Chưa đầy 1 tháng sau bão số 3, trên địa bàn Quảng Ninh đã xảy ra 12 vụ cháy rừng ở nhiều địa phương. Riêng tại huyện Vân Đồn ghi nhận các đám cháy tại các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi gây thiệt hại hàng chục ha rừng keo, bạch đàn.
Mới đây nhất, Quảng Ninh đã phải huy động hơn 13.000 lượt người cùng nhiều phương tiện, thiết bị để chữa cháy rừng liên phường Hồng Hà, Hà Trung ở thành phố Hạ Long. Ông Lê Văn Thiện, Đội trưởng Đội Trật tự đô thị phường Hồng Hà cho biết việc dập tắt đám cháy gặp rất nhiều khó khăn khi cây rừng gãy đổ ngổn ngang sau bão.
"12 giờ trưa đám cháy bắt đầu xuất phát từ dưới góc nhà dân dưới kia, chữa cháy đến 2 giờ sáng hôm sau, khi dập được toàn bộ đám cháy phải cắt người trực tiếp canh, sợ nguy cơ bùng phát tiếp tục. Cho đến ngày hôm nay đã ngăn được đường băng cản lửa rồi, nhân dân và bộ đội, chính quyền chỉ dập được một lúc lại cháy tiếp. Phương tiện chữa cháy của mình hạn chế quá, nói chung đường dốc khó đi, rất nhiều cây khi bão gió đổ ra không thể vào để ngăn lửa", ông Thiện cho hay.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, hiện có khoảng 6 triệu tấn vật liệu cháy đang khô nỏ là thân, cành lá từ 120.000ha rừng bị gãy đổ do bão số 3. Thời tiết dần chuyển vào mùa hanh khô trong khi diện tích rừng bị thiệt hại lớn, thiếu nhân công vệ sinh rừng nên mối lo cháy rừng ngày càng trở nên cấp thiết.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND phường Trưng Vương, TP Uông Bí chia sẻ: "Đối với các địa phương coi nhiệm vụ PCCC rừng như là nhiệm vụ cấp bách, như nhiệm vụ phòng chống bão số 3 vừa rồi, phân công nhiệm vụ và trực ban 24/24 và thông báo cho các chủ rừng, trong thời điểm này không được đốt thực bì, đảm bảo các biện pháp PCCC; nâng cao ý thức, tuyên truyền vận động nhân dân trên hệ thống thông tin truyền thông của phường và khu phố và các nhóm zalo để người dân và các chủ rừng, các người dân sống ven rừng nâng cao nhận thức PCCC rừng."
Nhận diện những mối nguy lớn nếu để xảy ra cháy rừng hàng loạt, tỉnh Quảng Ninh đã phát động đợt cao điểm 30 ngày đêm tận thu lâm sản, vệ sinh rừng với mục tiêu cao nhất là hạn chế những thiệt hại do bão gây ra. Ông Nguyễn Thanh Khương, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Tâm lý chủ quan của người dân cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng thời gian qua.
"Các hộ gia đình cá nhân, các công ty doanh nghiệp muốn xử lý thực bì để đốt phải đăng ký với chính quyền địa phương cấp xã, đăng ký với lực lượng kiểm lâm để chúng tôi lên kiểm tra xem an toàn chưa thì mới cho đốt. Đốt là phải đăng ký, không phải cứ đăng ký mà cho đốt toàn bộ mà phải lần lượt từng hộ, từng cá nhân và đốt trong khung giờ phải đảm bảo cho việc PCCC nếu giữa trưa chúng ta đốt thì rất nguy hiểm và không cho đốt cùng lúc vì sẽ gây ra thảm họa môi trường do khói, bụi và không tránh được việc cháy lan", ông Khương cho biết thêm.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh hiện đã có kế hoạch phân vùng nguy cơ cháy rừng và phương án PCCC rừng sau bão số 3. Theo đó, yêu cầu tất cả các chủ rừng là tổ chức, công ty lâm nghiệp và hộ gia đình tự giác dọn dẹp rừng, làm đường băng cản lửa và xử lý (đốt) thực bì đúng thời gian quy định.
Hiện nay, gần 50% diện tích rừng trồng bị gẫy ở độ tuổi 2-3 năm, giá trị lâm sản tận thu cơ bản không đủ chi phí thuê nhân công, dọn vệ sinh rừng dẫn đến việc chủ rừng chưa chủ động dọn dẹp thực bì để trồng rừng trong năm tới. Riêng với hàng nghìn ha rừng tự nhiên liền kề với các khu rừng trồng bị thiệt hại do bão cũng cần được ngành lâm nghiệp đặc biệt quan tâm, triển khai ngay các biện pháp hạn chế nguy cơ cháy.