Bước tiến đột phá này sẽ mở ra khả năng pin smartphone trong tương lai sẽ được sạc bằng năng lượng mặt trời mà không cần dây cáp hay ổ cắm điện, một bước tiến quan trọng trong việc tích hợp năng lượng tái tạo vào cuộc sống hàng ngày.
Được dẫn dắt bởi Giáo sư Kwanyong Seo, nhóm nghiên cứu đã thiết kế các mô-đun pin mặt trời có hình dáng giống như thủy tinh, hoàn toàn trong suốt và không màu. Họ đã áp dụng công nghệ “all-back-contact” đặt tất cả các thành phần của pin mặt trời được giấu ở mặt sau, giúp mặt trước giữ được vẻ đẹp thẩm mỹ. Đặc biệt, công nghệ Seamless Modularization đã được phát triển để loại bỏ khoảng cách giữa các pin mặt trời, đồng thời giảm thiểu sự hiện diện của dây kim loại để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo về mặt thị giác.
Mô-đun pin mặt trời trong suốt mà UNIST phát triển có kích thước 16 cm² đã đạt hiệu suất ấn tượng khi cung cấp độ truyền dẫn ánh sáng từ 14,7% đến 20%. Điều này cho phép nó sạc smartphone một cách hiệu quả chỉ bằng ánh sáng mặt trời tự nhiên, chứng minh rằng màn hình có thể trở thành nguồn năng lượng tiềm năng cho các thiết bị di động.
Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu này đã giải quyết vấn đề thẩm mỹ của các mô-đun pin mặt trời hiện tại thông qua thiết kế cấu trúc mới. Họ cũng nhấn mạnh rằng công nghệ này có thể được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ thiết bị điện tử nhỏ đến các tòa nhà và kính ô tô.
“Chúng tôi đã mở ra một hướng đi mới cho nghiên cứu mô-đun hóa, điều này rất quan trọng cho việc thương mại hóa các tế bào năng lượng mặt trời trong suốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để biến công nghệ này thành một phần thiết yếu trong ngành năng lượng tương lai, hướng tới sự bền vững và thân thiện với môi trường”, Giáo sư Kwanyong Seo khẳng định.