Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, từ những ngày còn nằm trong nôi, Nhạc sĩ - NSND Trọng Đài đã được ru qua tiếng đàn. Âm nhạc cứ thế ngấm dần và nuôi dưỡng tâm hồn ông đến khi trưởng thành. Khát khao xây dựng, đóng góp cho một nền âm nhạc bài bản đã cháy rực trong ông từ khi đất nước còn tiếng bom đạn.
Tình yêu sâu sắc với âm nhạc
Là con trai của nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Trọng Nho, cuộc đời của NSND Trọng Đài đã sớm gắn bó với con đường nghệ thuật. Năm 18 tuổi, ông theo học lớp sáng tác hệ trung cấp của Trường Âm nhạc Việt Nam.
Sau đó, ông được cử đi học nâng cao 7 năm tại Nhạc viện Chaikovsky, Moskva (Nga). Đây là quãng thời gian Trọng Đài được đắm chìm trong môi trường sư phạm âm nhạc Nga, đồng thời là cột mốc quan trọng đã hình thành cho ông nhãn quan âm nhạc toàn diện của một nhạc sĩ. NSND Trọng Đài hồi tưởng:
“Môi trường sư phạm âm nhạc của Nga có những chuẩn mực và chúng tôi có hạnh phúc là được đắm mình trong đó… Những năm tháng ấy, loanh quanh mỗi hai chữ âm nhạc, một ngày của mình được phủ kín bằng những hoạt động âm nhạc. Tôi còn nhớ một câu chuyện khi cô giáo về ngày nghỉ. Sau khi tôi kể xong, cô và các bạn đều trò xoe mắt, có nghĩa là ngày chủ nhật tôi vẫn dành cho âm nhạc: đến hiệu sách, đi mua giấy tổng phổ, đi mua bút chì, tẩy…. Tóm lại, vì mọi người nghĩ ngày nghỉ thì phải ra rừng Bạch Dương, ra những khu ngoại ô, đi đến chỗ nào đấy, hoặc là đi xem phim… Từ những dịp nghỉ hè dài hay ngắn thì tôi cũng đều dành cho âm nhạc.”
Sau khi về nước, nhạc sĩ Trọng Đài dành nhiều tâm sức cho lĩnh vực khí nhạc. Kể từ đây, hàng trăm tác phẩm độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc cổ truyền ra đời.
Năm 1992, nhạc sĩ Trọng Đài dành Giải nhì Cuộc thi quốc gia về sáng tác cho nhạc cụ dân tộc cổ truyền.
Năm 1993, ca khúc “Hà Nội đêm trở gió” do ông sáng tác lần đầu tiên được trình diễn trong vở kịch cùng tên của nhà văn Chu Lai do Nhà hát kịch Hà Nội công diễn tại Rạp Công Nhân. Với âm điệu trữ tình sâu lắng, tác phẩm nhanh chóng đến với giới yêu nhạc cả nước. Đây cũng là ca khúc mở màn đã đưa âm nhạc Trọng Đài đến gần hơn với công chúng sau nhiều năm âm thầm viết nhạc không lời.
Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của nghệ thuật, thế nhưng để giữ được ngọn lửa nghệ thuật ấy bao năm vẫn cháy rực, chắc hẳn ở nhạc sĩ Trọng Đài luôn tồn tại một tình yêu sâu sắc với âm nhạc. Tình yêu ấy hiện hữu qua cách ông chia sẻ về con đường theo đuổi sự nghiệp sáng tác của mình:
“Nhiều khi người ta cứ nói nghề chọn người, mình vẫn học phổ thông và thi đại học bình thường, đến lúc có giấy gọi vào Đại học Tổng hợp thì bố bảo tốt nhất là học nhạc. Ông có giải thích rất ngắn gọn: Cha làm nghề âm nhạc sau sẽ rất thuận tiện cho công việc, như người đồng nghiệp bên cạnh. Mình nghĩ là mình sẽ làm theo ý cha, trong suy nghĩ của mình cũng đã hướng tới âm nhạc và lúc đấy mới bắt đầu tập trung cho việc học tập âm nhạc. Hồi đó, đất nước giải phóng chưa được lâu, kinh tế trong nước còn khó khăn, ngày ấy được đi học nước ngoài là sự vinh dự, không những tôi mà các anh chị em khác cùng lứa đã dành hết sức lực để cố gắng học lấy ý kiến thức âm nhạc.”
Sinh ra để sáng tác nhạc phim…
“Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo
Ô hay! Trời không nín gió cho ngày chị sinh…”
Những lời ca nặng trĩu, sâu lắng về một kiếp người “tình duyên bỏ chợ, tình người đa đoan” chắc hẳn còn ám ảnh những ai đã nghe ca khúc “Chị tôi”, do nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc từ bài thơ “Cho một ngày sinh” của nhà thơ Đoàn Thị Tảo.
Ngày ấy, Trọng Đài nhận được lời đề nghị viết ca khúc cho phim “Người Hà Nội”. Bằng tất cả tài hoa và sự đồng cảm, ông đã sáng tác ca khúc “Chị tôi” chỉ trong một đêm. Chất thơ Đoàn Thị Tảo hòa quyện cùng giai điệu sâu lắng, bài hát sau khi ra đời đã gây một tiếng vang lớn, đưa Trọng Đài trở thành nhạc sĩ mát tay với nhạc phim. Những ca khúc nhạc phim do ông sáng tác đều được công chúng đón nhận, có thể kể đến như: Mùa lá rụng, Đất và người, Chuyện phố phường…. Hầu hết các sáng tác của ông đều được thể hiện qua chất giọng trầm, lạ của Ca sĩ, NSƯT Mai Hoa, điều này càng làm cho nhạc phẩm Trọng Đài thăng hoa.
Cách làm nhạc của Trọng Đài cũng thật lạ, dẫu chỉ là những tác phẩm làm nền cho phim nhưng vẫn có thể thoát ra và có đời sống riêng của nó. Mỗi ca khúc đều bám sát hơi thở cuộc sống, tái hiện những truân chuyên một kiếp người. Đó cũng là những trăn trở, suy tư vô cùng của người nhạc sĩ về nỗi niềm nhân thế. Rất lâu về sau, người ta có thể quên nội dung bộ phim, nhưng sẽ còn nhớ mãi giai điệu và ca từ của nhạc phim.
Nhiều người cho rằng, nhạc sĩ Trọng Đài sinh ra để sáng tác nhạc phim. Thế nhưng, hiếm ai biết rằng mối nhân duyên của ông với nhạc phim bắt nguồn từ lời nói của nhạc sĩ Vĩnh Cát - người thầy đầu tiên trên con đường âm nhạc của Trọng Đài. Chính người thầy này đã khuyên Trọng Đài đến với mảng sáng tác để có thể tiếp cận công chúng dễ dàng hơn. NSND Trọng Đài chia sẻ:
“Âm nhạc dành cho phim là âm nhạc phải đồng điệu với ý tưởng chung của phim. Trong bài Chị tôi, chị Đoàn Thị Tảo hướng tới những tình cảm và tình cảm đó chỉ riêng chị Tảo hiểu được. Bằng giác quan, tôi bắt gặp ở chị một mạch đập để khi giai điệu hòa quyện cùng ý thơ thì tạo ra một sự tổng hòa. Hay là phim “Bí thư Tỉnh ủy”, đây là bộ phim nói về vị Bí thư Kim Ngọc của thời kỳ khoá X. Âm nhạc trong phim chúng tôi lấy từ ca dao, bài ca dao là “ai ơi bưng bát cơm đầy dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Chúng tôi quyết định lấy tinh thần của ca dao để đưa vào phim “Bí thư tỉnh ủy”, đó cũng chính là từ tinh thần của các cụ.”
Về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam như được trở lại mái nhà xưa…
Sở hữu một kho tàng âm nhạc phong phú, nhạc sĩ Trọng Đài bất ngờ đầu quân về Đài Tiếng nói Việt Nam và đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Âm nhạc VOV3. Có người hỏi Trọng Đài rằng tại sao ông lại lựa chọn trở thành nhạc sĩ của “Dòng sông trên cao”, ông trả lời:
“Về Đài Tiếng nói Việt Nam là được trở về nhà, bởi chính nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc tôi từ thuở thiếu thời còn sinh hoạt tại ban nhạc Tuổi xanh.”
Thời gian công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là khoảng thời gian NSND Trọng Đài được đắm chìm trong thế giới âm nhạc của riêng mình. Có thể nói đây chính là giai đoạn nhạc sĩ có độ chín về nghề và đủ đầy kinh nghiệm kiến thức sau nhiều năm công tác.
Hiếm khi người ta thấy Trọng Đài sáng tác lời cho tác phẩm của mình. Bởi ông quan niệm ý tưởng nội dung là công việc của các nhà thơ, người nhạc sĩ chỉ cần hòa điệu là sẽ có những tác phẩm hấp dẫn. Có lẽ vì thế mà trong suốt quá trình công tác tại VOV, NSND Trọng Đài cần mẫn phổ nhạc các bài thơ của những nhà báo, những người đồng nghiệp nơi đây.
Các tác phẩm thơ qua bàn tay tài hoa của nhạc sĩ Trọng Đài đã trở thành những thanh âm du dương, bay bổng trên từng cánh sóng để đến với thính giả mọi miền tổ quốc. Điển hình như bài “Năm châu hòa khúc ca” của nhà báo Uông Ngọc Dậu, “Mưa qua miền châu thổ” của nhà báo Nguyễn Chu Nhạc, “Mai Hắc Đế” của nhà báo Nguyễn Thế Kỷ.
Thổi hồn giai điệu vào thơ dường như đã trở thành nét độc đáo rất riêng của âm nhạc Trọng Đài. Ca sĩ Đăng Thuật từng chia sẻ, anh cảm giác nhạc sĩ Trọng Đài luôn muốn kể lại những bài báo, bài thơ bằng âm nhạc trên cánh sóng. Về phần mình, khi được hỏi về những sáng tác đặc biệt này, NSND Trọng Đài chỉ cười nói:
“Mỗi tác phẩm đều có lý do, nó đều có đời sống riêng. Với việc phổ nhạc thơ của các đồng nghiệp tại VOV, tôi nghĩ là tôi đã rất may mắn khi được chia sẻ những suy nghĩ của tôi với họ.”