Phi công kể khoảnh khắc sinh tử khi nhảy dù khỏi máy bay ở Bình Định

07/11/2024, 22:13

VOVLIVE - Những phi công nhảy dù sau khi máy bay YAK-130 rơi tại huyện Tây Sơn (Bình Định) đã trở về vẹn toàn trong vòng tay chúc mừng của đồng đội và người dân cả nước.

Hành trình tìm kiếm 2 phi công.

Hành trình tìm tín hiệu “sống”

Sáng 7/11, Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã đến thăm hỏi, động viên 2 phi công trong vụ rơi máy bay Yak-130 đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 13 (TP Quy Nhơn, Bình Định).

Hiện, tình hình sức khỏe của Đại tá Nguyễn Văn Sơn và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân đang dần hồi phục ổn định. Cả 2 phi công được các bác sĩ tại Bệnh viện quân y 13 tận tình chăm sóc và truyền nước. 

Trên cơ thể Đại tá Nguyễn Văn Sơn có nhiều vết xây sát ngoài da, còn Thượng tá Nguyễn Hồng Quân vẫn còn mệt mỏi và đau phần hông, lưng sau lần bung dù mạnh trước đó.

Phi công kể khoảnh khắc sinh tử khi nhảy dù khỏi máy bay ở Bình Định - 1

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 940 trở về an toàn trong vòng tay đồng đội lúc 23h47 đêm 6/11.

Chia sẻ với báo chí, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho hay, sau khi nhảy dù khỏi máy bay, dù hạ cánh xuống khu vực gần suối. "Việc đầu tiên là tôi tìm kiếm tín hiệu để báo về đơn vị, nhưng tại vị trí tôi đứng không hề bắt được tín hiệu".

Lúc này Đại tá Nguyễn Văn Sơn men theo bờ suối di chuyển gần xuống dưới, tuy nhiên gặp phải vách suối dựng đứng nên không thể tiếp tục di chuyển.

"Tôi lại quay ngược lên thượng nguồn để tìm kiếm tín hiệu. Khi ở vị trí hơn 800m, tín hiệu có trở lại lúc này tôi mới liên lạc về đơn vị để thông báo vị trí và đề nghị lực lượng hỗ trợ tìm kiếm", Đại tá Nguyễn Văn Sơn nói.

Phi công kể khoảnh khắc sinh tử khi nhảy dù khỏi máy bay ở Bình Định - 2

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 940 nhận được lời chúc mừng, chia sẻ, động viên của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 940 chia sẻ, sau khi nhảy dù, Thượng tá Quân rơi xuống vùng rừng núi. Dù bị mắc treo trên cây, ông lơ lửng cách hơn 10m so với mặt đất. Thượng tá Quân tìm cách ra khỏi dù rồi bám vào cành và thân cây để xuống đất.

"Sau khi xuống mặt đất, tôi định thần, định vị vị trí mình đang ở đâu và xác định phải đi tìm nơi có sóng điện thoại để liên lạc", Thượng tá Quân kể.

Thượng tá Quân cũng chia sẻ thêm, sau đó ông quyết định leo lên đỉnh núi và lúc này có sóng điện thoại, di chuyển đi lên nữa thì có sóng 4G. "Sau khi liên lạc được về đơn vị, tôi gửi vị trí về cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn và ở nguyên vị trí đó. Thời tiết lúc này có mưa và gió to, nên tôi đã tránh vào vị trí có vách núi đánh tránh gió", Thượng tá Nguyễn Hồng Quân cho hay.

Không chỉ là đồng đội mà đó còn là người thầy

Băng qua từng đồi núi, xuyên thấu từng lớp mưa quên đi cái đói khát của bản thân suốt 12 giờ đồng hồ để xác định được điểm định vị của hai phi công phải kể đến công lao của Thiếu tá Nguyễn Văn Liển, Phó Phi đội trưởng huấn luyện, Phi đội 1, Trung đoàn 940. Thiếu tá Liển là một trong những người tham gia suốt quá trình tìm kiếm hai phi công mất tích.

Có hai đội tìm kiếm chia làm hai mũi, đội tìm kiếm của anh Liễn xuất phát từ giữa trưa ngày 6/11 và kết thúc cuộc tìm kiếm sau khi đưa phi công thứ hai là Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay thuộc Trung đoàn 940 trở về an toàn.

Trong làn mưa lạnh căm, sau khi Thượng tá Nguyễn Hồng Quân được Quân y đưa vào trong chăm sóc thì lúc này đội hình tìm kiếm mới ngồi bệt và thở phào nhẹ nhõm.

Phi công kể khoảnh khắc sinh tử khi nhảy dù khỏi máy bay ở Bình Định - 3

Thiếu tá Nguyễn Văn Liển nhận được sự chia sẻ, động viên từ Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa 2 phi công về trong đêm.

Thiếu tá Nguyễn Văn Liển chia sẻ, đội hình tìm kiếm hết sức nỗ lực, đặt tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí đồng đội và cũng là tình nghĩa thầy trò giữa chúng tôi lên hàng đầu.

"Mưa to gió lớn khiến đường núi trơn trượt lở đá, nước suối chảy siết nhưng chúng tôi không cho phép mình nản chí. 

Hơn 13 giờ đội tìm kiếm chúng tôi lòng như lửa đốt, ăn uống qua loa lấy sức. Vừa đi luồn lách giữa rừng già, vừa tìm nơi có sóng điện thoại để bật định vị. 20h ngày 6/11, khi chúng tôi tìm thấy Thượng tá Nguyễn Hồng Quân ở độ cao hơn 500m, anh em tay bắt mặt mừng, cảm xúc thiêng liêng khó tả”, Thiếu tá Liển chia sẻ.

Cũng theo anh Liển, sau khi chia đôi đội hình để đưa Thượng tá Nguyễn Hồng Quân về điểm tập kết, lực lượng tìm kiếm cũng nhận được vị trí của Đại tá Nguyễn Văn Sơn, chỉ cách vài trăm mét so với vị trí của Thượng tá Quân.

"Anh Sơn ở độ cao hơn 800m và chỉ cách vị trí của anh Quân vài trăm mét. Nhưng phải di chuyển mất hơn 2 giờ mới tiếp cận được đến nơi vì phải đi vòng khi gặp những vách đá dựng đứng. 22h đê 6/11, gặp được anh Sơn tôi chỉ chực trào muốn khóc", anh Liễn cho hay.

“Tôi nhận được hàng nghìn tin nhắn chúc mừng”

Trước đó, mưa trắng trời, mưa như trút nước từ trưa cho đến giữa đêm ngày 6/11 cũng chẳng thể trút đi niềm lo lắng khôn nguôi của Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng những đồng đội đang túc trực tại chân núi thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định.

Phi công kể khoảnh khắc sinh tử khi nhảy dù khỏi máy bay ở Bình Định - 4

Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trong lúc chỉ đạo sát sao lực lượng tìm kiếm 2 phi công mất tích.

Bởi vì trước đó khoảng 11h cùng ngày, những đồng đội của ông Đại tá Nguyễn Văn Sơn và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân đang huấn luyện chuyến bay đợt 3, là chuyến thứ 2 của phi công buồng trước trong ban bay trong ngày tại sân bay Phù Cát (Bình Định) thì gặp sự cố.

Khi máy bay Yak-130 (số hiệu 210 D) cất cánh lúc 9h55, đến 10h38 thì kết thúc bài bay về hạ cánh. Tuy nhiên, phi công đã báo cáo tình trạng máy bay thả càng không ra, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý tình huống thả càng khẩn cấp nhưng vẫn không được.

Tại sao càng trước ra, càng trái ra mà càng phải không ra. Đây là trường hợp bất trắc, vô cùng phức tạp mà trong hướng dân của ngành trong trường hợp khẩn cấp là "phải nhảy dù". Tuy nhiên phi công vẫn xác định bay hướng về phía núi hơn 20km để nhảy dù, giảm thiểu nhỏ nhất ảnh hưởng đến người dân khu vực

Phi công đã báo cáo chỉ huy bay và được phép nhảy dù lúc 10h51 tại khu vực Trường bắn TB2, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định”, Trung tướng Phạm Trường Sơn chia sẻ.

Theo Trung tướng, thời tiết mưa to, gió lớn đã đẩy dù của phi công thêm 10 km vào phía rừng sâu. Vì địa hình núi rừng hiểm trở bởi những vách đá dựng đứng cộng thêm việc mưa to đã khiến những dóng suối trên núi ùa về, gặp khăn trong việc xác định vị trí, tìm kiếm và tiếp cận hai phi công nhất là vào lúc ban đêm.

Khoảng 18h cùng ngày, một trong hai phi công đã liên lạc về với đơn vị trong tín hiệu chập chờn. Lực lượng tìm kiếm ngay lập tức đã xác định được vị trí, chúng tôi đã có chỉ đạo cụ thể: Vì mưa to, gió lớn và địa hình hiểm trở nên quy tắc định vị chỗ nào thì phải ở nguyên vị trí đó, như vậy lực lượng tìm kiếm mới tiếp cận nhanh được", Trung tướng nhấn mạnh.

Phi công kể khoảnh khắc sinh tử khi nhảy dù khỏi máy bay ở Bình Định - 5

Trung tướng Phạm Trường Sơn chỉ đạo lực lượng tìm kiếm quyết tâm đưa 2 phi công mất tích về trong đêm ngày 6/11.

Theo ghi nhận tại 2 điểm tập kết là Đền thờ Võ Văn Dũng và Khu du lịch sinh thái Hầm Hô thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, sau khi nhận lệnh, mặc đêm mưa tối đen, rất nhiều người dân địa phương xung phong cùng lực lượng kiểm lâm, bộ đội Quân khu 5 để huy đông toàn bộ sức mạnh, với tất cả biện pháp với quyết tâm chính trị và tình cảm lớn lao mới tìm kiếm được 2 phi công.

Tôi rất thương lực lượng tìm kiếm trong tình huống mưa gió như thế, bằng nghị lực, bằng bản lĩnh, bằng đoàn kết của toàn lực lượng đã đưa Đại tá Nguyễn Văn Sơn và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân - Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 940 về an toàn lúc giữa đêm

Nhận định ngay từ đầu tôi đã nói, bằng mọi giá thâu đêm xuyên đêm quyết tâm đưa anh em về trong đêm như tôi đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Và tôi đã làm được điều đó…”, Trung tướng chia sẻ

Sáng ngày 7/11, trò chuyện cùng Trung tướng Phạm Trường Sơn khi khuôn mặt ông ánh lên niềm vui khó tả. Ông chia sẻ, tình cảm dành cả nước cho lực lượng chúng tôi nói chung và hai phi công nói riêng là rất lớn.

Trong thời tiết mưa to, gió lớn, chúng ta đã tìm được 2 phi công. Các đồng chí mạnh khỏe, an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình nhảy dù, cũng ít nhiều tác động đến sức khỏe của các phi công. Các phi công sẽ được chăm sóc, điều sức khỏe tại Bệnh viện y quân 13, TP Quy Nhơn.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tôi đã nhận không chỉ trăm mà là hàng ngàn tin nhắn từ mọi miền đất nước chúc mừng anh em phi công trở về nhà an toàn. Giờ tôi chỉ mong anh em tích cực điều trị để lại sớm cất cánh bay trên bầu trời để huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu”, Trung tướng Phạm Trường Sơn nghẹn ngào

Phi công kể khoảnh khắc sinh tử khi nhảy dù khỏi máy bay ở Bình Định - 6

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng Trung tướng Phạm Trường Sơn đến thăm hỏi, động viên 2 phi công đang được điều trị tại Bệnh viện quân y 13 sáng ngày 7/11.

Ngoài ra Trung tướng còn thông tin, lực lượng sẽ họp rút kinh nghiệm sơ bộ sau khi sự ổn định sức khỏe cho hai phi công, đồng thời sẽ tổ chức tìm kiếm máy bay rơi sau đó sẽ giải mã hộp đen để tìm nguyên nhân máy bay gặp sự cố.

Nguyễn Gia

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Phát triển đa dạng các dòng sản phẩm, Yến Sào Thiên Triều chinh phục thị trường quốc tế
VOVLIVE - 7 năm qua, thương hiệu Yến Sào Thiên Triều đã xuất khẩu sang 8 quốc gia. Ngoài chứng nhận HALAL tại các quốc gia hồi giáo, sản phẩm nước yến sào Thiên Triều đã được cấp nhiều giấy chứng nhận quốc tế như HACCP, FDA.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp