
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc khi là ngày chính thức kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Những câu chuyện về ngày 30/4 lịch sử năm đó vẫn là câu chuyện rất thú vị. Cụ thể như, ai cũng nghe sự kiện Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, nhưng ít ai biết câu chuyện về một người chiến sỹ tham gia trong sự kiện đó, là tác giả của ba chữ “không điều kiện” trong lời tuyên bố đầu hàng.
Đưa Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh
Từ một tấm hình do phóng viên AFP chụp khoảnh khắc áp giải Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đi từ Dinh Độc Lập qua Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng, chụp vào ngày 30/4/1975, chúng tôi tiếp cận, tìm hiểu thông tin và tìm gặp ông Nguyễn Khắc Nhu (Nguyễn Văn Nhu).
Tiếp chúng tôi tại căn nhà trong con hẻm đường Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh), người chiến sỹ Nguyễn Khắc Khu trong bức ảnh năm ấy nay đã là một lão niên.
Trong căn phòng nhỏ, giọng nói của người chiến sỹ năm xưa vẫn rất hào sảng.

Nhắc lại sự kiện ngày 30/4 cách đây 50 năm, ông Nguyễn Khắc Nhu hào hứng “Tôi rất vinh dự khi lịch sử đã chọn chúng tôi làm nhiệm vụ kết thúc chiến tranh trong ngày 30/4/1975”.
Ông kể, đơn vị của ông là Trung đoàn Bộ binh 66, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2, có nhiệm vụ đánh chiếm những điểm quan trọng trong Sài Gòn. Chỉ huy trực tiếp là Trung đoàn phó, Đại úy Phạm Xuân Thệ, còn ông Nhu là trợ lý tác chiến, nhận nhiệm vụ chỉ huy mũi thọc sâu.
Khi đó, Trung đoàn phân công nhiệm vụ là: Tiểu đoàn 7 chiếm Dinh Độc lập; Tiểu đoàn 8 đánh chiếm Đài phát thanh, Tiểu đoàn 9 đánh quân cảng và một số vị trí… Còn các đại đội đánh chiếm Bộ Quốc phòng và các bộ khác xung quanh Dinh.
Trong sáng 30/4/1975, nhóm chỉ huy dùng chiếc xe jeep là chiến lợi phẩm để di chuyển từ làng Phước Tân, Long Thành, Đồng Nai.
Sau khi đại quân ta đánh xong Tổng kho Long Bình thì theo Quốc lộ 15 ra đến Xa lộ Hà Nội bắt đầu điều động các đơn vị thọc sâu vừa đi vừa đánh, tiêu diệt các ổ đề kháng dọc đường đi.
Đến cầu Rạch Chiếc thì thấy các đơn vị đặc công đã chiếm giữ cầu và đợi đại quân vô
Khi quân ta bắt đầu đến Dinh Độc Lập, xe tăng thứ nhất húc cổng thì chết máy, xe tăng thứ hai húc đổ cổng và tiến vào; sau đó xe jeep chỉ huy chạy vòng thẳng vào bên trong Dinh.
Ngay chân cầu thang, mọi người được Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh dẫn lên lầu, nơi toàn bộ nội các của Việt Nam Cộng hòa đang chờ.
Khi nghe ông Minh nói đang chờ để bàn giao, phía ta không chấp nhận mà tuyên bố ông Minh và nội các “đã bị bắt”.
Khi đó, các chiến sỹ nghĩ ngay đến việc phải bắt buộc ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng bởi “tuyên bố đầu hàng sớm phút nào thì xương máu của hai bên bớt đổ và nhân dân vô tội cũng sẽ bớt đổ máu vô ích”.

Sau khi kiểm tra trong Dinh Độc Lập, ta thấy có máy thông tin nhưng không có ai, mọi người bàn bạc và quyết định đưa ông Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đến Đài phát thanh.
Khi đó, ông Dương Văn Minh đề nghị được đi bằng xe của ông ta nhưng mọi người không đồng ý bởi sợ sẽ có hiểu lầm, có khi có những tình huống bất ngờ, không thuận lợi khi di chuyển.
Các chiến sỹ quân giải phóng hoàn toàn lạ nước lạ cái, không biết Đài phát thanh ở đâu nên mới hỏi ông Minh. Khi được biết là không xa lắm, đơn vị quyết định đi ngay.
Nhớ lại giây phút đó, ông Nguyễn Khắc Nhu đánh giá, đó là một quyết định mạo hiểm bởi đường phố Sài Gòn khi đó rất hỗn loạn, súng ống lựu đạn do binh sỹ Việt Nam Cộng hòa vứt đầy đường. Quyết định đưa Tổng thống Việt Nam Cộng hòa qua Đài phát thanh là do mọi người ở đó quyết định chứ chưa xin ý kiến cấp trên.
Để đảm bảo an toàn cho hai “yếu nhân”, mọi người quyết định để ông Minh và ông Mẫu ngồi giữa ở hai hàng ghế rồi bộ đội ta ngồi hai bên để có gì thì “làm bia đỡ đạn”.
"Chúng tôi nghĩ rằng, đưa ông Dương Văn Minh ra Đài phát thanh, lúc này trên đường Sài Gòn mới giải phóng thì rất là nguy hiểm. Việc này không có sự chỉ đạo của trên mà chúng tôi quyết định đưa đi nên có thể nói là một quyết định hết sức táo bạo, coi như đánh đổi tất cả. Bởi trên đường đi, hai ông có mệnh hệ gì thì chúng tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chúng tôi đã xác định là nếu trên đường đi có gì thì chúng tôi làm bia đỡ đạn để cho hai ông được an toàn, để hai ông còn phải ra tuyên bố đầu hàng. Đấy là mục tiêu duy nhất của chúng tôi. Dù có thiệt hại cái gì, dù phải hy sinh cũng phải làm", ông Nguyễn Khắc Nhu nhớ lại.
Thêm ba chữ “không điều kiện” vào lời tuyên bố đầu hàng
Được Tổng thống Dương Văn Minh chỉ đường, xe cũng đến Đài phát thanh an toàn. Ngay cổng Đài thì đồng chí Hoàng Trọng Tình, chính trị viên Tiểu đoàn 8 (sau này là Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 4) báo cáo là đã làm chủ Đài phát thanh, mọi người nhanh chóng đến phòng thu.
Lúc này, mọi người chuẩn bị viết bản tuyên bố đầu hàng cho ông Minh đọc.
Sau khi ông Dương Văn Minh viết lại lời đầu hàng và đọc đến đoạn: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực Cộng hòa hạ vũ khí, đầu hàng quân giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Nghe đến đó, người chiến sỹ Nguyễn Khắc Nhu chen ngang, đề nghị dừng lại và sửa lại lời của ông Minh. Cụ thể là thêm ba chữ “không điều kiện” vào sau lời đầu hàng.
Nhắc đến chi tiết này, ông Nguyễn Khắc Nhu cho biết, nguyên do của việc nghĩ đến ba chữ “không điều kiện” sau lời “đầu hàng” là do thời là học sinh ở Hà Nội, nhiều lần đi xem phim của Liên Xô thấy chi tiết này. Cụ thể khi đến đoạn Hồng quân Liên Xô đánh chiếm Berlin lúc nào cũng có đoạn “phát xít Đức đầu hàng không điều kiện”. Do đó ông Nhu đề nghị cần phải thêm ba chữ “không điều kiện” vào lời đầu hàng để “chặt chẽ hơn cho mãi mãi về sau”.

Sau đó, Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, viết lời chấp nhận đầu hàng. Lúc ông Bùi Văn Tùng viết xong thì đọc lại cho mọi người cùng nghe và tham gia góp ý. Anh em thấy tất cả đều ổn, ngắn gọn nên không tham gia thêm.
Lúc đấy, ông Nhu cho biết, ông Bùi Văn Tùng và ông Phạm Xuân Thệ đều nhường nhau việc đọc lời chấp nhận đầu hàng. Thấy vậy, ông Nguyễn Khắc Nhu đề nghị để ông Bùi Văn Tùng đọc vì “có giọng miền Nam” và có cấp bậc cao hơn (khi đó mọi người chỉ phân biệt giọng Nam và giọng Bắc).
Sau khi ông Dương Văn Minh đọc xong và ghi âm lời đầu hàng, mọi người lại tổ chức đội hình và đưa ông Dương Văn Minh trở về lại Dinh Độc lập.
Trên đường đi, chiến sỹ Nguyễn Khắc Nhu đi sau đã hỏi Tổng thống Dương Văn Minh, sao đã quyết định đầu hàng mà không giương cờ trắng trên Dinh Độc Lập. Vì không có tín hiệu nên ông Nhu cho biết, anh em tiến vào Dinh với tinh thần quyết tâm cao độ, sẵn sàng chiến đấu.
Tướng Minh khi đó trả lời “Dù đã quyết định đầu hàng nhưng không thể treo cờ trắng được vì trong nội bộ còn nhiều luồng ý kiến, nhiều đảng phái, bè phái, nếu treo cờ trắng có khi sẽ bị thủ tiêu”.

Sau 50 năm nhìn lại, người chiến sỹ Nguyễn Khắc Nhu cho biết, ngày đó anh em chiến sỹ chiến đấu từ chiến trường này qua chiến trường nọ với ý nghĩ duy nhất là làm sao sớm thống nhất đất nước. Và thời khắc bắt giữ Tổng thống Dương Văn Minh cũng như bắt ông Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện là quyết định sáng suốt nhất trong cuộc đời của ông và đồng đội.
Ngoài suy nghĩ sáng suốt, ông Nhu cũng suy nghĩ “chính những liệt sỹ đã phù hộ cho ông và đồng đội được bình an”.
"Mọi người chỉ nghĩ làm sao để hoàn thành nhiệm vụ. Lúc bấy giờ đầu óc chúng tôi phải nói là hết sức sáng suốt, chưa bao giờ mà sáng như lúc đó. Tất cả những việc chúng tôi làm không có lệnh ở trên, chỉ nghĩ cho dân tộc, cho anh em đồng đội mình thôi, cho nhân dân thôi mà cuối cùng không có ai phê phán gì. Từ tổ chức cho đến các việc cuối cùng để kết thúc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam một cách hợp lý và rất tốt đẹp", ông Nguyễn Khắc Nhu cho biết.
Giờ đây, người cựu chiến binh Nguyễn Khắc Khu vẫn miệt mài với công việc kết nối, giúp đỡ các anh em, đồng đội năm xưa còn gặp khó khăn. Niềm vui của ông là được nghe lại những câu chuyện, những kết quả mà nhờ có hành động đưa Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng.
Trong đó nhớ nhất là được một cựu tù Côn Đảo kể lại, chính việc phát lời đầu hàng kịp thời đã cứu giúp nhiều thân phận tù chính trị. Khi đó, địch chuẩn bị thủ tiêu các tù chính trị tại Côn Đảo trước khi bỏ trốn. Tuy nhiên, khi nghe lời đầu hàng của Dương Văn Minh phát trên sóng phát thanh, quân địch đã vội vã bỏ chạy.
Những ngày tháng 4 lịch sử, trong không khí cả nước rộn ràng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Khắc Nhu bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm, những việc làm của 50 năm trước. Nhìn tấm ảnh được phóng viên nước ngoài ghi lại khoảnh khắc ông và mọi người đưa ông Dương Văn Minh qua Đài phát thanh, ông Nguyễn Khắc Nhu cảm thấy mãn nguyện vì đã là một phần của lịch sử oai hùng của dân tộc.
Ông Nguyễn Khắc Khu lí giải, mình tên khai sinh là Nguyễn Văn Nhu, nhưng năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký thì cấp trên giao nhiệm vụ cắm cờ trong lòng địch bởi “cờ của bên nào ở đâu thì đất và dân của bên đó ở đó”. Xác định đây là nhiệm vụ hiểm nguy nên trước khi nhận nhiệm vụ, ông đổi tên và quyết định chỉ đổi chữ lót để dễ nhớ, nếu hy sinh thì thôi, còn bị bắt thì dễ nhớ để có sự thống nhất trong lời khai.