Thời gian đã lùi xa, đến với lễ kỷ niệm, còn rất hiếm những nhân chứng lịch sử của 70 năm trước. Ở tuổi 92, ông Nguyễn Thụ, nguyên chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô năm xưa, người được trực tiếp giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô cho biết: trên đường trở về nhân dân từ các vùng tự do, vùng địch tạm chiếm của Bắc Ninh, Phúc Yên, Hà Nội nô nức đổ ra đón chào đoàn quân chiến thắng.
Được chứng kiến Hà Nội hôm nay, ông Nguyễn Thụ bày tỏ tin tưởng: “Thủ đô được giải phóng, phấn khởi lắm, mừng lắm. Nhân dân cũng mừng mà quân đội cũng mừng. Quân và dân luôn nhất trí. Chúng tôi thấy rằng bây giờ Hà Nội khác xa hàng nghìn lần, chúng tôi tin, rất tin. Chúng tôi lớp người đi trước rất ngưỡng mộ, tin tưởng, ở thế hệ kế tiếp, ở thế hệ trẻ các đồng chí đang làm nên lịch sử, đang viết lịch sử Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn".
Nhìn vào Hà Nội ngày hôm qua và hôm nay để thấy được một diện mạo mai sau của Hà Nội. Từ góc nhìn của nhà sử học Lê Văn Lan, Công dân ưu tú của Thủ đô, Hà Nội còn nhiều dư địa để phát triển: “Chính nghìn năm của một đô thị như thế đã là điểm và sẽ là bàn đạp xuất phát cho phát triển, tiến bộ, hội nhập. Và cần phải có định hướng đúng đắn. Khát vọng rất lớn nhưng để thực hiện khát vọng ấy, phải biết khai thác các lợi thế, trong đó có giá trị nghìn năm của một đô thị".
Truyền thống lịch sử là nền tảng cơ bản để Hà Nội tự tin phát triển trong kỷ nguyên mới, như Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 đã xác định: lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026-2030 của Hà Nội tăng 8,0 – 8,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 12.000 USD – 13.000 USD.