đối tượng, con người của Sơn La có đông dân tộc anh em”- HLV đội tuyển Pencak Silat Trần Huy chia sẻ.
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Sơn La được tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện vận động viên phục vụ các giải đấu thể dục thể thao. Trung tâm hiện có trên 140 vận động viên tuyển trẻ và tuyển tỉnh đang tập luyện thi đấu ở 11 bộ môn ưu thế của Sơn La gồm Muay, Pencak Silat, Taekwondo, Bóng đá nữ, quần vợt, bóng bàn, Boxing, Kick Boxing, cầu lông, điền kinh, xe đạp.
Theo ông Hồ Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm, công tác đào tạo tập trung chuyên sâu theo từng nấc 3 tuyến vận động viên năng khiếu, vận động viên đội tuyển trẻ và tuyển tỉnh, từ đó nâng dần cấp độ đào tạo tham gia các giải quốc gia, quốc tế.
“Mục tiêu lớn nữa là trung tâm sẽ tập trung đào tạo một số vận động viên tham gia vào đội tuyển quốc gia. Phấn đấu đạt những huy chương thế giới, châu Á và các kỳ SEA Games” - ông Hồ Minh Sơn cho biết.
Về cơ chế chính sách, Sơn La hiện là một trong những tỉnh tốp đầu trong cả nước áp dụng tối đa chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng vận động viên theo thông tư 86 của Bộ Tài chính. Theo đó, các vận động viên được hưởng những chế độ ưu đãi nhất của tỉnh để yên tâm sinh hoạt, tập luyện thi đấu đạt thành tích tốt và học tập văn hóa.
Các huấn luyện viên cũng được tạo mọi điều kiện để nâng cao trình độ, huấn luyện, tuyển chọn, đào tạo, đánh giá khả năng phát triển thành tích của các vận động viên qua từng tuần tập. Sự hỗ trợ thường xuyên của Tổng cục TDTT, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia đã góp phần không nhỏ nâng cao khả năng thi đấu của vận động viên.
Điều mà các huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao ở Sơn La mong muốn nhất là thời gian tới sẽ được tham gia cọ xát nhiều hơn với các đội tuyển mạnh trong cả nước; được tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất sân bãi, phòng tập vì hiện nay hầu hết các bộ môn phải tập luyện ở phòng tập chung chưa đảm bảo yêu cầu.
“Có các giải đấu thể thao của quốc gia tổ chức tại Sơn La thì phong trào sẽ lên rất nhiều. Hiện nay, chúng tôi đang khó khăn nhất là cơ sở vật chất của Trung tâm còn thiếu thốn nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo vận động viên”- HLV đội tuyển Taekwondo Mùi Anh Tuất mong muốn.
Thể thao thành tích cao Sơn La đã bứt phá lên vị trí thứ 4 trong tổng số 19 tỉnh miền núi trong cả nước. Sơn La đang phấn đấu tăng vị trí xếp hạng và đạt thành tích cao tại các giải đấu quốc gia, quốc tế, trước mắt là tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX này.
“Năm nay, tỉnh Sơn La tham gia Đại hội ở 9 bộ môn, với gần 100 vận động viên. Mục tiêu chúng tôi đưa ra phấn đấu đạt 5 HCV. Cố gắng phấn đấu bậc thứ hạng tốt hơn Đại hội trước. Trong giai đoạn 2021-2030 tập trung đào tạo những môn có khả năng có thành tích ở đấu trường quốc gia, quốc tế” - ông Đỗ Thế Công, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Sơn La khẳng định./.