Nhà văn Hàn Quốc Cho Chul Hyeon là tác giả nước ngoài đầu tiên viết sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách có tựa đề "Truyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" đã gây tiếng vang khi ra mắt ở Hàn Quốc vào tháng 4, sau đó được biên dịch sang tiếng Việt và ra mắt ở Việt Nam vào ngày 23/10 vừa qua.
Cuốn sách dày 344 trang, gồm các phần: Mở đầu: Thời kỳ đi học; Chương I: Thời kỳ trưởng thành; Chương hai: Thời kỳ phê bình; Chương III: Thời kỳ vì dân; Chương IV: Thời kỳ thuận ứng; Vĩ thanh: Phác họa bức tranh "Cường quốc văn hóa".
Cung cấp những thông tin ít người biết
Nhà văn Cho Chul Hyeon bắt đầu hình thành sự quan tâm đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi biết ông xuất thân từ chuyên ngành văn học. Bởi lẽ, các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới hiếm có ai xuất phát từ chuyên ngành này.
Tác giả người Hàn Quốc đã dành 10 năm nghiên cứu tài liệu và gần 2 năm để hoàn thành cuốn sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong quá trình tìm tài liệu, nhà văn Cho Chul Hyeon nhận thấy, không có nhiều thông tin về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ thời tiểu học đến hết trung học phổ thông và cả giai đoạn học đại học. Các thông tin về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ yếu bắt đầu từ giai đoạn giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội (năm 2000).
Nhà văn Cho Chul Hyeon đã đi thực tế ở nhiều địa điểm và phỏng vấn nhiều người gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời niên thiếu. Qua đó, tác giả đã khắc họa chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, viết luận văn về thơ Tố Hữu, trở thành cây viết xuất sắc rồi Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tới khi giữ những cương vị cao trong Đảng, Nhà nước.
Tác phẩm không chỉ cung cấp những thông tin ít người biết về những năm tháng tuổi trẻ và học tập của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà tác giả còn muốn gửi gắm tấm gương về sự rèn luyện và vươn lên tới thế hệ trẻ.
“Khi viết, tôi có ý muốn công bố để cho thế hệ trẻ không chỉ của chúng tôi mà cả của Việt Nam hiểu hơn về vị lãnh đạo lỗi lạc đất nước, đặc biệt là quãng đời niên thiếu của ông” - Nhà văn Cho Chul Hyeon chia sẻ trước truyền thông hồi tháng 5, sau khi tác phẩm ra mắt tại Hàn Quốc và được đánh giá cao.
Sự phát triển của đất nước xoay quanh chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn Cho Chul Hyeon đã nhiều lần thay đổi văn phong để khắc họa sinh động cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những giai đoạn khác nhau. Xoay quanh câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tác giả cũng khéo léo dẫn dắt độc giả tới hàng loạt thông tin về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng đất nước của Việt Nam, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước… bên cạnh đó là quá trình phát triển của quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc.
Qua những câu chuyện trong tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện lên với hình ảnh chân thực, giản dị, gần gũi với quần chúng và hết lòng vì nước vì dân. Bên cạnh đó là những dấu ấn và sự tinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác ngoại giao.
Đồng thời, nhà văn Cho Chul Hyeon đã khắc họa sự quyết tâm lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt là chi tiết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chiến đấu với căn bệnh xuất huyết dạ dày, vừa làm việc hết mình trên cương vị Tổng Biên tập Tạp Chí Cộng sản. “Những người chưa từng làm việc cùng với ông sẽ không biết được quyết tâm mạnh mẽ của ông”, như lời hồi tưởng của nhà báo Nhị Lê trong tác phẩm.
Theo mạch thời gian, nhà văn Cho Chul Hyeon không chỉ kể lại câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thời điểm đảm nhận một vị trí công tác nào đó, mà còn chỉ ra sự phát triển từ nền tảng mà ông để lại ở nơi làm việc cũ. Ví dụ điển hình là việc Thủ đô Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ từ những nền móng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xây dựng khi làm Bí thư Thành ủy.
Tác giả cũng khắc họa tinh tế chân dung một nhà lãnh đạo xuất thân từ chuyên ngành văn chương bằng việc nhắc lại những câu thơ đã hiện lên ở những bước ngoặt cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Ông viết luận văn về thơ Tố Hữu, trích 2 câu thơ trong truyện Kiều khi trở thành Chủ tịch Quốc hội, trích thơ Nguyễn Duy khi nói về đường lối ngoại giao cây tre, đọc thơ Nguyễn Bính và thơ Tố Hữu trong bài phát biểu ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc...
Những ấn tượng lớn nhất về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong lời giới thiệu tác phẩm, nhà văn Cho Chul Hyeon tiết lộ rằng, khi chắp bút, ông đã gặp Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc (2020-2023) Nguyễn Duy Tùng để xin tham vấn và ngỏ ý muốn được phỏng vấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Duy Tùng chia sẻ với nhà văn Cho Chul Hyeon rằng: “Tổng Bí thư là người vô cùng khiêm tốn, nên khó có khả năng ông ấy sẽ nhận lời phỏng vấn liên quan đến việc xuất bản một cuốn sách về bản thân mình”.
Đúng như dự đoán của Đại sứ Nguyễn Duy Tùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ chối đề nghị phỏng vấn của nhà văn người Hàn Quốc. Điều này cũng với quá trình nghiên cứu các tư liệu đã đưa nhà văn Cho Chul Hyeon tới lời khẳng định khi giới thiệu tác phẩm: “Cuối cùng thì tôi cũng có thể khẳng định chắc chắn rằng Tổng Bí thư là một kẻ sĩ”. Đó là một kẻ sĩ khiêm nhường, vì nước vì dân, nhân văn, thanh liêm chính trực, thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Khi giới thiệu tác phẩm trước giới truyền thông, nhà văn Cho Chul Hyeon đã dùng 3 từ để mô tả ấn tượng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm: "Sỹ phu Bắc Hà," "Chiến dịch đốt lò" và "Ngoại giao cây tre". Đây cũng là tên 3 phần cuối cùng trong “Chương IV: Thời kỳ thuận ứng”, trước khi tác phẩm kết thúc bằng khúc vĩ thanh về những đóng góp và tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc xây dựng Việt Nam trở thành cường quốc văn hóa.