Trong chương trình Bây giờ và Ở đây phát trên sóng VTV, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và ca sĩ Tùng Dương đã chia sẻ câu chuyện xúc động, những ký ức về cố nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ: "Cái chất của Phó Đức Phương trong công việc, là khi vào trận nhạc sĩ rất quyết liệt, bằng mọi giá phải thực hiện được mục đích công việc dù bao khó khăn cũng cố gắng vượt qua. Trong sáng tác, Phó Đức Phương đắm mình một cách say nhất và không để bất cứ một thứ gì lẫn lộn khi đang tư duy về âm nhạc - một thế giới riêng của anh. Trong ngôn ngữ đời thường, ở cái tuổi ấy anh ấy rất yêu, rất thơ, rất trẻ trung, rất tươi tắn và hồn nhiên...".
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn bảo, dù sau này VCPMC phát triển đến tới đâu thì người xây nền móng và dẫn đi đoạn đường 18 năm đó, chính là nhạc sĩ Phó Đức Phương.
"Các thế hệ như tôi và các em đi trên con đường anh mở, chúng tôi cùng nhau tiến lên, giải quyết bài toán sở hữu trí tuệ, đòi lại quyền lợi cho tác giả, chúng tôi không thể quên được điều đó. Bát cơm chúng tôi nhận được ngày hôm nay, nhạc sĩ nhận được tiền, dù chưa phải giàu có nhưng ít nhiều trả lại sự công bằng cho nhạc sĩ, chúng tôi không thể quên hình ảnh anh Phương ở đây được", nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn kể, trong hành trình thực thi sở hữu trí tuệ bản quyền âm nhạc, nhạc sĩ Phó Đức Phương từng vui có, buồn có, đau khổ có, mang tiếng có... Ngồi với vị nhạc sĩ đáng kính trong các chuyến đi trên máy bay công tác nước ngoài, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn bảo, Phó Đức Phương luôn luôn động viên:"Chúng ta phải cố gắng vì trước khi luật sở hữu trí tuệ và tham gia ký các công ước quốc tế thì việc sài chùa trở nên quen rồi, thành nếp nghĩ, vậy nên để thực thi vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cần phải có thời gian và phải gồng mình lên. Phải chuyển tư tưởng sài chùa quen rồi khi sử dụng một tác phẩm nào của người ta phải xin phép. Đó là tài sản riêng, điều đó được quy định trong điều 21 luật Sở hữu trí tuệ, cho phép hay không cho phép thực hiện".
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nêu thực tế rằng, nhiều ca sĩ rất giàu có nhưng nhạc sĩ thì đa phần lại nghèo. Nhiều người đồn đoán rằng, nhạc sĩ Phó Đức Phương giàu có lắm. Vì đang làm nhạc sĩ lại "nhảy" sang lĩnh vực bản quyền, liên quan tới tiền. "Chỉ có tiền và tiền thì chắc là làm cũng vì tiền", nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn bảo nhiều người nghi ngờ thế.
Nhưng đó cũng chính là điều cái trăn trở nhất của nhạc sĩ Phó Đức Phương. "Anh đau khổ nói rằng, nếu chúng ta nghèo hoặc giàu, chỉ cần chúng ta ra đi rồi nhìn một vệt ngược lại sẽ thấy. Tôi chia sẻ chân thành rằng, trước ngày tiễn đưa anh Phương về cõi vĩnh hằng, đêm đó tôi ở tại nhà anh Phương với gia đình, khi ra đi rồi anh không để gì lại cho gia đình cả. Tôi quá xúc động. Nhà anh ở cũng chưa biết có giữ được lại hay không vì giấy tớ chưa xong.
Mang tiếng cả một đoạn đường đi dài, anh chỉ làm cho tác giả và nhận đúng đồng lương theo quy định. Bây giờ ngước lại nhìn ngôi nhà đang thờ anh hiện tại chưa chắc đã trường tồn lâu dài được. Mảnh đất nơi anh yên nghỉ gia đình cũng phải trăn trở cân nhắc tính toán. Đó là cái tôi rất đau đáu khi tiễn anh đi con đường cuối cùng", nhạc sĩ Đinh Trung Cần chia sẻ.
Bài Tửu ca nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác cách đây mấy năm, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chiêm nghiệm, có câu: "Thôi trút đi gánh nặng đường xa/Ngược xuôi bôn ba nay Ta về nhà Ta/Đường trần quá hẹp mà lắm vực nhiều khe/ Nhà ta thênh thang trăng tràn bốn bề".
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn bảo: "Nhà anh ở không có trăng nào tràn vào bốn bề cả. Nơi anh về nơi yên nghỉ, hoa lá cỏ cây xung quanh, những đêm trăng tràn bốn bề là đúng rồi".
Ca sĩ Tùng Dương chia sẻ, như nhạc sĩ Trần Tiến đã nói, tác giả chỉ cần có 1, 2 bài là có một cái tên lớn khi nằm xuống và như thế đã mãn nguyện. Nhưng với nhạc sĩ Phó Đức Phương thì có quá nhiều các tác phẩm đồ sộ. Có một tác phẩm anh cho là đã thể hiện được đúng những điều nhạc sĩ mong muốn nhất, những đau đáu về quê hương, nơi lớn lên, nơi sinh ra bên con sông quê hương của nhạc sĩ là Văn Giang - Một khúc sông Hồng.
"Đây là một trong những tác phẩm cuối cùng mà tôi có may mắn được tập bài và thu thanh cho chú. Một tác phẩm trường ca, nó vẫn dồi dào năng lượng như là những tác phẩm trước đây chú viết, nó tiếp nối Chảy đi Sông ơi, một nhạc sĩ của những dòng sông. Trong cuộc đời này chú không sợ điều gì cả, chú chỉ sợ khi mình mất đi rồi đáng tiếc vì mình chưa hoàn thiện nó. Dương nghĩ rằng, những điều mà chú còn chưa hoàn thiện đó anh Cẩn, hay Tùng Dương hoặc gia đình sẽ cố gắng hoàn thiện nốt cho chú...", ca sĩ Tùng Dương chia sẻ.