Theo Thanh tra Chính phủ bất cập trong công tác bảo vệ rừng ở tỉnh Gia Lai xảy ra ngay từ khâu quy hoạch. Trong Quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2008, điều chỉnh năm 2017 có trên 12.800 héc-ta được thống kê là rừng tự nhiên nhưng thực tế là trạng thái khác; gần 4.300 héc-ta bị liệt kê là loại khác nhưng thực tế là rừng tự nhiên.
Nhiều khu vực đất bằng phẳng được người dân canh tác hoặc là khu dân cư, đất lúa cũng bị đưa vào quy hoạch ba loại rừng.
Ngoài ra, có trên 16.500 héc-ta đất rừng đủ tiêu chuẩn nhưng bị loại khỏi quy hoạch. Cùng với đó, ranh giới của 3 loại rừng cũng chưa được xác định rõ ràng và chưa có cắm mốc cụ thể.
Việc theo dõi biến động rừng chưa được thực hiện nghiêm túc. Việc công bố hiện trạng rừng của tỉnh vào năm 2016, 2019, và 2020 đều chậm trễ so với quy định.
Về việc xây dựng khung giá rừng, từ năm 2020 trở về trước, UBND tỉnh Gia Lai không xây dựng giá rừng cụ thể theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Điều này khiến không xác định được giá trị của rừng và đất lâm nghiệp, gây khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Trong giai đoạn 2016-2020, tại Gia Lai có gần 10.000 héc-ta rừng bị phá. Dù có nhiều vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra, nhưng chỉ có 94 vụ được truy tố và xét xử, 71 vụ khác tạm đình chỉ hoặc xử lý hành chính.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, những sai sót và hạn chế trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý rừng tại Gia Lai chủ yếu thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng với các cơ quan cấp huyện có liên quan.