Hát nhạc cách mạng là một niềm đam mê...
Ngày nay, trước sự phát triển và du nhập của rất nhiều dòng nhạc mới, dòng nhạc chính thống của đất nước vẫn có một vị trí nhất định trong tâm thức và xu hướng nghe nhạc của công chúng. Những bài ca cách mạng vẫn luôn được cất lên bởi những nghệ sĩ đam mê, kiên định với dòng nhạc chính ca, trong đó điển hình là NSƯT Đăng Dương.
Với chất giọng tenor khỏe khoắn, khoáng đạt và chuẩn mực, NSƯT Đăng Dương sớm được biết đến là một tài năng của dòng âm nhạc chính thống và thính phòng cách mạng. Từ nhỏ, Đăng Dương đã rất thích dòng nhạc này, vì thế, ngay khi bắt đầu học hát chuyên nghiệp, anh đã lựa chọn con đường theo học dòng nhạc mà mình đam mê.
Trong quá trình gây dựng sự nghiệp, Đăng Dương may mắn được gặp gỡ rất nhiều người thầy. Người thầy đầu tiên là NSND Trần Hiếu, sau đó là nghệ sĩ Nguyên Hà, NSND Quang Thọ và cuối cùng là NSND Trung Kiên. Đó là bốn người thầy đã dạy Đăng Dương học thanh nhạc, mỗi người thầy là một màu sắc riêng, giúp anh nắm được nhiều kĩ thuật, cách hát khác nhau.
Bắt đầu học thanh nhạc từ năm 1992, đến năm 1995, Đăng Dương được Giải nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội. Một năm sau đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, cái tên Đăng Dương lần nữa được xướng lên với Giải nhất cuộc thi Hát thính phòng được tổ chức lần đầu tiên. Đây được coi là hai cuộc thi quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của Đăng Dương, mang giọng hát của anh đến gần hơn với khán giả cả nước.
Năm 2000, Đăng Dương tiếp tục giành Cúp bạc tại Liên hoan âm nhạc Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Năm 2017, anh tổ chức hòa nhạc kỷ niệm 22 năm ca hát và nhận giải thưởng âm nhạc Cống hiến, giải chương trình của năm.
Cơ duyên với Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam
Tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, Đăng Dương ở lại trường giảng dạy một thời gian. Sau đó, anh về công tác tại Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trước đó, khi còn là sinh viên đại học, Đăng Dương đã nhiều lần được Đoàn mời thu các tác phẩm để phát trên làn sóng. Nhưng mãi đến năm 2003, anh mới thực sự bén duyên với Đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam sau một lời mời vô cùng đặc biệt:
“Năm 2003, thật vinh dự cho tôi khi được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Trưởng ban Âm nhạc hồi đó, mời đi diễn tại buổi giao lưu giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Quân khu 2 tại Phú Thọ.
Sau khi buổi diễn kết thúc, tôi được gặp chú Vũ Văn Hiền, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời là một người rất yêu âm nhạc. Chú có nói với tôi mong muốn của chú là gây dựng lại Đoàn ca nhạc, và tôi là một trong những nghệ sĩ đầu tiên chú muốn mời về đầu quân cho Đoàn.
Tôi còn nhớ lời chú Vũ Văn Hiền nói: “Chú không muốn mất đoàn ca nhạc này bởi nó khác với những đoàn nghệ thuật khác. Đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những đoàn nghệ thuật đầu tiên của cả nước sinh ra vào năm 1949.”
Từ 2003 đến nay, đã hơn 20 năm NSƯT Đăng Dương công tác tại Nhà hát và Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Với cương vị Trưởng Đoàn ca nhạc mới, tính đến thời điểm này, NSƯT Đăng Dương cùng với các đồng nghiệp như NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Hoàng Tùng, nghệ sĩ Bùi Lê Mận, nghệ sĩ Thu Huyền, nghệ sĩ Tiến Mạnh,.. đã có những đóng góp to lớn cho Nhà hát và Đoàn ca nhạc, mang lại các giải thưởng trong và ngoài nước.
Vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945 -7/9/2020) vừa qua, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam vinh dự được trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. Đây là niềm vui, niềm vinh dự đối với Đăng Dương cũng như các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát.
Con người ra sao thì hát lên thế ấy...
Không chỉ sở hữu giọng nam cao rất hợp với các tác phẩm chính ca, NSƯT Đăng Dương trong mắt đồng nghiệp tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam là một con người đầy đam mê và trách nhiệm. Tuy vẻ ngoài như thể khô khan, khó tính nhưng bên trong lại vô cùng nồng hậu và chân thành. "Con người ra sao thì hát lên thế ấy" - điều này hoàn toàn đúng với một Đăng Dương.
NSND Thanh Hoa khi nhắc đến Đăng Dương có nói: “Nếu như Đăng Dương lúc mới ra trường vẫn bị kỹ thuật gò bó một chút, thì Đăng Dương của ngày hôm nay đã có một phong cách rất riêng, ngay cả khi đứng chung sân khấu với hai người bạn là Trọng Tấn và Việt Hoàn.”
Từng đạp xe đi hát tại những tụ điểm âm nhạc để mưu sinh, Đăng Dương cũng như nhiều nghệ sĩ khác, bắt đầu từng bước một với niềm đam mê của mình dù gặp nhiều khó khăn. Anh luôn cố gắng tiếp nối những người thầy đã dạy dỗ mình, nuôi dưỡng ngọn lửa âm nhạc cách mạng. Tên tuổi anh gắn liền với những bài ca đi cùng năm tháng: Những ánh sao đêm, Đất nước trọn niềm vui, Dáng đứng Việt Nam, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Tôi là người thợ lò,...
Nói về quá trình dài chinh phục dòng nhạc Cách mạng, Đăng Dương chia sẻ:
“Những lớp trẻ như tôi và các bạn không sinh ra trong chiến tranh, muốn hiểu những tác phẩm đó chúng ta phải đọc, phải xem, phải nghe, tìm hiểu xuất xứ các tác phẩm. Ra đời ra sao, bối cảnh nào, chúng ta phải hiểu tác phẩm thì mới mới thành công được.
Nghệ thuật, nó khác hẳn với những nghề nghiệp khác. Cuối cùng để đến với trái tim của khán giả thì nó vẫn phải là thực tại, vẫn là nghệ thuật đó. Người nghệ sĩ phải thực tài. Nghệ sĩ thành công không phải là mang danh hiệu gì cả, mà nghệ sĩ thành công là nghệ sĩ nằm trong tim của công chúng. Cái đấy là niềm hạnh phúc của một người nghệ sĩ chân chính.”