Đại học Kinh tế TP.HCM xét tuyển bổ sung hơn 100 chỉ tiêu cho các chương trình, ngành tại phân hiệu Vĩnh Long, gồm: Thuế, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Robot và trí tuệ nhân tạo (hệ kỹ sư), Kinh doanh nông nghiệp, Quản trị khách sạn. Chỉ tiêu tuyển bổ sung mỗi ngành từ 15-25.
Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ với điểm trung bình 5 học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) theo tổ hợp ba môn từ 6,5 trở lên. Nếu xét bằng điểm thi tốt nghiệp, mức điểm nhận hồ sơ là 18 điểm (tổng ba môn). Thí sinh đăng ký xét bổ sung từ ngày 28/8 đến 27/9. Kết quả được công bố vào ngày 30/9.
Trường Đại học Hoa Sen tuyển thêm 300 sinh viên cho 30 ngành bằng điểm thi tốt nghiệp. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển của trường kéo dài đến ngày 30/9.
Cụ thể, với phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp, trường nhận hồ sơ với mức điểm thấp nhất là 15 điểm ở 4 ngành: Nghệ thuật số, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất. Các ngành còn lại lấy từ 16-19 điểm. Riêng phương thức xét học bạ hoặc phương thức riêng, nhà trường cũng tuyển thêm 200 chỉ tiêu.
Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội năm 2024 xét tuyển bổ sung theo 2 phương thức xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT ở 11 ngành đào tạo: Thiết kế thời trang; Thiết kế đồ hoạ; Công nghệ may; Marketing; Thương mại điện tử; Kế toán; Quản trị kinh doanh; Quản lý công nghiệp; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ sợi, dệt. Thời gian xét tuyển từ ngày 18/8 đến ngày 30/9.
Trường Đại học Tài chính - Kế toán thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đến ngày 30/9 với 150 chỉ tiêu vào 5 ngành đào tạo gồm: Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Kinh doanh quốc tế, Luật kinh tế. Nhà trường xét tuyển theo 2 phương thức: xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 và xét học bạ với mức điểm nhận hồ sơ lần lượt là 15 và 18 điểm.
Trường Đại học Công nghệ Miền Đông xét tuyển bổ sung cho 15 ngành đào tạo với hạn cuối đến ngày 30/9 theo 3 phương thức: xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM.
15 ngành đào tạo được xét tuyển bổ sung gồm: Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Dược học, Thú y, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Đông phương học, Quản trị kinh doanh (hàng không, truyền thông, doanh nghiệp), Kế toán, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Luật kinh tế, Digital marketing, Quản lý công nghiệp.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 năm 2024 trên hệ thống là 673.586 em, tăng 58.116 thí sinh so với năm 2023. Số thí sinh xác nhận nhập học 551.479. Như vậy, có đến 122.107 thí sinh dù trúng tuyển nhưng không nhập học đại học đợt 1, chiếm tỷ lệ 18,13%.
Bộ GD&ĐT quy định, nguyên tắc tuyển của đợt tuyển sinh bổ sung là điểm tuyển sinh bổ sung của trường không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Thí sinh cần lưu ý nguyên tắc này để có sự lựa chọn phù hợp, bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao.
Nếu thí sinh trúng tuyển và xác nhận nhập học đợt 1 sẽ không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.
Thí sinh chưa trúng tuyển hoặc trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào trường nào, có thể đăng ký tham gia xét tuyển các đợt bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ sở đào tạo.
Các đợt tuyển sinh bổ sung của các trường đại học trên cả nước thường sẽ kéo dài đến tháng 12. Thời gian xét tuyển bổ sung và các điều kiện xét tuyển của mỗi trường khác nhau, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký.