Thông tin được PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết tại hội thảo khoa học về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam lần thứ 2, ngày 11/10.
Số lượng ca chết não hiến mô tạng trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt con số ấn tượng với 25 ca (năm 2023 chỉ 14 ca chết não hiến mô tạng), góp phần làm tăng số tạng hiến từ người chết não, đạt 87/829 bệnh nhân ghép đạt 10,49%. “Đây được cho là số lượng kỷ lục của Việt Nam, vì trước đây tỷ lệ tạng hiến từ người chết não khoảng 5-6%”, PGS.TS Đồng Văn Hệ nói.
Ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam thực hiện vào tháng 5/2010. Tính đến tháng 10/2022, nước ta ghi nhận 130 ca ghép tạng từ người cho chết não. Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng.
Năm 2023, 1.000 người tại Việt Nam được ghép tạng, đưa nước ta trở thành quốc gia nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, số người được ghép này chủ yếu lấy từ nguồn tạng của người hiến còn sống, còn nguồn tạng lấy từ người chết não chỉ có 12 người.
Vận động hiến mô, tạng là nền tảng của phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não. Nếu người dân, gia đình không hiểu, không ủng hộ thì việc người chết não hiến mô, tạng rất khó. Do vậy, việc thuyết phục để người dân không chỉ ủng hộ bằng lời nói mà thể hiện bằng hành động qua việc thực hiện đăng ký hiến mô, tạng.
“Đây là chiến lược dài hơi của bất kỳ quốc gia nào, Việt Nam cũng vậy. Thực tế, Việt Nam làm rất tốt việc vận động hiến máu từ hàng chục năm nay. Truyền thông hiến mô tạng, những thay đổi luật hiến mô tạng sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp hệ thống hiến mô tạng phát triển bền vững. Cả hệ thống y tế quan tâm tới hiến mô tạng sẽ giúp hoạt động hiến hiệu quả ngay, ảnh hưởng tích cực tới người dân, và ảnh hưởng tích cực tới các quy định pháp lý”, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, thực tế người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới.
Thời gian qua, nước ta đã thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều bệnh viện, giúp tăng đáng kể số người hiến tạng chết não. Nhân viên bệnh viện được tập huấn các kiến thức, tăng nhận diện người chết não tiềm năng; tiếp cận gia đình, người bệnh để chẩn đoán, hồi sức khi chết não; thuyết phục gia đình đồng ý, thực hiện lấy mô tạng.
Từ ngày 7 đến 12/10, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, phối hợp với Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam; Hội Ghép tạng Việt Nam và Học viện Quân y lần đầu tiên tổ chức “Tuần lễ hiến ghép mô tạng Việt Nam 2024”.
Hội thảo có sự tham dự của 300 đại biểu đến từ các bệnh viện trong cả nước và 8 chuyên gia tới từ các nước có số lượng tạng hiến từ người chết cao nhất thế giới (Tây Ban Nha), cao nhất châu Á (Hàn Quốc), cao nhất Đông Nam Á (Thái Lan) và nước có tốc độ phát triển nguồn hiến từ người chết rất nhanh là Trung Quốc.