Theo Tiến sĩ Yong Poovorawan, người đứng đầu Trung tâm Virus học lâm sàng tại Đại học Chulalongkorn, các loại vaccine Covid-19 hiện có, được phát triển để đối phó với biến thể phụ XBB.1.5, không có hiệu quả chống lại chủng biến thể KP.2.
Ông Yong Poovorawan cho biết biến thể phụ KP.2, hay FLi RT, là đột biến của biến thể JN.1, dễ lây truyền hơn và có khả năng né tránh hệ thống miễn dịch cao hơn, nhưng các triệu chứng bệnh do KP.2 gây ra không nghiêm trọng hơn biến thể JN.1. Theo dự đoán của ông Yong, biến thể phụ KP.2 sẽ sớm chiếm ưu thế ở Thái Lan.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các nhà sản xuất vaccine điều chỉnh các loại vaccine trong quá trình sản xuất để đối phó với biến thể phụ JN.1. Tuy nhiên, biến thể này đã nhanh chóng biến đổi sang chủng biến thể mới KP.2 và các nhà sản xuất vaccine hiện không thể theo kịp với tốc độ đột biến của các chủng virus SARS-CoV 2 như hiện nay.
Trong khi đó, giới chức y tế Thái Lan khuyến cáo du khách đến từ vùng đang có dịch cúm gia cầm H5N2 nên tự theo dõi các triệu chứng hô hấp trong vòng 14 ngày kể từ ngày đến và nhanh chóng tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu phát sinh các triệu chứng bệnh.
Cục Kiểm soát Dịch bệnh nước này (DDC) xác nhận Thái Lan không ghi nhận bất kỳ ca cúm gia cầm nào ở người kể từ năm 2006, đồng thời cho biết các cho biết các cơ quan chức năng đang tích cực theo dõi các đợt bùng phát dịch có thể xảy ra ở động vật, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong trường hợp phát hiện ổ dịch.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do cúm gia cầm A (H5N2). Một người đàn ông 59 tuổi ở Mexico đã qua đời hôm 24/4 sau khi có biểu hiện khó thở, tiêu chảy, nôn mửa và có triệu chứng cúm.