2 lần nhận Giải thưởng Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu đều từ những dự án nông nghiệp, những câu chuyện về nông nghiệp chưa bao giờ có hồi kết sau những lần tôi trò chuyện với anh Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food).
Khác biệt… để trở thành “Vua” nha đam
Dưới cái nắng gay gắt của miền đất nắng gió Ninh Thuận, tôi đã có dịp đến tham quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn theo lời mời của anh Nguyễn Văn Thứ. Nơi đầu tiên tôi đến là nhà máy sản xuất nha đam của Công ty CP thực phẩm Cánh đồng Việt (VietFarm). Đây là công ty thành viên thuộc GC Food đặt tại KCN Thành Hải, Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Bước chân vào nhà máy, ấn tượng đầu tiên của tôi chính là một bức bích họa lớn trên tường kèm theo câu slogan: “Tạo ra một thế giới hạnh phúc thông qua việc cung cấp chuỗi thực phẩm hạnh phúc”. Phía sau bức bích họa đó là cả một hành trình khởi nghiệp dài của anh Nguyễn Văn Thứ.
Để có được diện tích nha đam phủ xanh những vùng đất cằn cỗi, đầy nắng gió, làm nguyên liệu cho nhà máy VietFarm như hiện nay là điều không dễ. Ở Ninh Thuận thời điểm đó, diện tích nha đam ít, chất lượng thu hoạch không tốt. Người nông dân nhổ bỏ nhiều, họ vứt ra góc vườn, gây mùi hôi thối. Vốn là dân kinh tế, anh biết triển vọng và quy mô thị trường quốc tế về những sản phẩm từ nha đam lên tới vài tỉ USD và tốc độ tăng trưởng 6 - 7% mỗi năm. Điều này làm anh trăn trở. “Vì sao một sản phẩm tốt, giá trị kinh tế cao như vậy mà Việt Nam chưa khai khác hiệu quả? Vì sao những người trồng nha đam ở Ninh Thuận phải bán giá thấp và bấp bênh như vậy?...” Những câu hỏi của anh bắt đầu có lời giải khi thông qua một người bạn bên Nhật Bản, anh biết người dân quốc gia này dùng nha đam rất nhiều và duy trì hàng chục năm nay. Từ đó, mà anh quyết định sản xuất thạch nha đam xuất khẩu sang thị trường Nhật.
Từ phó giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại Đồng Nai, anh đi học cách làm nông nghiệp và thuyết phục bà con trồng nguyên liệu cho mình. Cho đến giờ, anh Thứ vẫn nhớ như in những cái xua tay, từ chối hợp tác trồng nha đam của nông dân Ninh Thuận ngày trước. Bởi không ai tin rằng loài cây mộc mạc, dễ trồng, dễ sống ấy lại có thể trở thành cây trồng chủ lực của vùng đất này.
Năm 2015, nhà máy sản xuất nha đam do anh Thứ xây dựng đã đi vào hoạt động ngay chính tại vùng nguyên liệu và cho đến nay VietFarm đã trở thành nhà máy chế biến nha đam lớn nhất Việt Nam. Công suất của nhà máy có thể đạt 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm, sản phẩm được xuất khẩu ra 20 quốc gia trên thế giới. Chủ tịch GC Food Nguyễn Văn Thứ nhấn mạnh thêm: “Trong 5 năm tới, hoặc xa hơn là 10 năm, các sản phẩm chế biến sâu từ cây nha đam sẽ vẫn tăng trưởng cao với sức tăng 20%/năm. Đó là lý do để công ty mạnh dạn phát triển vùng nguyên liệu và hoạt động đầu tư chế biến sâu trong thời gian tới…”.
Nhưng anh Thứ không dừng lại ở việc đưa sản phẩm ra thế giới. Anh khát vọng tạo nên một “chuỗi thực phẩm hạnh phúc” – nơi mà sản phẩm không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, mà còn là cầu nối giữa người tiêu dùng và nguồn nguyên liệu tự nhiên. Đối với anh, mỗi sản phẩm của GC Food không chỉ là một món hàng mà là một “cầu nối” giữa con người và thiên nhiên, giữa sức khỏe và hạnh phúc. “Chúng tôi muốn tạo ra một thế giới hạnh phúc. Mỗi người sử dụng sản phẩm của chúng tôi không chỉ tận hưởng giá trị dinh dưỡng mà còn cảm nhận được tình yêu và sự cống hiến từ cả một hệ sinh thái bền vững”, anh Thứ chia sẻ.
Tầm nhìn toàn cầu từ ESG
Để đạt được thành công trên thị trường quốc tế, GC Food đã tuân thủ và áp dụng ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) vào trong mọi hoạt động của mình. Từ việc tối ưu hóa năng lượng sử dụng trong sản xuất, giảm thiểu lượng nước thải, đến việc đảm bảo quyền lợi của người lao động và cải thiện điều kiện làm việc, GC Food đã thiết lập một nền tảng kinh doanh bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ trong 5 năm gần đây, GC Food đã cắt giảm được 15% năng lượng tiêu thụ và tăng hiệu quả sản xuất lên 20%, nhờ việc tích hợp các công nghệ thân thiện với môi trường.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhìn lại hành trình của doanh nhân Nguyễn Văn Thứ, có thể thấy rằng sự thành công của anh không chỉ đến từ khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh mà còn từ cách anh xác định lại ý nghĩa của doanh nghiệp trong một thế giới ngày càng phức tạp và đa chiều. Từ những cải tiến trong quy trình sản xuất đến sự tập trung vào hạnh phúc của người lao động và trách nhiệm với môi trường, Chủ tịch GC Food đã chứng minh rằng một doanh nghiệp có thể vừa phát triển bền vững, vừa tạo ra giá trị nhân văn sâu sắc.
“Chúng tôi không chỉ sản xuất thực phẩm. Chúng tôi đang tạo ra hạnh phúc” anh Thứ khẳng định. Đó là triết lý sống, triết lý kinh doanh và cũng là hành trình mà anh đã, đang và sẽ tiếp tục dẫn dắt GC Food trong tương lai. Câu chuyện của doanh nhân Nguyễn Văn Thứ là một trong những minh chứng tiêu biểu cho một tầm nhìn lãnh đạo khác biệt – nơi mà kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì hạnh phúc, sự phát triển bền vững và lợi ích cộng đồng.