Giấy vệ sinh là vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của hầu hết mọi người, tuy nhiên nhiều kiến thức về giấy vệ sinh có thể bạn không biết; hãy cùng khám phá nhé.
Nguồn gốc giấy vệ sinh
Giấy vệ sinh vốn được coi là có nguồn gốc từ Trung Quốc, tuy nhiên phải đến năm 1857, sản phẩm giấy vệ sinh thương mại đầu tiên mới được sản xuất tại Mỹ bởi ông Joseph Gayetty. Trước đó, mọi người thường sử dụng các vật liệu tự nhiên như lá cây, vỏ cây, cỏ hoặc thậm chí là đá.
Giấy vệ sinh của ông Gayetty được quảng cáo là sản phẩm y tế để chữa bệnh trĩ, nhưng nó nhanh chóng trở nên phổ biến và nhiều thương hiệu giấy vệ sinh khác nhanh chóng xuất hiện. Ban đầu, giấy vệ sinh được bán dưới dạng các tờ rời, sau đó mới phát triển thành cuộn. Đây được xem là một bước tiến quan trọng, mang lại sự tiện lợi, giúp sản phẩm dễ sử dụng hơn.
Các loại giấy vệ sinh
Ngày nay, giấy vệ sinh rất đa dạng. Người dùng có nhiều lựa chọn theo giá thành, kiểu dáng, kích thước, màu sắc và độ mềm. Nhiều loại giấy vệ sinh có trang trí họa tiết và được tẩm mùi thơm.
Xét về nguyên liệu, có hai loại giấy vệ sinh cơ bản: Làm từ cây và làm từ giấy tái chế. Chất lượng sản phẩm được phân loại theo tiêu chuẩn gồm số lớp giấy, độ mềm, độ bền và khả năng phân hủy trong nước. Giấy vệ sinh thường có từ một đến bốn lớp giấy mỏng.
Các yếu tố kỹ thuật như độ nhám, cặn hóa chất cũng góp phần quyết định chất lượng của giấy vệ sinh. Để giảm độ nhám, các công ty thường phủ một lớp mỏng lô hội, kem dưỡng da hoặc sáp lên giấy.
Màu sắc giấy vệ sinh
Giấy vệ sinh có hai màu chính là màu trắng và màu ngà tự nhiên. Để giấy vệ sinh có màu trắng sáng, các nhà sản xuất thường sử dụng một số hóa chất để tẩy và làm trắng giấy. Một số nghiên cứu cho thấy, hóa chất tẩy trắng có khả năng gây ung thư và các vấn đề về sức khỏe khác khi tích tụ trong cơ thể.
Một số chuyên gia y tế khuyên mọi người sử dụng giấy vệ sinh màu tự nhiên, không mùi. Giấy vệ sinh càng trắng càng có nhiều nguy cơ cho người dùng.
Thời hạn sử dụng giấy vệ sinh
Dù được sản xuất từ chất liệu nào, giấy vẫn bị ảnh hưởng bởi độ ẩm, ánh sáng và nhiệt độ môi trường. Nếu được bảo quản trong điều kiện khô ráo, thoáng mát, giấy vệ sinh có thể giữ được chất lượng tốt trong một thời gian dài, thậm chí là vài năm.
Giấy vệ sinh không có thời hạn sử dụng cụ thể, nhưng cách bảo quản đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chất lượng sản phẩm. Giấy vệ sinh được đóng gói kín, bảo vệ khỏi không khí và độ ẩm sẽ có thời gian sử dụng dài hơn so với sản phẩm không có bao bì bảo vệ.
Giấy vệ sinh khác giấy ăn thế nào?
Mặc dù cả hai đều được làm từ giấy và nhiều đặc điểm tương tự, giấy vệ sinh và giấy ăn có những khác biệt quan trọng về mục đích sử dụng, cấu tạo và đặc tính.
Giấy vệ sinh được thiết kế để sử dụng trong nhà vệ sinh, chủ yếu dành cho việc lau chùi, làm sạch cơ thể sau khi đi toilet. Giấy mềm mại và khả năng phân hủy nhanh trong nước để tránh gây tắc nghẽn hệ thống xả nước. Vì tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, giấy vệ sinh thường được làm từ giấy tái chế hoặc giấy tự nhiên đã qua xử lý để đảm bảo an toàn và không chứa các chất gây hại cho da.
Còn giấy ăn được sử dụng chủ yếu trong các bữa ăn để lau miệng, tay, đôi khi để làm sạch các bề mặt nhỏ dính thức ăn. Giấy ăn thường được tìm thấy trên bàn ăn, quán ăn và trong các gói thức ăn mang đi. Giấy ăn cần đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn khi tiếp xúc thực phẩm, không sử dụng mực in để tránh thôi nhiễm vào thức ăn và thường có thêm lớp xử lý để đảm bảo không dễ dính vào thực phẩm. Giấy ăn cũng đáp ứng các điều kiện khắt khe về an toàn, không chứa các chất gây hại cho da.