Tăng mức xử phạt giao thông sẽ tạo ra tài xế ứng xử văn minh?

Văn Ngân/VOV.VN | 08/01/2025, 10:16

Nếu tạo ra môi trường văn minh thì tự dưng người tham gia giao thông cũng suy ngẫm và ứng xử văn minh. Nhiều người kỳ vọng, với việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông cao như Nghị định 168, giao thông sẽ hết lộn xộn, không tốn kém tiền bạc công sức tuyên truyền phổ biến luật.

Tăng mức xử phạt vi phạm hướng đến nhiều mục đích

Liên quan đến nội dung này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: "Mục đích mà cơ quan chức năng khi đề xuất tăng mức xử phạt hướng đến là có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi lái xe nguy hiểm hoặc bất hợp pháp, có khả năng ngăn ngừa tai nạn và thương tích. Một trong những mục đích khác có thể hiểu là tạo doanh thu. Việc phạt tiền có thể đóng góp vào việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng đường bộ và thực thi pháp luật".

Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ là một trong các Nghị định có tuổi thọ ngắn. Gần như một quy luật: Nghị định thường xuyên 2-3 năm lại bổ sung, sửa đổi và luôn luôn theo hướng tăng mức phạt (kể cả giai đoạn COVID 19). Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Ngược theo thời gian, trước đó là các Nghị định sau: Nghị định số 100/2019 được áp dụng từ 1/1/2020 và đã sửa đổi bổ sung một số điều trong Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021, áp dụng cho đến hết năm 2024. Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1/8/2016 đến 31/12/2019, Nghị định số NĐ 107/2014 ngày 17/11/2014 Nghị định số 171/2013 ngày 13/11/2013.

"Cần xem xét mức độ nghiêm trọng hơn hoặc ít nghiêm trọng hơn của hành vi vi phạm, chẳng hạn như lái xe liều lĩnh hoặc lái xe khi say rượu, thường phải chịu mức phạt cao hơn để phản ánh mức độ nguy hại tiềm ẩn. Chạy quá tốc độ hoặc vượt biển báo dừng, có thể bị phạt thấp hơn. Ngoài ra cần quan tâm đến chi phí điều tra, truy tố và thực thi hành vi vi phạm giao thông cần được cân nhắc khi ấn định mức phạt; Các khoản tiền phạt quá cao có thể ảnh hưởng không cân xứng đến những người có thu nhập thấp, dẫn đến khó khăn về tài chính; Các khoản tiền phạt được coi là không công bằng hoặc quá mức có thể làm xói mòn lòng tin của công chúng vào việc thực thi pháp luật", TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.

So sánh mức tiền phạt với các khu vực pháp lý tương tự khác có thể cung cấp thông tin chi tiết về việc liệu các khoản tiền phạt có hợp lý hay không; Nghiên cứu về hiệu quả của các khoản tiền phạt trong việc ngăn chặn vi phạm có thể giúp xác định xem có cần điều chỉnh hay không. TS. Nguyễn Hữu Đức nêu quan điểm, một hệ thống tiền phạt có cấu trúc tốt có thể bao gồm các mức tiền phạt khác nhau dựa trên mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Việc tích lũy điểm cho các vi phạm có thể dẫn đến việc đình chỉ giấy phép hoặc các hình phạt khác. Các yếu tố như lịch sử lái xe của tài xế, địa điểm vi phạm và hoàn cảnh của vụ việc có thể được tính đến.

Những cân nhắc bổ sung như trong một số trường hợp, các hình phạt thay thế như phục vụ cộng đồng hoặc các khóa đào tạo lái xe có thể phù hợp, đặc biệt là đối với những người vi phạm lần đầu. Cùng với đó, công chúng cần được tiếp cận thông tin về tiền phạt giao thông, bao gồm lý do cho số tiền cụ thể và cách sử dụng doanh thu.

"Đánh giá tính đúng đắn của tiền phạt vi phạm giao thông đòi hỏi phải cân bằng cẩn thận giữa tính răn đe, tạo ra doanh thu và tính công bằng. Bằng cách xem xét các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, chi phí thực thi, tác động kinh tế và nhận thức của công chúng, các nhà lập pháp có thể xây dựng một hệ thống thúc đẩy hiệu quả an toàn giao thông trong khi vẫn duy trì được lòng tin của công chúng", TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Môi trường đóng vai trò rất quan trọng để điều chỉnh hành vi của mọi người

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay, tổng kết quá trình thực hiện các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có thể thấy rằng vấn đề trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được kiểm soát tương đối tốt, trật tự an toàn giao thông đã được thiết lập.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, vi phạm về nồng độ cồn, chất cấm khi điều khiển phương tiện giao thông, quay đầu, dừng đỗ xe sai quy định... Đây là những lỗi vi phạm giao thông nghiêm trọng, nhiều người vi phạm nên mức xử phạt có thể được xác định là chưa đủ sức răn đe.

Bởi vậy với nhóm các hành vi vi phạm có xu hướng gia tăng, nhóm các hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn giao thông, nhóm các hành vi có tính chất gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh trật tự, an toàn công cộng do hành vi cố ý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông thì cần phải tăng mức chế tài hành chính để răn đe, phòng ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội.

"Mục đích của các chế tài hành chính không chỉ mang tính răn đe đối với người vi phạm mà còn là để hướng đến mục tiêu phòng ngừa hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội.

Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy khi nào chế tài hành chính được quy định nghiêm khắc, được thực hiện nghiêm minh thì những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đó sẽ giảm đi và đặc biệt là sẽ hạn chế được các hành vi vi phạm đến mức xử lý hình sự", luật sư Cường nêu quan điểm.

Ông Phạm Ngọc Dương (Hà Nội) chia sẻ: "Phải thừa nhận khi xem mức phạt giao thông áp dụng từ 2025 tôi cũng choáng váng. Bản thân có điều kiện kinh tế, lái xe quá rành luật nhưng vẫn hãi. Trước đây đèn xanh còn 3 giây vẫn đạp ga chạy, nhưng giờ thì 5 giây vẫn dừng. Phải thừa nhận là mức phạt vi phạm giao thông quá cao, vượt xa với mức thu nhập của người dân, gây choáng váng cho xã hội. Với mức phạt cao như này, chỉ còn số ít trường hợp ngu ngơ chưa biết, vẫn tham gia giao thông theo thói quen vô kỷ luật là vi phạm. Mức nộp phạt bằng tháng lương rồi thì đảm bảo sẽ rất khó có thể tái phạm nữa".

Theo ông Phạm Ngọc Dương môi trường đóng vai trò rất quan trọng để điều chỉnh hành vi của mọi người: "Nếu ở môi trường văn minh thì tự dưng người tham gia giao thông cũng suy ngẫm và ứng xử văn minh, chứ ở môi trường tất cả cùng lộn xộn thì lại thả phanh cho đã, nên tạo ra đống hổ lốn. Hiện nay trên thế giới nhiều nước quản lý rất nghiêm khắc về quy định giao thông như ở Trung Quốc, nhiều lỗi vi phạm giao thông còn đi tù, chứ không dừng lại phạt tiền, nên rất ít người lái xe vi phạm. Nhờ vậy người dân sẽ chăm chỉ, kỷ luật hơn rất nhiều".

Nhiều người đánh giá, với việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông cao như Nghị định 168, giao thông sẽ hết lộn xộn, không tốn kém tiền bạc công sức tuyên truyền phổ biến luật.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chính phủ xác định hoàn thành sắp xếp bộ máy trong tháng 2/2025
Chính phủ cho biết sẽ tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; xóa bỏ cơ chế "xin - cho". Hoàn thành việc sắp xếp bộ máy các cơ quan của Chính phủ trong tháng 2/2025.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp