Phó Thủ tướng: Sẽ đánh thuế đơn hàng nước ngoài “xé lẻ” dưới 1 triệu để né thuế

Cẩm Tú/VOV.VN | 29/10/2024, 14:30

VOVLIVE - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, tại dự thảo sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng đang trình Quốc hội, cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế hàng hoá nhập khẩu giá trị nhỏ vào quy định luật. Điều này nhằm tránh việc sàn thương mại lợi dụng chính sách ưu đãi của Việt Nam để đưa hàng giá rẻ vào thị trường trong nước.

Phát biểu giải trình sáng nay 29/10 tại Quốc hội liên quan đến vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm đến hàng hoá giá rẻ nước ngoài “xé lẻ” đơn hàng dưới 1 triệu để né thuế về Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc Việt Nam không thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá nhỏ lẻ nhập khẩu dưới giá trị 1 triệu đồng thực hiện theo cam kết quốc tế tại Công ước Kyoto năm 1973 và được cụ thể hoá tại Quyết định 78 năm 2010.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng, các quốc gia khác đã bỏ thực hiện Công ước này, trong đó EU đã bỏ quy định không tín thuế đối với giá trị hàng hoá chuyển phát nhanh qua đường bưu điện dưới 22 USD, nước Anh xoá bỏ việc miễn thuế đối với hàng hoá dưới 135 USD, Singapore từ ngày 1/1/2023 cũng bỏ quy định miễn thuế hàng hoá giá trị nhỏ vận chuyển và giao dịch qua thương mại điện tử, trong khi đó Thái Lan đánh thuế VAT 7% với tất cả các loại hàng hoá nhập khẩu.

“Các quốc gia tham gia Công ước quốc tế Kyoto đến nay không thực hiện cam kết. Vì vậy, về phía Việt Nam, Chính phủ bãi bỏ Quyết định 78/2010, đưa vào quy định tại dự thảo Luật: Đối với hàng hoá nhỏ, đều phải nộp thuế”, ông Phớc cho hay.

Phó Thủ tướng khẳng định, sàn thương mại điện tử Temu hầu hết giao dịch hàng hoá với giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng: “Người ta đang tận dụng Quyết định 78/2010 của Việt để bán hàng giá rẻ vào thị trường”.

Trước đó, tại báo cáo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu dự án luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nhiều ý kiến đề nghị thu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, có ý kiến đồng tình miễn thuế VAT đối với hàng hóa giá trị nhỏ song cần phân biệt các trường hợp, cụ thể đối với trường hợp kinh doanh thì phải thu thuế, đối với trường hợp hành lý mang theo của người xuất, nhập cảnh thì miễn thuế.

Tại dự thảo sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng không có quy định việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.

Theo số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023, hàng ngày đang có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Bình quân mỗi năm có 45 - 63 triệu USD hàng giá trị nhỏ đã không được thu thuế nhập khẩu và thuế VAT.

Theo báo cáo về thương mại điện tử 9 tháng đầu năm 2024 của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, các sản phẩm dưới 200.000 đồng đang chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam; người Việt chi 1 tỉ USD mua hàng online mỗi tháng.

"Với hiệu lực của quyết định 78/2010, chúng ta đang thất thu thuế đối với một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử", báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Theo báo cáo, hiện Chính phủ đang dự thảo nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định và trước mắt cần chấm dứt ngay hiệu lực của quyết định 78/2010 để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cơ sở pháp lý cho việc thu thuế với thương mại điện tử đang được sửa đổi trong dự Luật Thuế VAT. Điều này sẽ làm tăng số thu về thuế VAT từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với hàng hóa.

Cũng trong sáng nay 29/10, thảo luận ở Hội trường, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An), Uỷ viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ đồng tình về việc không quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ.

Theo đại biểu Hiếu, với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng hoá có giá trị nhập khẩu có giá trị nhỏ có khối lượng ngày càng lớn. Theo số liệu thống kê vào thời điểm tháng 3/2023, hàng ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Bình quân mỗi đơn hàng thuộc loại này có trị giá khoảng 200.000 đồng, như vậy tổng giá trị hàng hóa loại này lên tới 800 tỉ đồng mỗi ngày. Con số này còn có thể còn tăng lên do thương mại điện tử ở nước ta đang thuộc tốp 10 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Đại biểu Hiếu cho rằng, đối với từng đơn hàng thì giá trị có thể nhỏ, nhưng tổng lượng hàng hoá nhập khẩu theo hình thức này đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm một khối lượng khá lớn. Nếu miễn thuế sẽ dẫn đến việc không thu được một lượng thuế khá lớn; Bên cạnh đó, có tình trạng nước ngoài lợi dụng chính sách, pháp luật Việt Nam “xé lẻ” đơn hàng dưới 1 triệu để né thuế, hưởng ưu đãi gây thất thu, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ trong nước do hàng hoá nhập khẩu được hưởng nhiều lợi thế.

“Trong những ngày gần đây, đang có những sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng với giá rất rẻ, rất cạnh tranh, thu hút sự chú ý của dư luận. Nếu không có các giải pháp kịp thời, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất trong nước”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Nghệ An, nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử. Trước đây, Liên minh Châu Âu cũng cho miễn thuế đối với các giao dịch có giá trị dưới 150 EUR. Tuy nhiên, từ 1/7//2021, quy định này đã bị bãi bỏ nhằm giảm thất thu thuế từ thương mại điện tử và đảm bảo sự công bằng trong lĩnh vực kinh doanh. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng đã có những bước đi tương tự. Vì vậy, ông Hiếu đề nghị, không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét sáp nhập đơn vị hành chính ở 12 tỉnh thành
VOVLIVE - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
  • Việt Nam - Peru ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương
    Trong chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 12 - 14/11/2024 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Peru, hai nhà Lãnh đạo đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam - Peru.
  • Hà Nội dự kiến chi 10.000 tỉ đồng/năm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức
    VOVLIVE - UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
  • Việt Nam - Ấn Độ coi trọng việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương
    VOVLIVE - "Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm chung về triết lý phát triển, tầm nhìn và định hướng chính sách cũng như chiến lược hành động để phát triển đất nước, nhất là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là nền tảng để hai nước củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước".
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp