Sự sụp đổ của Avdiivka - khởi đầu cho một năm rút lui chậm chạp của Ukraine ở phía Đông
Việc chiếm được Avdiivka - một thị trấn công nghiệp ở phía Đông Ukraine là chiến thắng lớn nhất của quân đội Nga kể từ khi kiểm soát Bakhmut cách đây 9 tháng, đồng thời mở ra một năm rút lui chậm chạp và đầy chán nản của Ukraine ở khu vực Donetsk.
Sự sụp đổ của Avdiivka đã củng cố các vị trí chiến thuật và hậu cần của Moscow trong khu vực cũng như đẩy quân đội Ukraine khỏi thành phố lớn Donetsk.
Việc để mất Avdiivka - địa điểm sản xuất than cốc công nghiệp lớn nhất (hiện đã bị phá hủy) của Ukraine, đã làm suy yếu tinh thần của quân đội Ukraine, đồng thời làm gia tăng cuộc tranh luận ở Kiev về tổn thất lực lượng của cuộc xung đột cũng như sức mạnh hỗ trợ của Mỹ.
Các quan chức ở Kiev và Washington cho biết việc Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine 6 tháng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Avdiivka. Một yếu tố quan trọng khác ở Avdiivka là việc Nga sử dụng "bom lượn" trên quy mô lớn để xóa sổ các vị trí kiên cố của Ukraine trong thị trấn.
Bằng việc trang bị bộ cánh nhỏ và bộ dẫn đường GPS vào hàng nghìn quả bom thời Liên Xô trong kho dự trữ - Nga đã tạo ra một loại vũ khí rẻ nhưng hiệu quả, nặng từ 500 - 3.000kg, khiến cho hệ thống phòng không hạn chế của Ukraine không thể đối phó.
Tiêm kích Nga hiện thả bom mỗi ngày từ phạm vi an toàn 50km trở lên, tấn công các đơn vị Ukraine trên chiến trường cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng tại các thành phố tiền tuyến như Kharkov và Zaporizhzhia,
Cải cách quân sự không thể khắc phục khó khăn về lực lượng của Ukraine
Việc mất Avdiivka cũng làm nổi bật quy mô vấn đề nhân sự của quân đội Ukraine. Một số đơn vị bảo vệ thị trấn đã ở đó gần 2 năm mà hầu như không được nghỉ ngơi, trong khi những người lính rút khỏi khu vực này tiết lộ về tình trạng kiệt sức cũng như sự tuyệt vọng lan rộng giữa bối cảnh quân đội Nga với quy mô lớn hơn đang áp sát.
Những người tình nguyện gia nhập quân đội trong những tháng đầu của cuộc xung đột vào đầu năm 2022 đã đưa số binh lính của Ukraine tăng lên khoảng 1 triệu người. Tuy nhiên, gánh nặng của nhiệm vụ chiến đấu không được chia đều, làm gia tăng sự vỡ mộng của những người lính và gia đình họ.
Ông Valery Zaluzhnyi đã bị thay thế vào tháng 2 với tư cách là chỉ huy quân sự hàng đầu của đất nước, trong khi có những bài báo đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản đối yêu cầu của ông về việc tăng thêm 450.000 - 500.000 lính nghĩa vụ.
Ukraine cuối cùng đã sửa đổi các quy tắc huy động quân đội của mình vào tháng 4, hạ độ tuổi nghĩa vụ quân sự từ 27 xuống 25, miễn trừ ít người hơn và tăng hình phạt với những người trốn nghĩa vụ quân sự. Những người lính trên tiền tuyến cũng được tăng lương, nhưng không có sự đảm bảo rằng họ sẽ được xuất ngũ sau 36 tháng phục vụ.
Tuy nhiên, số lượng và chất lượng tân binh không đủ để giải quyết vấn đề nhân lực của Ukraine trong khi tỷ lệ đào ngũ ngày càng tăng lên. Trong số gần 95.000 vụ án hình sự được mở kể từ năm 2022 về tội đào ngũ và vắng mặt không phép, hơn 60.000 vụ được mở trong năm nay.
Nga cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự và chịu tổn thất nhất định nhưng việc dân số nước này gấp 4 lần Ukraine đã giúp họ giảm bớt tác động. Hiện nay, các quan chức Mỹ đang thúc giục Ukraine xem xét hạ độ tuổi nghĩa vụ quân sự xuống 18, điều mà Kiev cho rằng sẽ vô nghĩa vì họ không có đủ vũ khí để trang bị cho binh lính.
Chiến dịch Kursk - cuộc đột kích táo bạo của Ukraine
Ukraine đã vật lộn cả năm để ổn định tình hình tiền tuyến ở khu vực Donetsk và sau khi chiếm được Avdiivka, Nga ưu tiên mục tiêu tiếp theo là một thị trấn cách đó 50km về phía Tây có tên là Pokrovsk, nơi cũng là trung tâm phòng thủ của Ukraine trong một thập kỷ.
Khi mà mọi sự chú ý dồn vào trục đó trong tháng 8, quân đội Ukraine đã phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng vào khu vực Kursk của Nga, giáp với tỉnh Sumy ở miền Bắc Ukraine. Kiev sau đó nhanh chóng chiếm được hơn 1.000km2 lãnh thổ ở Kursk và hiện giữ được một nửa diện tích đó.
Ukraine nói rằng chiến dịch này đã ngăn chặn các kế hoạch của Nga nhằm chiếm đóng một phần khu vực Sumy và tạo ra một "vùng đệm" ở biên giới, kìm chân các đơn vị mạnh mẽ của Moscow vốn có thể được triển khai ở miền Đông của Ukraine
Tuy nhiên, chiến dịch này đã thất bại ở ít nhất một mục tiêu quan trọng vì Nga không rút quân khỏi mặt trận miền Đông để củng cố phòng thủ Kursk. Trái lại, lực lượng tiến về Pokrovsk không hề giảm bớt.
Phương Tây cáo buộc Triều Tiên tham chiến cùng Nga
Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Moscow và phương Tây ngày càng xấu đi, nước này bắt đầu làm sâu sắc quan hệ với Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Phương Tây cáo buộc Trung Quốc đã cho phép các mặt hàng lưỡng dụng quân sự - dân sự gồm cả máy bay không người lái đến được Moscow, trong khi Iran cung cấp các UAV tấn công và tên lửa còn Triều Tiên cung cấp cho Nga đạn pháo.
Năm nay, Nga đã ký một thỏa thuận đối tác chiến lược và hiệp ước phòng thủ chung với Triều Tiên. Tháng trước, các cơ quan tình báo Ukraine, Hàn Quốc và phương Tây cho rằng có ít nhất 10.000 quân Triều Tiên đã được triển khai đến Nga và một số binh lính này đụng độ lần đầu tiên với lực lượng Kiev ở khu vực Kursk.
Một số nhà quan sát cho rằng sự tham gia của binh lính Triều Tiên đã khiến cuộc xung đột ở Ukraine leo thang và có thể gây bất ổn cho các khu vực khác trên thế giới khi các vấn đề an ninh toàn cầu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Việc quân đội Triều Tiên được triển khai là một yếu tố chính trong quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước khi cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ cung cấp.
Động thái của ông Biden đã thúc đẩy Anh cấp quyền tương tự cho tên lửa hành trình Storm Shadow mà nước này hỗ trợ cho Kiev. Cả hai hệ thống đều nhanh chóng được sử dụng để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga.
Moscow đã đáp trả bằng cách tấn công một nhà mày vũ khí ở thành phố Dnipro thuộc phía Đông Ukraine bằng vũ khí mà nước này tiết lộ là tên lửa đạn đạo tầm trung mới mang tên Oreshnik. Tổng thống Putin đã tuyên bố đây là vũ khí mà không hệ thống phòng không nào của phương Tây có thể ngăn chặn được.
Ông cũng cảnh báo Moscow sẽ coi các nước NATO là những bên trực tiếp tham gia vào xung đột nếu họ cho phép Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa của họ và thay đổi ngưỡng của Điện Kremlin để tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chống lại kẻ thù.
Kiev và một số nước phương Tây bác bỏ những đe dọa của ông Putin và cho rằng đó chỉ là những tuyên bố "suông" trong khi nhà lãnh đạo Nga nhận định cuộc xung đột hiện nay đã "có các yếu tố mang tính toàn cầu".
Sự trở lại của ông Donald Trump và cam kết chấm dứt xung đột "trong một ngày"
Ông Donald Trump vẫn chưa giải thích cách ông định thực hiện cam kết nhiều lần của mình là chấm dứt xung đột trong 24 giờ nhưng những bình luận từ đội ngũ của ông - bao gồm cả đặc phái viên về Ukraine - Tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Keith Kellogg – đưa ra một số gợi ý khả thi.
Đội ngũ của ông Trump đề xuất đóng băng tiền tuyến, tạm dừng yêu cầu gia nhập NATO của Kiev và cung cấp một số hình thức an ninh tăng cường cho Ukraine để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai của Nga, có thể là bằng cách tăng cường năng lực phòng thủ của nước này.
Nếu các bên trong xung đột không muốn đàm phán, chính quyền ông Trump được cho là có thể đe dọa Ukraine bằng cách dừng hoàn toàn các khoản viện trợ quân sự và cảnh báo Moscow rằng họ có đủ vũ khí trang bị cho Kiev đến cùng trừ khi Điện Kremlin bước vào thảo luận.
Tổng thống Putin đã nói rằng các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra nếu Ukraine công nhận Crimea và 4 vùng lãnh thổ Nga tuyên bố sáp nhập là Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson, cũng như vĩnh viễn từ bỏ hy vọng gia nhập NATO.
Kiev cho rằng những điều khoản trên chẳng khác nào đầu hàng nhưng họ đã hạ giọng trong những tháng gần đây và thay vì kiên quyết đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga khỏi mọi khu vực bị chiếm đóng, giờ đây Ukraine lại nói về việc đạt được "hòa bình thông qua sức mạnh" và giành lại lãnh thổ theo thời gian qua ngoại giao.
Mối nguy hiểm lớn nhất đối với Ukraine là ông Trump khi ông có thể cố gắng buộc nước này chấp nhận các điều khoản tồi tệ. Kiev tin rằng nếu Moscow không bị ngăn chặn và trừng phạt thì họ sẽ tiếp tục tấn công hoặc có lẽ tạm dừng để tái vũ trang và trở lại mạnh mẽ hơn. Thêm một năm đầy cay đắng nữa, không ai muốn hòa bình hơn người dân Ukraine - nhưng rõ ràng đó không phải là hòa bình trả bằng bất cứ giá nào.