Phụ huynh chiều chuộng giao xe phân khối lớn cho con, nhà trường khó quản lý?

Nguyễn Trang/VOV.VN | 11/11/2024, 11:27

VOVLIVE - Dù đã có quy định rõ ràng, nhưng không hiếm để bắt gặp hình ảnh học sinh chưa đủ tuổi vô tư điều khiển xe máy phân khối trên 50cm3, thậm chí không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, không tuân thủ đèn tín hiệu, các biển báo giao thông…

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, trong tháng cao điểm (tháng 10), toàn thành phố đã xử lý gần 8.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ gần 3.500 phương tiện các loại.

Ngoài ra, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 450 phụ huynh, chủ xe giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, xác minh và lập danh sách hơn 3.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông để gửi thông báo đến Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Việc cha mẹ giao xe cho con khi trẻ chưa đủ điều kiện gây ra những hậu quả rất đáng tiếc, thậm chí là nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Để ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe quá phân khối quy định, thầy Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trong nội quy của nhà trường quy định rõ cấm học sinh đi xe quá phân khối quy định, bên cạnh đó, trong các cuộc họp với cha mẹ học sinh, nhà trường cũng đã quán triệt tinh thần, đề nghị phụ huynh tuyệt đối không giao xe cho con em khi chưa đủ điều kiện cầm lái. Bên cạnh đó, ngay sau khai giảng mỗi năm học mới, học sinh đều được tuyên truyền và ký cam kết không vi phạm các vấn đề về an toàn giao thông, đặc biệt là việc điều khiển xe phân khối lớn.

“Mỗi buổi học, tại cổng trường đều có lực lượng bảo vệ và thanh niên xung kích để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp học sinh không đội mũ bảo hiểm, hay đi xe quá phân khối đến trường. Do đó, trong phạm vi nhà trường không có tình trạng học sinh vi phạm. Tuy nhiên, việc khó nhất là quản lý các em ngoài thời gian đến trường”, thầy Lê Việt Dương cho biết.

Thầy Lê Việt Dương cũng cho rằng, học sinh chưa có kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn cũng như xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, do đó khi điều khiển phương tiện quá phân khối sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bên cạnh đó, cũng không ít em có tâm lý thích thể hiện phong cách, đi nhanh, bốc đầu, lạng lách không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà cả những người khác cùng tham gia giao thông.

Để ngăn chặn tình trạng này, thầy Dương cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Đặc biệt các bậc phụ huynh cần kiên quyết trong việc không giao phương tiện cho con em điều khiển khi chưa đủ tuổi.

“Thầy cô chỉ có thể quản lý khi các em đến trường, nhưng ngoài thời gian đó, khi các em về nhà, ra đường, giáo viên rất khó để biết các em có chấp hành quy định hay không. Lúc này cần sự giám sát và phối hợp chặt chẽ từ gia đình”, thầy Dương nhấn mạnh.

Cô Nguyễn Quỳnh Trang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Bàn cũng cho biết, công tác tuyên truyền an toàn giao thông đến học sinh luôn được nhà trường quan tâm, xác định là 1 trong những kế hoạch trọng tâm của năm học.

Hàng năm, nhà trường đều tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền về an toàn giao thông đồng thời cho phụ huynh ký cam kết đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục con em chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông, trong đó có việc không điều khiển phương tiện quá phân khối.

Bên cạnh đó, trường cũng triển khai mô hình cổng trường an toàn, phối hợp với lực lượng công an phường, công an quận để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em  về trách nhiệm khi tham gia giao thông.

Còn theo thầy Nguyễn Tất Vinh, Hiệu Trưởng Trường THPT Hà Đông, thời gian qua, nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông cho học sinh. Mỗi học sinh, phụ huynh trong trường đều được ký cam kết không vi phạm Luật An toàn giao thông, đặc biệt là việc không giao xe máy phân khối lớn cho học sinh điều khiển.

Trường cũng phối hợp với công an phường và công an quận tổ chức 2 buổi tuyên truyền kiến thức về an toàn giao thông mỗi tháng vào các ngày thứ 4.

“Chúng tôi mời lực lượng công an có chuyên môn, các chương trình tuyên truyền được thiết kế sinh động, đi vào nhiều tình huống cụ thể. Mỗi buổi thường kéo dài trong 2 giờ. Học sinh nhìn thấy hình ảnh sinh động như hậu quả các vụ tai nạn hay các các tình huống vi phạm an toàn giao thông cụ thể.

Nhà trường luôn xác định, việc tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cần làm liên tục, thường xuyên để học sinh thực sự biết, hiểu luật, ghi nhớ và có thể làm theo. Đây cũng là thách thức với đội ngũ thiết kế chương trình khi phải liên tục làm mới nội dung, cách thức truyền tải, sao cho học sinh không cảm thấy khô khan, nhàm chán. Theo đó các nội dung được lồng ghép qua các tiểu phẩm, trò chơi vui nhộn, tăng tính tương tác, không đơn thuần là quá trình truyền tải kiến thức 1 chiều - 1 người nói và học sinh ngồi nghe", thầy Vinh cho hay.

Bên cạnh đó, hiệu trưởng Trường THPT Hà Đông cũng lo ngại về việc quản lý học sinh ngoài nhà trường còn nhiều khó khăn. Thực tế có những trường hợp học sinh "dọa" bố mẹ không có xe không đi học. Vẫn có những phụ huynh chiều theo ý muốn của con, cũng như nhận thức về vấn đề giao xe phân khối lớn cho con quá đơn giản, nghĩ con lớn, biết đi và đi được, vô tư giao xe cho con. Đến khi xảy ra những hậu quả đau lòng mới ân hận.

Theo thầy Vinh, để hạn chế tình trạng học sinh điều khiển xe quá phân khối quy định, cần nâng cao mức phạt với cả học sinh và phụ huynh giao xe cho con.

Cha mẹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết nối cho biết, theo quy định tại Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008:  “Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”.

Về độ tuổi của người lái xe, điều khiển phương tiện tham gia giao thông được  quy định như sau: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3;

Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.

Như vậy, đối với người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên.

Về mặt sức khỏe, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư liên tịch quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe. Theo đó, để một cá nhân muốn tham gia điều khiển xe máy cần phải đáp ứng 2 điều kiện sau: Độ tuổi và sức khỏe; Có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Đối với những học sinh chưa đủ độ tuổi quy định tại Điều 60 Luật giao thông đường bộ năm 2008 mà điều khiển các loại xe mô tô, xe gắn máy như phân tích ở trên thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

Căn cứ Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì phạt cảnh cáo với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện;

Điểm a Khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định:

Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới, cụ thể, phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.

Như vậy, đối với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính nhẹ nhất là cảnh cáo. Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, có thể bị phạt tiền lên đến 600.000 đồng với hành vi này.

Người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên.

Với trường hợp Phụ huynh giao xe cho con, theo quy định tại Khoản 5, Điều 30 và Điểm h, Khoản 8, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đối với ô tô thì phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Theo quy định tại Điều 264 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, cha, mẹ mà giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thiệt hại cho người khác: làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, gây thiệt hại về tài sản… thì có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến cao nhất 7 năm tù.

Ngoài ra, việc cha, mẹ tự nguyện hoặc bỏ mặc con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, ô tô để tham gia giao thông rồi gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo luật hình sự. 

Bài liên quan
Ô tô đấu đầu với xe máy, 1 người tử vong tại chỗ
Chiều 10/11, một vụ tai nạn giao thông giữa ô tô và xe máy xảy ra trên Quốc lộ 1A, đoạn qua đường tránh Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, khiến 1 người tử vong tại chỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Chile
Chuyên cơ chở Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Arturo M. Benitez bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Cộng hoà Chile.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp