NSƯT Cao Minh: "Địa đạo" không chỉ là phim, đó là ký ức sống

CTV Ánh Dương/VOV.VN | 15/04/2025, 10:00

Gắn bó với dòng nhạc truyền thống cách mạng suốt hơn 40 năm, NSƯT Cao Minh lần đầu bước vào điện ảnh với vai diễn chú Sáu trong “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”. Vai diễn không dài, lời thoại không nhiều, nhưng trải nghiệm đó lại chạm tới tận đáy ký ức của ông – người từng sống ngay cạnh vùng đất Củ Chi.

Phim lịch sử không để giải trí, mà để chiêm nghiệm

PV: Trong phim, ông đảm nhận vai chú Sáu – một cán bộ cấp trên đến căn cứ Bình An Đông để tiếp thêm niềm tin cho đội du kích. Ông có thể chia sẻ về quá trình hóa thân vào vai diễn đặc biệt này?

NSƯT Cao Minh: Vai chú Sáu là một vai rất khó, khó nhất là về kiến thức lịch sử. Chính vì vậy, ban đầu tôi không dám nhận phim này, thậm chí đã từ chối. Nhưng rồi tôi trăn trở nhiều lắm, bởi tôi là người Trảng Bàng, mà Trảng Bàng với Củ Chi thì sát bên nhau. Thuở nhỏ, tôi từng tận mắt thấy chú bác mình lên xuống những hầm bí mật – mà hầm bí mật thì cũng giống như địa đạo vậy.

Tôi nghĩ đây không chỉ là một câu chuyện điện ảnh, mà là một phần lịch sử, là sự tái hiện về những người lính, những người chiến đấu, những người đã làm nên lịch sử.

Làm nghệ sĩ, trước giờ tôi vẫn thường hát nhạc truyền thống cách mạng, say sưa và chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội gắn bó với những giá trị ấy. Nếu lần này từ chối, có lẽ tôi sẽ tiếc cả đời. Và vì vậy, tôi quyết định nhận vai.

PV: Khi đứng giữa bối cảnh địa đạo, ông từng nói mình đã khóc – không phải vì vai diễn, mà vì… lòng đất. Câu chuyện đằng sau giọt nước mắt đó là gì?

NSƯT Cao Minh: Khoảnh khắc đó diễn ra giữa trưa tháng Tư, khi tôi đang quay trong một địa đạo thực sự. Không khí dưới hầm đặc quánh, ngột ngạt đến mức tôi gần như không thở nổi. Đã có lúc tôi định xin tạm nghỉ để hồi sức, nhưng nghĩ đến những người trong ê-kíp – từ tổ thiết kế đến hậu cần – ai cũng đang vất vả hết sức, tôi không nỡ làm gián đoạn tiến độ chung.

Tôi cố gắng ngồi lại, và rồi cảm xúc bất ngờ ập đến. Một cảm xúc rất lạ, vừa mạnh mẽ vừa thanh thản, như thể bước vào trạng thái thiền định, giống như những giờ tập yoga. Đó là lúc tôi bật khóc – không phải vì đang diễn xuất, mà vì một sự kết nối sâu sắc, trực tiếp với lịch sử, với mảnh đất thiêng nơi cha ông ta từng ngã xuống.

PV: Là một nghệ sĩ nổi tiếng với dòng nhạc cách mạng, khi hóa thân thành nhân vật lịch sử trong một bộ phim chiến tranh, ông thấy hai con đường – âm nhạc và điện ảnh – giao nhau như thế nào?

NSƯT Cao Minh: Tôi quan niệm rằng, nghệ thuật – dù là âm nhạc hay điện ảnh – đều khởi nguồn từ một mối chung, đó là cảm xúc chân thật. Trong âm nhạc, tôi truyền đạt thông điệp qua ngôn ngữ, giai điệu và xúc cảm. Điện ảnh cũng tương tự, nhưng ngoài phần nghe còn có thêm phần nhìn. Mà khi đã có “nhìn”, thì sự chân thực lại càng quan trọng. Tôi cho rằng, nghệ thuật nếu quá lạm dụng kỹ thuật mà thiếu sự chân thành từ nội tâm con người, thì dù đẹp đến đâu cũng trở nên vô nghĩa.

PV:Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc chiếu những bộ phim lịch sử như “Địa đạo” quanh năm, chứ không chỉ trong dịp lễ?

NSƯT Cao Minh: Tôi cho rằng lịch sử không thuộc về một thời điểm, mà là tài sản lâu dài của một dân tộc. Không phải chỉ dịp 30/4, không phải chỉ 50 năm, mà phải là trăm năm, thậm chí hàng trăm năm sau. Tôi nói điều này không phải vì mình có tham gia phim.

Tôi là người từng sống ngay giữa vùng chiến sự, là nhân chứng từ thời thơ ấu. Việt Nam có một lịch sử hào hùng, điều đó không chỉ người Việt mà cả thế giới đều biết. Vì vậy, khi lịch sử được kể lại bằng điện ảnh một cách chân thực, bộ phim ấy xứng đáng được xem ở bất cứ thời điểm nào.

Tôi cũng không muốn dùng từ "giải trí" khi nói về phim lịch sử. Tôi không mong khán giả chỉ xem để giải trí – mà để thưởng thức, cảm nhận và thấm thía. Với một bộ phim như “Địa đạo”, tôi nghĩ, không cần đợi đến tháng Tư. Tháng nào chiếu cũng được, năm nào chiếu cũng được – vì lịch sử là mãi mãi.

PV:Ông kỳ vọng khán giả, đặc biệt là người trẻ, sẽ cảm nhận được thông điệp gì từ “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”?

NSƯT Cao Minh: Với tôi, tuổi trẻ chính là trung tâm của lịch sử. Những người làm nên kỳ tích trong kháng chiến, nhiều người trong số họ còn chưa đến tuổi trưởng thành – là những thiếu niên thực thụ. Ngày nay, thế hệ trẻ có thể khác về điều kiện sống – chăn êm, nệm ấm – nhưng tinh thần, ý chí thì không hề thua kém.

Tôi hy vọng khi xem bộ phim này, các bạn trẻ không chỉ thấy hay, thấy hấp dẫn, mà còn phải trầm ngâm suy nghĩ. Bởi nếu một ngày đất nước lâm vào chiến tranh, chính họ sẽ là những người phải gánh chịu gian khổ, như lớp cha anh đi trước. Giờ đây, nhiệm vụ của các bạn là gìn giữ hòa bình – và đó cũng chính là cách đẹp nhất để thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

PV: Sau khi tham gia bộ phim này, ông có dự định tiếp tục theo đuổi sự nghiệp diễn xuất không?

NSƯT Cao Minh: Ai cũng mong muốn sự nghiệp của mình được phát triển. Tuy nhiên, tôi nghĩ nghệ sĩ không nên “đam mê” theo nghĩa mù quáng. “Đam” là mê, “mê” là muội. Người nghệ sĩ không nên lăn xả bằng mọi giá để có vai diễn, mà nên biết khi nào phù hợp thì xuất hiện.

Tôi không cho rằng việc lấy lòng đạo diễn hay tìm mọi cách để được đóng phim là cần thiết. Vai diễn có giá trị khi đạo diễn thấy mình thật sự phù hợp. Và khi ấy, sản phẩm làm ra không chỉ khiến khán giả hài lòng, mà chính bản thân nghệ sĩ cũng có thể xem lại một cách đầy đủ, không áy náy, không xấu hổ.

Nếu ngay từ đầu đã đặt nặng chuyện doanh thu, nghệ thuật sẽ không còn giữ được sự thuần khiết

PV: Ông được xem là “giọng ca vàng của dòng nhạc cách mạng”. Điều gì khiến ông gắn bó với dòng nhạc này suốt hơn 40 năm?

NSƯT Cao Minh: Tôi xuất thân từ một nền đào tạo bài bản, được học hành tới nơi tới chốn. Khi còn rất trẻ, tôi đã đoạt giải nhất Concour quốc gia lần thứ nhất. Năm cuối đại học tại Trường Quốc gia Âm nhạc TP.HCM, tôi tiếp tục được Nhà nước công nhận là người hát hay nhất về đề tài Bác Hồ, đồng thời cũng là giọng ca dân ca xuất sắc nhất. Những thành tích ấy đã trở thành những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp của tôi. Và cũng từ đó, tôi luôn cảm thấy mình mang theo một trách nhiệm – không chỉ đối với âm nhạc, mà còn đối với lịch sử.

Dòng nhạc truyền thống cách mạng không hề đơn giản. Nó đòi hỏi trình độ nghệ thuật cao, kỹ thuật tinh tế, và đặc biệt là chiều sâu tâm hồn. Ẩn trong từng giai điệu là triết lý sống, là hình ảnh người chiến sĩ, là tình yêu âm thầm nhưng mãnh liệt. Nếu người ca sĩ chỉ chăm chăm vào sự hùng tráng bề ngoài mà không thấu hiểu cái tình, cái hồn trong từng câu hát, thì dù có hát vang, cũng sẽ đi ngược với tinh thần mà bài hát muốn chuyển tải.

PV: Ông từng nói không nhận cát-sê khi biểu diễn, vì coi âm nhạc là đạo sống. Triết lý đó ảnh hưởng đến hành trình nghệ thuật của ông như thế nào?

NSƯT Cao Minh: Tôi tin rằng làm nghệ thuật thì điều đầu tiên phải biết hy sinh. Nếu ngay từ đầu đã đặt nặng chuyện doanh thu, nghệ thuật sẽ không còn giữ được sự thuần khiết. Tôi không nói điều đó để gây ấn tượng, mà vì tôi thật sự nghĩ như vậy. Đối với tôi, cát-sê là chuyện riêng, không phải điều tôi thích bàn tới. Tôi từng nói rằng mình không cần cát-sê, tôi chỉ mong khán giả thật sự cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái chân thật trong âm nhạc.

Niềm vinh dự lớn nhất của tôi là được làm nghệ sĩ, được đứng trên sân khấu và truyền tải cảm xúc tới người nghe. Nếu khán giả thưởng thức âm nhạc bằng trái tim, không theo phong trào hay hiệu ứng đám đông, thì với tôi – như vậy là quá đủ rồi.

Tôi chỉ mong được sống như một người nông dân trong trẻo

PV: Ít ai ngờ rằng một nghệ sĩ nổi tiếng lại sống ẩn mình giữa rừng, tự làm vườn, nuôi cá, trồng cây. Ông bắt đầu lối sống này từ khi nào?

NSƯT Cao Minh: Từ nhỏ, tôi đã sống gần gũi với thiên nhiên, nhưng để thật sự ý thức và lựa chọn lối sống này thì là từ lúc người ta bắt đầu gọi tôi là “ca sĩ”. Lúc ấy, tôi tự hỏi: “Ca sĩ là ai? Mình đang đại diện cho điều gì?” Ông bà ta từng có câu "xướng ca vô loài" – một cách nói mang định kiến. Tôi muốn sống sao cho không thấy xấu hổ khi mang danh nghệ sĩ. Để làm được điều đó, tôi cần sống thật, sống sâu, sống tĩnh lặng.

Tôi tự dựng một ngôi nhà nhỏ giữa thiên nhiên, không phải để tránh xa xã hội, mà để trở về với chính mình. Tôi làm vườn, nuôi cá, trồng cây – không phải để hưởng thụ, mà là để học. Học cách lắng nghe. Học sự giản dị. Và để khi đứng trên sân khấu, tôi không chỉ hát bằng kỹ thuật, mà còn bằng cả một đời sống nội tâm đã được nuôi dưỡng bền bỉ.

PV: Ông từng nhận mình là “người nông dân ngông” – điều đó thể hiện rõ nhất ở điều gì? 

NSƯT Cao Minh: Nông dân không ngông. Họ chỉ mong mùa màng thuận lợi, đời sống no ấm. Nếu có gì gọi là “ngông”, thì đó là việc tôi chọn thờ nông dân. Tôi không làm nghề nông, nhưng luôn muốn quay về với sự mộc mạc, chân thật và sâu sắc của họ.

Nhiều người nghĩ nông dân quê mùa, kém cỏi. Tôi lại thấy họ có nội tâm rất đẹp, rất thuần khiết. Những nghi lễ, ngày cúng tế mùa màng là biểu hiện của khát vọng sống và sự gắn bó với thiên nhiên, đất trời.

Tôi chọn đứng ở “đẳng cấp” đó không phải để hạ mình, mà vì tôi học được từ họ rất nhiều. Trí tuệ của tôi đến đâu, tôi cũng không rõ. Có người gọi tôi là trí thức, tôi thấy buồn cười. Tôi chỉ mong được sống như một người nông dân trong trẻo – để còn tiếp tục học, tiếp tục lớn lên từ cái gốc ấy.

PV:Với sự nghiệp vững vàng, liệu gia đình có phải là nguồn động viên quan trọng nhất giúp ông giữ được sự khiêm nhường và giữ vững đam mê trong suốt hành trình dài này?

NSƯT Cao Minh: Tôi luôn quan niệm rằng nghệ sĩ là người của công chúng, nhưng không phải là cái chung của công chúng. Chúng ta không cần phải bày biện đời sống riêng tư để chứng minh điều gì cả. Gia đình đối với tôi là một điểm tựa. Nhưng tôi không mang nó vào trong nghệ thuật. Nghệ thuật cần một sự tập trung cao độ, một sự dấn thân trọn vẹn. Để làm được điều đó, đôi khi ta cần giữ lại một phần đời cho riêng mình, không phô bày, không tô vẽ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Phim "Địa đạo" tạo cú hích du lịch Củ Chi
Hiệu ứng của bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đã tạo nên làn sóng quan tâm mạnh mẽ, thúc đẩy nhiều du khách tìm đến trực tiếp Địa đạo Củ Chi để khám phá lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc: Kiên định thúc đẩy sự nghiệp hữu nghị giữa hai nước
VOV trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp