Nằm giữa chợ đêm náo nhiệt mới khai trương bên bờ biển Bãi Cháy (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), gian hàng của chị Đỗ Thùy Linh thu hút du khách bởi những món đồ thủ công, đồ chơi trẻ em móc từ len sợi: những chú thỏ, chú gấu dễ thương, các nhân vật hoạt hình lớn nhỏ đầy màu sắc. Không chỉ trẻ nhỏ háo hức ngắm nghía, cả người lớn cũng ồ lên thích thú trước những sản phẩm khéo léo này.
Bạn Bế Thu Huyền, khách tham quan chợ đêm chia sẻ, thú bông móc từ len sợi đang là sản phẩm được các bạn trẻ rất yêu thích.
"Trước kia tới Yên Tử thì mình đã thấy gian hàng thủ công này, đã rất thích rồi, hôm nay thấy ở chợ đêm Hạ Long thì rất bất ngờ. Đường kim móc rất đều nhau, vắt kim rất đều, tỉ mỉ, dấu len đẹp, kỹ, chắc chắn, không bị móp méo gì cả, nhồi len cũng rất đẹp. Đồ móc len này khá gần với giới trẻ, nhiều bạn trẻ cũng đang tập tành để có thể móc được thú bông", Bế Thu Huyền nói.
Đưa những sản phẩm của mình từ núi rừng Yên Tử đến với phố biển Hạ Long là ấp ủ của chị Đỗ Thùy Linh từ lâu. Sinh năm 1993, Linh theo học ngành Sư phạm Tiếng Anh và trở về quê nhà xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh để dạy học. Tuy vậy, đam mê với nghề đan móc len sợi thủ công đã khiến chị “rẽ ngang” để khởi nghiệp, mở xưởng, thành lập công ty L&T Crochet chuyên sản xuất các sản phẩm từ len sợi móc.
Năm 2021, bước ngoặt lớn đến với cô gái Quảng Ninh khi những sản phẩm của Linh được Bộ Công thương lựa chọn tham gia vào Hội chợ thủ công mỹ nghệ phục vụ SEA Games 31. Trong đó, linh vật sao la được chị thiết kế mẫu riêng bằng len móc hết sức tỉ mỉ, sinh động, được các VĐV và khách quốc tế đặc biệt chú ý.
Nhiều bạn hàng quốc tế dần biết đến, sản phẩm của Linh “vượt biển” đến với các thị trường Anh, Pháp, Mỹ, Australia… Ngoài những mẫu thông dụng, chị cũng thiết kế riêng theo đơn đặt hàng với số lượng chart móc (mẫu len móc) đã lên đến vài trăm.
"Thời gian đầu khó khăn, những mẫu đơn giản cũng mất vài ngày để thiết kế, nhưng nghề này đã làm là rất mê, nên mình cứ trăn trở làm đi làm lại. Giờ mình làm nhiều thành quen, thời gian thiết kế cũng ngắn hơn. 70% là hàng xuất khẩu, ngoài yếu tố thẩm mỹ thì thị trường nước ngoài họ đặc biệt quan tâm đến an toàn, vì là đồ chơi cho trẻ em nên phải đảm bảo từ nguyên liệu đến thiết kế, không gây kích ứng, nguy hại…", Linh nói.
Phụ nữ giúp phụ nữ khởi nghiệp
Hiện mỗi tháng xưởng của chị Đỗ Thùy Linh sản xuất khoảng 1.500 sản phẩm. Ngoài xuất khẩu, sản phẩm của xưởng có mặt ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước như Hội An, Nha Trang,... trong đó được yêu thích nhất là các mẫu búp bê mặc áo dài truyền thống, thú bông cầm quốc kỳ... Tuy vậy, điều khiến chị tự hào hơn cả, đó là tất cả sản phẩm của xưởng đều được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của các bà, các cô ở chính quê nhà dưới chân núi Yên Tử.
Xưởng có 40 nhân công đều là những người yếu thế, người khuyết tật, cao tuổi… Như bà Lý Thị Hải (người Dao Thanh Y ở thôn Đồng Chanh, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh) bị khuyết tật ở chân, những người khác cũng có trường hợp câm điếc hay gia cảnh vô cùng khó khăn. Ban đầu ai cũng băn khoăn khi đến với nghề, nhưng rồi nhờ nỗ lực và động viên, đào tạo tận tình của Linh, đến nay họ đều là những thợ móc lành nghề, thu nhập ổn định và có thêm niềm vui, sự lạc quan trong cuộc sống.
Bà Lý Thị Hải tâm sự: "Sức khỏe của chúng tôi thế này, va chạm xã hội ít mà đã làm ra được những sản phẩm như thế, có việc làm, ổn định lương, lại vẫn có thể sắp xếp được việc gia đình nên chúng tôi rất vui mừng".
Những thợ móc len của xưởng trong trang phục truyền thống người Dao Thanh Y cũng đã có cơ hội đến với nhiều hội chợ, triển lãm trong nước, trực tiếp trình diễn quy trình làm ra các sản phẩm đẹp mắt, giới thiệu đến khách tham quan nét đẹp của người phụ nữ Việt. Đỗ Thùy Linh chia sẻ, chị luôn mong muốn giới thiệu nghề thủ công này đến với nhiều người hơn, đặc biệt là thể hiện tình yêu quê hương qua những sản phẩm lưu niệm độc đáo.
"Từ khi khởi nghiệp mình đã nghĩ đây không chỉ là nghề để kiếm sống, nghề này có rất nhiều ý nghĩa. Mình đã lên nhiều ý tưởng mẫu thiết kế đặc trưng của Quảng Ninh, như thuyền buồm có thêu tên Hạ Long, biểu tượng hòn Trống Mái, nón lá cờ Việt Nam… Mình cũng mong muốn kết nối những người yêu đan móc, qua đó lan toả, càng ngày nghề sẽ được lưu giữ và mở rộng hơn nữa", Linh nói.
Từ núi rừng Yên Tử, sản phẩm len móc thủ công của những “nàng Bân” đến với nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước và ra cả nước ngoài. Đỗ Thùy Linh ấp ủ dự định mở những workshop nho nhỏ tại Hạ Long để mỗi du khách đi qua có thể “xem tận mắt, sờ tận tay”. Những món quà mang hình ảnh quê hương sẽ theo du khách đi muôn nơi, là “đại sứ” quảng bá về Yên Tử, Hạ Long, Việt Nam thật mến khách và thân thiện.