
Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Người đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng tình đoàn kết, hợp tác giữa hai nước. Người luôn coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần đặt nền móng cho quan hệ Việt - Trung mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững.
Năm 2025 là năm hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời là năm giao lưu hữu nghị Việt - Trung, phóng viên Đài TNVN (VOV) có bài phỏng vấn Giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây - người đã có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu và chủ biên hơn 10 đầu sách viết về tình hữu nghị Việt - Trung và Chủ tịch Hồ Chí Minh để biết thêm về tình cảm, lòng kính yêu của người dân Trung Quốc đối với Người.

PV:Thưa giáo sư Hoàng Tranh, trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có mối quan hệ gắn bó thân thiết với lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc. Và ngược lại, lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc cũng yêu quý, kính trọng và hết lòng giúp đỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Trung Quốc đã hình thành một thứ tình cảm sâu sắc, "vừa là đồng chí vừa là anh em". Ông có thể lý giải sâu hơn về nhận định này?
GS Hoàng Tranh: Dùng câu nói "vừa là đồng chí, vừa là anh em" để diễn tả mối quan hệ gắn bó giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà lãnh đạo thế hệ trước như Chủ tịch Mao Trạch Đông, cũng như mối quan hệ gắn bó giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Trung Quốc là một cách ẩn dụ rất phù hợp.
Theo tôi biết, câu nói "Tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc vừa là đồng chí vừa là anh em" lần đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong lễ đón chính thức Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ thăm Hà Nội năm 1963. Trên thực tế, chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng câu nói này để đúc kết mối quan hệ của mình với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc trong 30 năm trước đó.
Ngay từ năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tiếp xúc với Thủ tướng Chu Ân Lai và các đồng chí cách mạng Trung Quốc khác tại Paris, Pháp. Vào thời điểm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn chưa được thành lập, nhưng hai bên đã có sự tiếp xúc rồi.
Sau đó, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập vào năm 1921, những nhà cách mạng thế hệ trước đều trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Thủ tướng Chu Ân Lai cùng xây dựng tình hữu nghị cách mạng. Đến năm 1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu 5 nhà cách mạng Trung Quốc thế hệ trước như Triệu Thế Diệm, Trần Diên Niên, Trần Kiều Niên, Vương Nhược Phi và Tiêu Tam gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Vì vậy, mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế hệ tiền bối của cách mạng Trung Quốc đã hình thành từ rất lâu.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức sử dụng câu nói "vừa là đồng chí, vừa là anh em", ông đã có mối quan hệ gắn bó với thế hệ lãnh đạo tiền bối của Trung Quốc trong suốt 30 năm. Vì vậy, khi chúng ta nhìn vào chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói trong một bài phát biểu rằng Chu Ân Lai là bạn và là đồng chí của mình. Chu Ân Lai cũng công khai gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Anh cả". Có thể thấy, danh xưng "đồng chí, anh em" đã được sử dụng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thế hệ lãnh đạo tiền bối của Trung Quốc.
Sau đó, vào những năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng Châu và làm quen với nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc khác, trong đó có Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ... Khi ở cùng nhau, họ đều gọi nhau là đồng chí. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và thế hệ lãnh đạo tiền bối của Trung Quốc trước đây vẫn gọi nhau là đồng chí, anh em.
Về mối quan hệ đồng chí và anh em với nhân dân Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một dẫn chứng sinh động. Khoảng năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở khu vực biên giới Quảng Tây. Khi đến huyện Tĩnh Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình cùng một số người dân địa phương, những người đã từng che chở cho các nhà cách mạng Việt Nam, tổng cộng hơn chục người, đã kết nghĩa anh em theo nghi lễ truyền thống của người Trung Quốc. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Việt Nam khác chính thức trở thành anh em với nhân dân Trung Quốc.
Vì vậy, Hồ Chí Minh dùng hai từ "đồng chí" và "anh em" để diễn tả mối quan hệ của mình với thế hệ lãnh đạo tiền bối Trung Quốc và với nhân dân Trung Quốc là rất phù hợp. Đây là cách diễn giải mang tính lịch sử về tình đồng chí và anh em.
PV:Trước khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo tiền bối 2 nước đã thiết lập quan hệ hữu nghị, đồng chí thân thiết như ông vừa phân tích ở trên. Điều này gợi mở những bài học, kinh nghiệm gì cho phát triển quan hệ 2 nước ngày nay?
GS Hoàng Tranh: Như đã nói ở trên, từ những năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mối quan hệ sâu sắc và lâu dài với thế hệ lãnh đạo tiền bối của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng ta có thể kết luận rằng tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam được hình thành dựa trên mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo lão thành của Trung Quốc và được họ cùng nhau xây dựng và vun đắp.
Trên thực tế, kết luận này đã nhiều lần được nêu ra trong các thông cáo chung sau các cuộc hội đàm khi lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam sang thăm nhau.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, bắt đầu từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, một câu nói thường xuất hiện trong các thông cáo chung đưa ra trong các chuyến thăm, các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đó là: tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam được các thế hệ lãnh đạo tiền bối như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân gây dựng và cùng nhau vun đắp, là tài sản chung quý báu của hai đảng, hai đất nước và nhân dân hai nước. Cả hai bên đều phải phát huy và bảo vệ tài sản chung này.
Điều tôi muốn nói rằng câu nói này chính là kinh nghiệm, là nguồn cảm hứng về tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam cho hai đảng, hai nước chúng ta trong tương lai. Chúng ta không bao giờ được quên mối tình hữu nghị này, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng thời phải duy trì và thúc đẩy nó. Vì đây là kết luận từ lịch sử được các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Việt Nam cùng nhau xây dựng và bảo vệ và đây chính là giá trị của nó.

PV:Chúng tôi được biết ông đến Hà Nội lần này là để tham dự lễ giới thiệu bộ phim tài liệu "Con đường phát triển Việt - Trung" nhân kỷ niệm 75 năm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhìn về chặng đường tương lai quan hệ hai nước, ông có kỳ vọng và mong muốn gì?
GS Hoàng Tranh: Tôi cảm thấy rất vinh dự và vui mừng khi được làm khách mời của bộ phim tài liệu "Con đường phát triển" do Đài truyền hình Quảng Tây và Đài Tiếng nói Việt Nam đồng sản xuất. Tôi đã xem bộ phim "Con đường phát triển" và tôi cũng đọc cả kịch bản. Có thể nói đây là kết quả rất tốt đẹp của sự hợp tác giữa hai bên, là ví dụ thành công về hợp tác truyền thông giữa Quảng Tây và Việt Nam, là kết quả phong phú của giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Bộ phim lấy tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc làm trục chính, tiếp cận từ cả góc độ lịch sử và hiện tại, mô tả toàn diện quá trình gắn bó chặt chẽ, đoàn kết đấu tranh và phát triển chung cùng có lợi giữa nhân dân Trung Quốc và Việt Nam trong 100 năm qua, từ những năm 1920 đến nay. Nội dung rất phong phú, sống động và cảm động.
Việc ra mắt chính thức bộ phim vào thời điểm này có ý nghĩa rất lớn. Có thể nói đây là bộ phim tri ân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc và năm giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025. Năm nay, có một số ngày lễ kỉ niệm quan trọng ở Việt Nam, ví dụ như: kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh Việt Nam. Cá nhân tôi nghĩ rằng bộ phim này cũng có thể đóng vai trò như một lời tri ân cho những ngày kỷ niệm này.
Trong tương lai, dưới sự chỉ đạo của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Việt Nam, chúng ta sẽ phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên theo sự dẫn dắt chỉ đạo của cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam mang tính chiến lược, cùng nhau tiến bước trên con đường phát triển chung này, cũng là con đường hạnh phúc cho nhân dân hai nước Việt - Trung. Đây chính là điểm mấu chốt của bộ phim.
Cá nhân tôi cảm thấy rất vui và tin tưởng vào mối quan hệ này, đồng thời có một số kỳ vọng cho tương lai. Trước hết, Quảng Tây có mối liên hệ sâu sắc với Việt Nam. Việt Nam và Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, gần nhau về mặt địa lý, có nền văn hóa tương đồng và có tình hữu nghị truyền thống sâu sắc. Không có tỉnh nào ở Trung Quốc có nhiều di tích, địa điểm về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình hữu nghị Việt - Trung như Quảng Tây. Đây là "nguồn tài nguyên đỏ".
Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta nên bảo vệ những "nguồn tài nguyên đỏ" này và sử dụng những địa điểm này thành nơi giáo dục cách mạng, đặc biệt là thế hệ trẻ, để kế thừa và phát huy tình hữu nghị Trung - Việt. Tôi cũng hy vọng các cơ quan văn hóa của hai nước sẽ có thêm nhiều hoạt động giao lưu giống như giữa Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trước đây, hai bên đã hợp tác triển khai bộ phim "Bên dòng Nam Khê" và hôm nay là bộ phim "Con đường phát triển". Đây đều là những kết quả hợp tác rất tốt đẹp. Vì vậy, tôi hy vọng sẽ có nhiều sự tiếp xúc giao lưu và hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan văn hóa truyền thông của hai nước trong tương lai.
Cá nhân tôi cũng mong muốn, cùng với sự phát triển giao lưu hợp tác văn hoá giữa hai nước và hợp tác phát triển giữa Quảng Tây và Việt Nam, trong tương lai, tôi tiếp tục nỗ lực hết mình để đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình hữu nghị Trung - Việt. Tôi cũng hy vọng con đường giao lưu, hợp tác và phát triển giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ ngày càng tốt đẹp hơn trong tương lai, để nhân dân hai nước có cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.
PV:Xin cảm ơn ông!