Nước cờ của Israel trong năm 2025 sau những “cơn địa chấn” rung chuyển Trung Đông

24/12/2024, 13:07

VOVLIVE - Thủ tướng Netanyahu đang chuẩn bị củng cố các mục tiêu chiến lược của mình, bao gồm thắt chặt quyền kiểm soát quân sự với Gaza, ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran và lợi dụng việc các đồng minh của Tehran gặp khó để củng cố vững chắc vị thế trong khu vực.

Viết tiếp những tính toán của Thủ tướng Netanyahu

Năm 2025 sẽ là năm viết tiếp những tính toán của Thủ tướng Benjamin Netanyahu với đối thủ truyền kiếp của Israel là Iran. Nhà lãnh đạo Israel chuẩn bị củng cố các mục tiêu chiến lược của mình bao gồm: thắt chặt quyền kiểm soát quân sự với Gaza, ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran và tận dụng việc các đồng minh của Tehran như Hamas, Hezbollah gặp khó và việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ để củng cố vững chắc vị thế hiện có.

Sự sụp đổ của chính quyền ông Assad, việc loại bỏ các nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas và Hezbollah cũng như phá hủy cấu trúc quân sự của họ đánh dấu một loạt thắng lợi to lớn cho ông Netanyahu.

Không có Syria, các liên minh có mối quan hệ với Iran trong nhiều thập kỷ dần tan rã. Khi ảnh hưởng của Iran suy yếu, Israel đang nổi lên như một cường quốc chi phối khu vực.

Thủ tướng Netanyahu đang chuẩn bị tập trung vào các tham vọng hạt nhân và chương trình tên lửa của Iran, cũng như phá hủy và vô hiệu hóa các mối đe dọa chiến lược này đối với Israel. Các nhà quan sát Trung Đông cho rằng, Iran phải đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt: Hoặc tiếp tục chương trình làm giàu hạt nhân, hoặc thu hẹp hoạt động này và đồng ý đàm phán.

"Iran rất dễ bị Israel tấn công, đặc biệt là các chương trình hạt nhân của nước này", Joost R. Hiltermann, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế nhận định. Theo ông: "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Israel làm vậy nhưng điều đó không có nghĩa là có thể loại bỏ Iran".

Theo nhà phân tích Ghassan al-Khatib người Palestine: "Nếu Iran không lùi bước, ông Trump và ông Netanyahu có thể tấn công vì hiện không có gì ngăn cản họ". Ông cũng lập luận rằng giới lãnh đạo Iran, những người đã thể hiện chủ nghĩa thực dụng trong quá khứ, có thể sẵn sàng thỏa hiệp để tránh xung đột quân sự.

Ông Trump - người đã rút khỏi thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới nhằm kiềm chế các mục tiêu hạt nhân của Tehran có khả năng sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran, bất chấp lời kêu gọi đàm phán từ những nhà phân tích coi ngoại giao là chính sách dài hạn hiệu quả hơn.

Định hình di sản

Giữa tình hình hỗn loạn của Iran và Gaza, phiên tòa kéo dài xét xử tội danh tham nhũng của ông Netanyahu, được nối lại vào tháng 12, cũng sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình di sản của ông. Lần đầu tiên kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra vào năm 2023, ông Netanyahu đã ra làm chứng trong các phiên tòa, gây chia rẽ sâu sắc người dân Israel.

Khi năm 2024 sắp kết thúc, Thủ tướng Israel có thể sẽ đồng ý ký một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 14 tháng qua ở Gaza và trả tự do cho các con tin Israel bị giam giữ tại đây, các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán tiết lộ.

Tuy nhiên, Gaza vẫn sẽ nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Israel nếu không có kế hoạch hậu xung đột của Mỹ về việc Israel nhượng lại quyền lực cho chính quyền Palestine - điều mà ông Netanyahu đã bác bỏ. Các nước Arab tỏ ra ít có khuynh hướng gây sức ép buộc Israel thỏa hiệp hoặc thúc đẩy chính quyền Palestine đang suy yếu cải tổ ban lãnh đạo để tiếp quản.

"Israel vẫn duy trì các hoạt động quân sự ở Gaza trong tương lai gần vì bất kỳ sự rút quân nào cũng có nguy cơ khiến Hamas tái tổ chức lại lực lượng. Israel tin rằng cách duy nhất để duy trì những thành quả quân sự là ở lại Gaza", chuyên gia Khatib nhận định với Reuters.

Đối với Thủ tướng Netanyahu, kết quả như vậy sẽ đánh dấu một thắng lợi chiến lược, củng cố nguyên trạng phù hợp với tầm nhìn của ông: Ngăn chặn nhà nước Palestine trong khi đảm bảo quyền kiểm soát lâu dài của Israel với Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Cuộc xung đột ở Gaza nổ ra khi Hamas bất ngờ tấn công Israel ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ 250 con tin. Israel đã đáp trả bằng một cuộc tấn công trên không và trên bộ, khiến 45.000 người thiệt mạng. Cơ quan Y tế tại Gaza cho biết, cuộc xung đột đã khiến 1,2 triệu người phải di dời và phần lớn vùng đất này trở thành đống đổ nát.

Các quan chức Arab và phương Tây cho rằng, mặc dù hiệp ước ngừng bắn có thể chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở Gaza nhưng nó sẽ không giải quyết được những xung đột sâu sắc giữa Palestine và Israel đã kéo dài hàng thập kỷ.

Trên thực tế, triển vọng về một nhà nước Palestine - lựa chọn liên tục bị chính quyền ông Netanyahu bác bỏ đã trở nên ngày càng khó đạt được khi các nhà lãnh đạo Israel lạc quan rằng ông Trump sẽ đứng về phía họ.

Trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, ông Netanyahu đã có được một số chiến thắng ngoại giao, bao gồm "thỏa thuận thế kỷ", một kế hoạch hòa bình do Mỹ hậu thuẫn mà ông Trump đưa ra vào năm 2020 để giải quyết xung đột Israel - Palestine. Kế hoạch này, nếu được thực hiện sẽ đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Mỹ và các thỏa thuận quốc tế bằng cách công khai liên kết với Israel, đồng thời đi lệch hẳn khỏi khuôn khổ đổi đất lấy hòa bình từ lâu đã chỉ dẫn các cuộc đàm phán trong lịch sử.

Thỏa thuận đó sẽ cho phép Israel sáp nhập các vùng đất rộng lớn ở Bờ Tây, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - về cơ bản phủ quyết các đòi hỏi của Palestine với Đông Jerusalem như là thủ đô của họ - một nguyện vọng trung tâm trong mục tiêu thành lập nhà nước và theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Syria đang ở ngã ba đường

Bên kia biên giới với Israel, Syria đang đứng trước một thời điểm quan trọng sau khi lực lượng nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS) do thủ lĩnh Abu Mohammed al-Golani lãnh đạo lật đổ chính quyền ông Assad.

Ông Golani hiện phải đối mặt với nhiệm vụ to lớn là củng cố quyền kiểm soát với một Syria bị chia rẽ, nơi quân đội và lực lượng cảnh sát đã sụp đổ. HTS phải xây dựng lại từ đầu mọi thứ, bảo vệ biên giới và duy trì sự ổn định nội bộ trước các mối đe dọa từ những kẻ thành chiến, tàn dư của chính quyền ông Assad và các đối thủ khác.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của người dân Syria và các nhà quan sát là liệu HTS từng có liên hệ với al-Qaeda nhưng giờ đây lại tự coi mình là một lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc Syria để giành được tính hợp pháp, có quay trở lại với hệ tư tưởng Hồi giáo hà khắc trước đó hay không.

Khả năng thành công hoặc thất bại của nhóm trong việc điều hướng sự cân bằng trên sẽ định hình tương lai của Syria, nơi sinh sống của nhiều cộng đồng người Sunni, Shi'ite, Alawite, Kurd, Druze và Cơ đốc giáo.

"Nếu họ thành công trong việc theo đuổi chủ nghĩa dân tộc thì vẫn còn hy vọng cho Syria, nhưng nếu họ quay trở lại con đường trước đó thì nước này sẽ bị chia rẽ", chuyên gia Hiltermann nói.

Theo ông, trong trường hợp thứ hai: "Có thể có sự hỗn loạn và một Syria yếu kém trong một thời gian dài, giống như chúng ta đã thấy ở Libya và Iraq".

Bài liên quan
Phái đoàn cấp cao Mỹ đến Damascus gặp thủ lĩnh lực lượng đối lập Syria
Phái đoàn cấp cao của Mỹ ngày 20/12 đến Damascus, đánh dấu chuyến đi chính thức cấp cao nhất của giới chức Mỹ đến Syria kể từ năm 2011 khi nội chiến nổ ra tại quốc gia Arab này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt
Chiều 23/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác.
  • Yến Sào Thiên Triều: Quà Tết ý nghĩa, gắn kết yêu thương
    VOVLIVE - Tết Nguyên Đán là thời khắc thiêng liêng của năm, không chỉ là thời điểm đoàn viên mà còn là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tri ân, yêu thương và gắn kết. Trong văn hóa người Việt, món quà Tết không đơn thuần chỉ là vật phẩm, mà còn gửi gắm thông điệp về tình cảm, sự quan tâm và lời chúc bình an, sức khỏe đến người nhận. Yến Sào Thiên Triều – món quà cao cấp chuẩn xuất khẩu Mỹ, chính là lựa chọn hoàn hảo cho một món quà Tết sang trọng và mang nhiều ý nghĩa.
  • Yến Sào Thiên Triều: Quà Tết ý nghĩa, gắn kết yêu thương
    VOVLIVE - Tết Nguyên Đán là thời khắc thiêng liêng của năm, không chỉ là thời điểm đoàn viên mà còn là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tri ân, yêu thương và gắn kết. Trong văn hóa người Việt, món quà Tết không đơn thuần chỉ là vật phẩm, mà còn gửi gắm thông điệp về tình cảm, sự quan tâm và lời chúc bình an, sức khỏe đến người nhận. Yến Sào Thiên Triều – món quà cao cấp chuẩn xuất khẩu Mỹ, chính là lựa chọn hoàn hảo cho một món quà Tết sang trọng và mang nhiều ý nghĩa.
  • Việt Nam ký 16 hợp đồng, trị giá 286 triệu USD tại Triển lãm Quốc phòng 2024
    Các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội đã ký kết 16 hợp đồng, tổng giá trị 286,3 triệu USD trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp