Ngày 9/4, phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng một số bị cáo liên quan tiếp tục diễn ra.
Khi được HĐXX mời trình bày bổ sung, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị tòa làm rõ trong bản án các nội dung liên quan đến khối tài sản mà Ngân hàng SCB phải hoàn trả cho bà. Theo bị cáo, đây là khoản tiền bà đã cho SCB vay.
Bên cạnh đó, bà Lan mong muốn SCB cần xác định rõ số tiền 403.000 tỷ đồng thuộc phương án tái cơ cấu có liên quan trực tiếp đến bà. Đồng thời, phần vốn tăng thêm nhưng chưa đưa vào vận hành cũng được bà đề nghị trả lại sau khi phiên tòa kết thúc.

Liên quan đến cáo buộc rửa tiền với số tiền 415.000 tỷ đồng, bà Lan cho rằng trong quá trình tính toán chưa cấn trừ phần tài sản thuộc sở hữu của bà.
Đối với giai đoạn 2 của vụ án, bà tiếp tục đề nghị được cấn trừ khoản tiền 287.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bà tiếp tục kháng nghị nội dung kết luận về hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, khẳng định việc bị buộc thêm tội danh này đã khiến quá trình khắc phục hậu quả gặp nhiều trở ngại.
“Chính vì tội danh này, người thân, bạn bè của tôi ở nước ngoài không ai dám chuyển tiền hỗ trợ”, bà Lan trình bày trước tòa.
Ngay sau đó, Chủ tọa ngắt lời và cho biết HĐXX đã ghi nhận đầy đủ các ý kiến trình bày của bị cáo và luật sư. Những nội dung này sẽ được cân nhắc, đánh giá khách quan trong quá trình nghị án.
Đến 10h15 cùng ngày, Chủ toạ thông báo phiên toà tạm dừng để HĐXX phối hợp với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nhằm xác minh, làm rõ số tiền liên quan đến vụ án, do quy mô tài sản quá lớn có thể ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bị cáo. Phiên tòa tiếp tục vào ngày 14/4.
Trong phiên xét xử hôm qua, đại diện VKS đã trình bày phần đối đáp trước các luận điểm của luật sư. Theo VKS, ở giai đoạn phúc thẩm không xuất hiện tình tiết mới đủ sức thay đổi bản chất vụ án.
Tuy nhiên, cơ quan công tố ghi nhận thái độ thành khẩn, ăn năn của các bị cáo, trong đó bà Trương Mỹ Lan đã thừa nhận hành vi phạm tội và bày tỏ mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo liên đới.
Trước lập luận cho rằng bà Lan không trực tiếp tham gia quá trình phát hành trái phiếu, VKS dẫn lời khai của bị cáo Bùi Văn Dũng (tài xế riêng của bà Lan), người từng nhiều lần nhận tiền từ SCB và mang về nhà riêng theo chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo. VKS cho rằng với vai trò là tài xế, bị cáo Dũng khó có thể thực hiện các hành vi này nếu không có chỉ đạo cụ thể từ người có quyền lực như bà Lan.
“Chính những hành vi gian dối của bị cáo đã khiến các nhà đầu tư tin tưởng và chấp nhận mua trái phiếu”, VKS nêu quan điểm.
Đối với kiến nghị cho phép bà Lan thực hiện quyền cổ đông khi đang sở hữu hơn 91% cổ phần SCB và tham gia vào phương án tái cấu trúc ngân hàng này, VKS khẳng định nội dung đó vượt ra ngoài phạm vi giải quyết của phiên tòa phúc thẩm và không thuộc đối tượng tranh luận.
Về đề nghị của luật sư cho phép bà Lan được tham gia quá trình kê biên, xử lý tài sản, đại diện VKS cho biết đây là thẩm quyền của cơ quan thi hành án. Do đó, luật sư và bị cáo cần làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng theo đúng quy định pháp luật.
Trước phản ứng của luật sư liên quan đến kết luận giám định của Công ty Hoàng Quân - cho rằng điều này gây bất lợi cho bị cáo, VKS khẳng định nội dung đó đã được giải quyết trong giai đoạn tố tụng trước, tức giai đoạn một của vụ án, và không thuộc phạm vi tranh luận trong phiên tòa hiện tại.
Liên quan đến cáo buộc rửa tiền, VKS tiếp tục giữ nguyên quan điểm: Bị cáo đã sử dụng nguồn tiền bất hợp pháp có được từ hành vi phạm tội để phục vụ cho hoạt động kinh doanh hoặc mục đích khác, từ đó đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội rửa tiền. Do đó, bản án sơ thẩm được cho là có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ rõ ràng.