Người Việt Nam ai cũng biết Táo quân sẽ lên thiên đình vào ngày 23 tháng Chạp để báo cáo với Ngọc hoàng mọi việc tốt xấu của gia chủ trong năm qua. Vậy ông Táo lên chầu trời mấy ngày mới quay lại trần gian? Đây là điều mà rất nhiều người muốn biết.
Ông Táo lên chầu trời mấy ngày?
Trong những chuyện liên quan đến Táo quân, phổ biến nhất là quan niệm cho rằng chuyến đi lên thiên đình của ông Táo kéo dài trong một tuần. Các ngài sẽ trở lại trần gian vào ngày 30 Tết để tiếp tục chăm lo chuyện bếp núc. Vì thế, ngày xưa nhiều gia đình làm lễ đón Táo quân trở lại trong ngày này (hoặc 29 Tết với những năm tháng Chạp thiếu).
Cũng có người cho rằng, nhân gian chỉ biết rõ ngày ông Công ông Táo lên chầu trời chứ không biết ngày về chính xác. Chuyến "công tác" của các ngài kết thúc lúc nào còn tùy thuộc vào công việc cụ thể của thiên đình mỗi năm. Đây là lý do mà phần lớn mọi người chỉ làm lễ tiễn Táo quân lên trời vào ngày 23 tháng Chạp mà không có lễ đón.
Đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu?
Nhiều người cho rằng, cần cúng ông Công (thần Thổ công) trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo là thần trông coi việc bếp núc nên mâm cúng cần được đặt ở nhà bếp.
Ngày xưa, nhiều gia đình có ban thờ riêng dành cho Táo quân trong bếp nên việc cúng tiễn ngài lên trời sẽ được thực hiện ở đây. Tuy nhiên, thời hiện đại, thiết kế bếp không có chỗ đặt ban thờ, hầu như các gia đình đều không có ban thờ riêng cho ông Táo. Vậy nên đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở bếp hay bàn thờ gia tiên? Điều này tùy thuộc vào tình hình thực tiễn và quan điểm của từng gia đình.
Phần lớn mọi người cho rằng, việc cúng bái luôn đòi hỏi sự trang trọng nên mâm cúng ông Táo cũng không thể được đặt tùy tiện; nếu có bàn thờ riêng cho ông Táo thì mâm cúng sẽ được đặt ở đó; còn nếu không thì cần đặt mâm cỗ ở ban thờ thần linh, gia tiên chứ không nên đặt trong nhà bếp.
Mặc dù còn khá nhiều quan niệm khác nhau về việc đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở bếp hay bàn thờ gia tiên, bạn cần nhớ rằng điều quan trọng nhất là sự thành tâm.
Có nhất thiết phải thả cá chép?
Theo chia sẻ của TS Lý Tùng Hiếu (khoa Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) trên Znews, nghi thức cúng cá chép không được đề cập đến trong các sự tích về ông Công, ông Táo. Nghi thức được người dân tạo ra và thành phong tục duy trì ở nhiều nơi cho đến nay. Những người không tin tưởng cá chép có khả năng hóa rồng, bay về thiên đình thì khi cúng ông Công ông Táo không nhất thiết phải thả cá chép.
"Việc cúng cá chép sống trong lễ đưa tiễn ông Công, ông Táo của người Việt ở Bắc Bộ được xem là cách gia chủ giúp các ngài có phương tiện đi lại. Tương tự, ở Trung Bộ và Nam Bộ, người dân tặng một bức tranh 'cò bay ngựa chạy' cũng nhằm mục đích để ông Táo cưỡi. Tác dụng thực tế của các 'phương tiện đi lại' này cùng với các loại vàng mã như mũ, áo, hia, là để lễ cúng thêm màu sắc", TS Lý Tùng Hiếu.
Theo ông, dù lễ cúng ông Công ông Táo không nhất thiết phải thả cá chép nhưng nếu thực hiện thì nên mua cá chép chứ không phải loại cá khác, vì chỉ có cá chép mới gắn liền với Táo quân.