Phát triển du lịch giúp di tích, di sản "sống" bền vững

Hải Nam/VOV.VN | 06/01/2025, 18:25

Phát triển du lịch và bảo tồn di sản có mối liên hệ chặt chẽ, đòi hỏi cách tiếp cận bền vững của các bên liên quan. Tuy nhiên việc giữ đúng bản chất và giá trị của các di sản là không dễ dàng khi ngành du lịch phát triển, thu hút lượng khách tăng nhanh với số lượng lớn.

Talkshow "Du lịch di sản vươn mình" được tổ chức trong không khí ấm cúng tại khu tập thể cũ số 6 Tông Đản (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tại ngôi nhà được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ 20 - nơi đã lưu giữ những dấu mốc của một gia đình người Hà Nội. Tại đây du khách được trải nghiệm văn hoá trà Việt, thưởng thức nghệ thuật Xẩm và tìm hiểu về áo dài ngũ thân.

Thưởng thức màn trình diễn các loại hình văn hóa đặc sắc, ông Ken Wood - Giám đốc dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” (ST4SD) cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển các loại hình du lịch gắn với di sản văn hóa.

"Tôi đã ở Việt Nam khoảng 2 năm nhưng vẫn luôn bị thu hút bởi những điều mới mẻ ở đất nước này, như các nét văn hóa hoặc các loại hình nghệ thuật, di sản phi vật thể. Việt Nam có rất nhiều điều để giới thiệu tới du khách, trong quá trình triển khai các hoạt động của dự án tại Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp chúng tôi cũng nhận ra điều đó. Bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa để phát triển bền vững cũng là một trong những mục tiêu của dự án ST4SD".

Tuy nhiên ông Ken Wood cho rằng du lịch Việt Nam đang phát triển rất nhanh, gây ra áp lực không nhỏ cho các loại hình di tích, di sản: "Trong mối liên kết giữa du lịch và di sản thì Việt Nam cần phải cân bằng bảo tồn và phát triển, giữ đúng bản chất và giá trị của các di sản mà không nên thay đổi gì nhiều. Tuy nhiên đây là việc không dễ dàng khi lượng khách tăng nhanh với số lượng lớn".

TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng phát triển du lịch và bảo tồn di sản có mối liên hệ chặt chẽ, đòi hỏi cách tiếp cận bền vững của các bên liên quan. "Sản phẩm du lịch cần chất liệu từ di sản, ngược lại các di sản cũng cần ngành du lịch để được giới thiệu đến du khách. Tuy nhiên mỗi loại hình di tích hay di sản văn hóa phi vật thể lại cần cách tiếp cận khác nhau cho phù hợp với hoạt động du lịch. Ví dụ việc tổ chức tour trải nghiệm các loại hình nghệ thuật trình diễn như ca trù, xẩm, quan họ... khá đơn giản, nhưng các lễ hội hay tri thức dân gian thì khách quốc tế khó tiếp cận hơn. Điều quan trọng là gìn giữ nguyên vẹn những giá trị tại di tích, sau đó bổ sung thêm trải nghiệm cho khách du lịch".

Theo TS Lê Thị Minh Lý, ngay như ngôi nhà tại số 6 Tông Đản cũng có thể trở thành một điểm du lịch di sản tại Hà Nội. "Ngôi nhà này có thể gợi mở thêm về mô hình du lịch di sản tại Hà Nội. Thay vì bán đi, chủ nhân đã giữ lại khá nguyên vẹn ngôi nhà với các đồ vật, câu chuyện, ký ức về một giai đoạn lịch sử. Vì thế đây có thể là điểm đến thú vị nơi du khách được tìm hiểu, cảm nhận về một góc cạnh khác của Hà Nội, cách người Hà Nội đã sống và vươn lên trong giai đoạn trước. Ngoài ra, Hà Nội nên có quy hoạch và chính sách hỗ trợ, không nên xóa bỏ tất cả những ngôi nhà lâu đời như vậy mà chọn lọc giữ lại một vài địa điểm, theo các câu chuyện và chủ đề khác nhau. Từ đó các công ty có nhiều lựa chọn hơn khi xây dựng tour và du khách cũng có đa dạng trải nghiệm hơn".

Theo các chuyên gia, dựa trên giá trị di tích, di sản tại Hà Nội cũng như tại Việt Nam, các công ty du lịch có thể xây dựng nhiều sản phẩm khác nhau như du lịch học đường, giáo dục di sản cho học sinh sinh viên; du lịch trải nghiệm cuộc sống bản địa dành cho khách quốc tế... Để các di tích và di sản có một "đời sống" mới và bền vững, có thể áp dụng các công nghệ hiện đại để mô phỏng, tái hiện lịch sử; hoặc kêu gọi đóng góp để hình thành bảo tàng ký ức cộng đồng. Ngoài ra, các di tích có thể là không gian giao lưu, trình diễn văn hóa của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, hướng tới nuôi dưỡng tình yêu di sản và nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ.

Bài liên quan
Đăng ký học bóng rổ cho con trên mạng, người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa 1,1 tỷ đồng
Đăng ký học bóng rổ cho con qua trang Facebook giả mạo “Liên đoàn bóng rổ Việt Nam VBF”, chị D. bị kẻ xấu dẫn dụ, lừa 1,1 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ
Thủ tướng chỉ đạo, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp