Cuộc tập trận hải quân chung có tên Sama Sama, mang ý nghĩa đoàn kết với sự tham gia của gần một nghìn thủy thủ và nhân viên đến từ Australia, Canada, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Philippines. Những hoạt động cường độ cao tập trung vào tác chiến chống tàu ngầm, chống tàu mặt nước và phòng không.
Chuẩn đô đốc hải quân Mỹ Todd Cimicata cho biết việc xây dựng quan hệ đối tác với đồng minh chủ chốt tạo ra "tác dụng răn đe". Mục đích của cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.
"Mục đích của tập trận để tăng cường tương tác, phôai hợp tác chiến giữa hải quân các nước, thiết lập tiêu chuẩn chung", ông Todd Cimicata nói, cho biết cuộc tập trận được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước.
Cuộc tập trận kéo dài 9 ngày, có sự tham gia của tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ USS Howard, khinh hạm lớp Halifax HMCS Vancouver của Canada và một trực thăng CH-148 Cyclone. Trong khi máy bay đổ bộ ForceShin Maywa US-2 của Nhật Bản và máy bay tuần tra hàng hải Kawasaki P-1 cũng tham gia cùng tàu chiến từ Philippines.
Cuộc tập trận diễn ra hơn một tuần sau khi quân đội Trung Quốc cho biết lực lượng không quân và hải quân của họ tiến hành cuộc diễn tập tại khu vực Biển Đông.
Hồi tháng 9, Mỹ cũng tiến hành cuộc tập trận hàng hải chung với Australia, Nhật Bản, Philippines và New Zealand tại vùng đặc quyền kinh tế của Manila nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa quân đội các nước.
Lực lượng luân phiên thủy quân lục chiến của Washington - Đông Nam Á (MRF-SEA) sẽ tham gia ít nhất 8 cuộc tập trận trong năm nay và năm tới bao gồm nhiệm vụ ở Malaysia, Brunei và Indonesia.
"Đây là đội hình mạnh nhất mà chúng tôi có. Và cũng là đội hình tiến hành nhiều cuộc tập trận nhất kể từ khi thành lập MRF-SEA", chỉ huy MRF-SEA, Đại tá Stuart Glenn thông tin.