Đặt mục tiêu vào lớp 1 trường tư thục chất lượng cao, ngay khi con gái lên 5 tuổi, anh Bùi Văn Thanh (40 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) rốt ráo tìm kiếm phương án tuyển sinh từ các trường tiểu học gần nhà. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình, anh chọn được 3 trường tư thục gần nhà, phù hợp nhất với con.
Để đặt chân được vào các trường này, con gái anh Thanh sẽ phải trải qua 3 kỳ thi khảo sát. Mỗi trường sẽ có quy trình tuyển sinh khác nhau: trường yêu cầu phỏng vấn, trường yêu cầu bài kiểm tra Toán, Tiếng Việt, thực hiện các bài thi trí tuệ.
Lo con sẽ gặp khó khăn hơn so với các bạn, anh Thanh quyết định cho con tham gia lớp định hướng thi vào các trường chất lượng cao 2 buổi/tuần. Tại đây con được làm quen với các dạng Toán tư duy, logic, phát triển kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề.
"Nếu không cho con học thêm, rất khó để cạnh tranh vì thế hệ mới ngày càng giỏi và am hiểu nhiều kiến thức", nam phụ huynh nói, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ các trường hot dùng phương án này, bởi mục tiêu của các trường là đào tạo ra học sinh có chất lượng tốt, nên việc tuyển chọn đầu vào thông qua các hoạt động phỏng vấn, thi đánh giá năng lực là điều nên làm.
Theo nam phụ huynh, các trường tư có tiếng luôn thu hút hàng nghìn hồ sơ mỗi năm và vì thế, chỉ những đứa trẻ sáng giá mới có cơ hội lọt vào. Con gái anh trên ở lớp được đánh giá là cô bé thông minh, tuy nhiên có chút nhút nhát. Anh tin rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía, con sẽ vươn lên và giành suất học tại một trong những ngôi trường có tiếng đó.

Không chỉ riêng gia đình anh Thanh, nhiều gia đình khác tại Hà Nội còn cho con trẻ tham gia 4-5 kỳ đánh giá cùng lúc. Cuộc đua vào lớp 1 vào các trường hot, chất lượng cao tại Hà Nội cũng căng thẳng không khác gì sĩ tử trước cuộc đua giành vé vào đại học.
Bé Đậu - con trai chị Lê Vân Anh (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ mới 5 tuổi nhưng có lịch học thêm gần kín tuần để chuẩn bị cho các kỳ thi khảo sát vào lớp 1. Mỗi ngày, sau khi rời khỏi trường mầm non, bé ít khi được nghỉ ngơi hay chơi đùa như các bạn cùng trang lứa. Thay vào đó, Đậu phải đến các lớp học thêm để luyện thi vào lớp 1.
Những lớp học này không chỉ dạy về Toán, Tiếng Việt mà còn luyện các kỹ năng tư duy, các bài kiểm tra IQ, trí tuệ. Theo chị Vân Anh, càng cho con học nhiều, càng đầu tư vào các lớp luyện thi đắt đỏ, cơ hội vào trường sẽ càng cao. Ban đầu, chị đăng ký cho con tham gia 5 kỳ khảo sát, tuy nhiên do trùng lịch, số lượng giảm còn 4. Chị tin rằng mỗi kỳ khảo sát sẽ là một lần trải nghiệm quý giá cho con.
"Đã có lúc tôi cảm thấy nghi ngờ, liệu việc này có thực sự tốt cho con gái không? Liệu tôi có biến con thành "chú gà chiến", chỉ biết học và thi mà thiếu đi những khoảnh khắc vô tư của tuổi thơ. Nhưng ở những thành phố lớn như Hà Nội, cuộc đua vào lớp 1 trường tư rất căng thẳng và chỉ có cố gắng hết sức, con mới vào được những trường top đầu", nữ phụ huynh nói.
Sau tất cả, chị Vân Anh tin rằng bản thân làm đúng, vì trong xã hội ngày nay chỉ những đứa trẻ học giỏi mới có thể vào những trường tốt, có tương lai sáng lạn.
Thực tế, việc có suất học tại những trường tư nổi tiếng ở Hà Nội là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, để vào được những ngôi trường này lại điều không đơn giản. Trẻ sẽ phải thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá, thậm chí phải qua vòng phỏng vấn mới đạt đủ điều kiện mới trúng tuyển.
Ví dụ, trẻ muốn vào lớp 1 trường Tiểu học Lý Thái Tổ cần tham gia câu lạc bộ để nhà trường đánh giá năng lực tư duy, khả năng nhận thức. Hay tại Hệ thống trường liên cấp Newton, học sinh dự tuyển phải làm bài thi trực tiếp tại trường và vào phỏng vấn với giáo viên mới giành được suất học.

TS Phạm Thị Lan, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc phụ huynh mong muốn con được học trong môi trường tốt, được chăm sóc, phát triển toàn diện là nguyện vọng chính đáng. Chưa kể nhiều gia đình quan niệm khi học tại đây, con sẽ trở nên xuất sắc và tiến bộ như các bạn.
Tuy nhiên, phụ huynh chỉ nên đăng ký cho con tham gia 1-2 kỳ thi khảo sát, phỏng vấn thay vì đăng ký quá nhiều trường cùng lúc. Việc đăng ký tràn lan không chỉ tạo áp lực cho chính các bậc phụ huynh, mà còn gây căng thẳng không cần thiết cho trẻ. Học sinh có thể cảm thấy lo lắng khi phải tham gia quá nhiều, làm ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng thể hiện trong từng kỳ đánh giá.
"Cha mẹ không nên ép con trẻ tham gia quá nhiều kỳ khảo sát cùng lúc. Điều quan trọng là giúp trẻ chuẩn bị tâm thế thoải mái, coi mỗi kỳ khảo sát là cơ hội trải nghiệm, chứ không phải một cuộc chiến giành giật suất học", TS Lan nhấn mạnh.
Thay vì chạy theo số lượng, phụ huynh nên tập trung vào việc lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp với khả năng, sở thích và sự phát triển của con. Đồng thời chú trọng phát triển toàn diện về thể chất, cảm xúc, tư duy và kỹ năng sống. Những giá trị nền tảng này mới là hành trang bền vững nhất cho con trẻ trong suốt hành trình học tập sau này.