Trẻ em thuộc nhóm người dễ bị tổn thương, có những nhu cầu đặc biệt cần được đáp ứng và là đối tượng được xã hội quan tâm, ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng bạo hành trẻ em có chiều hướng gia tăng với hình thức đa dạng, khó lường, phương thức và thủ đoạn tinh vi, phạm vi mở rộng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đã có những vụ việc dẫn tới tử vong, gây bất bình, phẫn nộ trong cộng đồng.
Theo thống kê của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cho biết, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận trung bình 30.000 cuộc gọi thông báo về tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Điều đáng nói là những hành vi bạo lực này đều do chính những người thân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ gây ra.
Những năm qua, công tác tuyên truyền về bạo hành, xâm hại trẻ em đã được triển khai nhưng chưa nâng cao được ý thức của người dân nhằm can thiệp, tố giác các hành vi trên. Trong khi đó, nhiều trẻ bị bạo hành trong độ tuổi quá nhỏ, hầu như không có khả năng tự vệ, không thể tự tìm sự trợ giúp từ người khác. Đó là chưa kể tới việc nhiều người coi chuyện chửi mắng, thậm chí đánh con là bình thường.
Thế nhưng, theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội, khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 giải thích các hành vi bạo hành, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Đồng thời, khoản 3 Điều 6 Luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em trong đó có: Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.
Do đó, có thể hiểu bạo hành hay bạo lực trẻ em là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em. Trong đó:
- Bạo lực thể chất là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của người khác. (ví dụ: Đánh, trói hoặc có hành động khác gây tổn thương cơ thể.)
- Bạo lực tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm, bạo lực tâm lý. (ví dụ: Chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề; Gây áp lực thường xuyên về tâm lý…)
Pháp luật sẽ căn cứ vào mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi bạo hành, và tùy trường hợp người bạo hành có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
* Xử phạt hành chính: Theo Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, người có có hành vi hành hạ trẻ em nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất là 20 triệu đồng tùy thuộc vào mức độ.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên; Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
* Xử lí hình sự: Người thực hiện hành vi bạo hành gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự các tội theo quy định Bộ luật Hình sự 2015:
- Điều 140. Tội hành hạ người khác;
- Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
- Điều 128. Tội vô ý làm chết người;
- Điều 123. Tội giết người.
Tùy vào hành vi, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội sẽ có cấu thành tội phạm khác nhau và phải chịu trách nhiệm hình sự khác nhau.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 và khoản 3 Điều 28 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em thì người bố hoặc mẹ ruột có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối vì đã có hành vi không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;
Ngoài ra, nếu cha, mẹ ruột không can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại thì sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng vì đã từ chối, không thực hiện việc hỗ trợ, can thiệp, chăm sóc thay thế đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Có thể nói, bạo hành trẻ em gây ra những hậu quả nặng nề, để lại những tổn thương sâu sắc cả về thể xác lẫn tinh thần. Trẻ bị bạo hành lớn lên thường có xu hướng sống khép mình, tự ti, trầm cảm, mất khả năng tự chủ trong cuộc sống, thậm chí nảy sinh ý muốn tự tử hoặc có thể lặp lại những hành vi bị bạo hành với người khác, dễ dàng phạm tội khi bị rủ rê, lôi kéo. Chính vì vậy, quan tâm, chăm sóc và tố cáo những hành vi bạo hành trẻ em là điều cần thiết và nên làm. Hơn nữa, những vụ việc bạo hành trẻ em một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để mỗi người cần phải thay đổi suy nghĩ về cách quan tâm, chăm sóc, đặc biệt là dạy trẻ tự vệ trước bạo hành.