
Thời gian qua chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM phần lớn ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là những xe máy cũ nát, quá niên hạn vẫn ngày đêm xả khí thải ra môi trường. Tuy nhiên cho đến nay những phương tiện này vẫn chưa thế được kiểm soát chặt chẽ.

Ghi nhận thực tế trên đường, gần như bất kỳ ai khi đi ra đường đều phải bịt kín mít, từ khẩu trang cho đến quần áo tránh khói bụi ô nhiễm. Ông Lưu Tất Miễn (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi khi ra đường, khẩu trang là vật ly thân của tôi. Hôm nào quên không đeo tối về họng rất ngứa, rát. Hiện nay ra đường ở Hà Nội ô nhiễm không khí khiếp quá. Các loại xe từ xe máy cũ nát đến xe ô tô buýt xuống cấp, xả khí thải bụi mù mịt, rất nguy hiểm".
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng: "Nguyên nhân ô nhiễm tại các đô thị có tới 40% tới từ các phương tiện giao thông. Ô tô có thể được kiểm định thường xuyên, các phương tiện như xe máy, xe mô tô chưa được kiểm định nên cũ nát, quá niên hạn và ô nhiễm bao nhiêu cũng chạy được trên đường. Trong khi các phương tiện như xe mô tô, gắn máy ở Hà Nội và TP.HCM rất lớn, đi lại dày đặc trên đường, chứng minh một điều phương tiện cá nhân là nguồn gây ô nhiễm".
Hiện có trên 70 triệu xe môtô, xe máy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trong đó hơn 45 triệu đang được người dân sử dụng hàng ngày. Xe máy là nguồn phát thải ô nhiễm lớn nhất, nhưng chưa được kiểm soát vì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định.

Từ năm 2010, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) xây dựng lộ trình cụ thể về kiểm soát khí thải xe máy. Hai thành phố Hà Nội, TP.HCM được giao hoàn thiện mạng lưới cơ sở kiểm định, mục tiêu đến năm 2015 có 80-90% lượng xe máy được kiểm định tiêu chuẩn khí thải. Dù vậy đến nay việc kiểm soát khí thải xe máy vẫn chưa được triển khai, trong khi số lượng xe máy tại các thành phố lớn tăng nhanh.
Khi Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực, đã quy định việc kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy. Hiện các bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng lộ trình cụ thể, bao gồm thời gian bắt đầu thực hiện, diện áp dụng và mức phí kiểm định.
Theo Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải. Xe từ 5 đến 12 năm tuổi phải kiểm định hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm. Trường hợp xe mô tô, xe gắn máy trong cơ sở dữ liệu không có thông tin về ngày xuất xưởng thì tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe. Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.
Mới đây Chính phủ yêu cầu phải chặn đứng đà gây ô nhiêm, với mục tiêu trong 5 năm tới người dân không còn phải sống chung với bầu không khí độc hại. Với giao thông, đồng nghĩa với việc những chiếc xe máy cũ nát sẽ không được hoạt động vì kiểm định khí thải sẽ phải bắt buộc.
Trong tháng 4, người dân sẽ biết lộ trình về khí thải xe máy
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 111/TB-VPCP ngày 17/3/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, theo đó Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đánh giá đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để xây dựng, ban hành QCVN về khí thải và lộ trình áp dụng QCVN về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Trong đó, Bộ khẩn trương ban hành theo thẩm quyền QCVN về khí thải đối với xe ôtô đang lưu hành trong tháng 3/2025, ban hành QCVN về khí thải đối với xe mô tô (xe máy) đang lưu hành trong tháng 4/2025. Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng QCVN về khí thải đối với xe ôtô đang lưu hành trong tháng 3 năm 2025; trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình áp dụng QCVN về khí thải đối với xe máy đang lưu hành trong tháng 4 năm 2025.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, tính toán phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức độ phát thải cao tại những khu vực đang có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm về khí thải. Bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện lộ trình áp dụng QCVN về khí thải, góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương cung cấp thông tin, dữ liệu kiểm định khí thải ô tô đang lưu hành cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 20/3/2025 để Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện QCVN nêu trên.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp, Nông nghiệp và Môi trường làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tính toán phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức độ phát thải cao tại những khu vực đang có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm về khí thải. Bộ Xây dựng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng và chuyển đổi phương tiện sang sử dụng phương tiện giao thông xanh.
Bộ Xây dựng cùng với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rà soát lại quy hoạch đô thị để điều chỉnh, bổ sung; trong đó nghiên cứu xây dựng các làn đường, tuyến đường dành riêng cho từng loại phương tiện (xe buýt, xe mô tô, xe đạp…) và cho người đi bộ nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thân thiện với môi trường. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình xây dựng, ban hành QCVN và lộ trình áp dụng QCVN về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành.