Việc người Mỹ đổ xô đi mua giấy vệ sinh gợi lại ký ức thời kỳ đại dịch COVID-19 khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Thời điểm đó, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh các lối đi siêu thị trống rỗng. Đây là nơi thường bày giấy vệ sinh, các vật dụng vệ sinh và làm sạch khác.
Hiện tại, khoảng 45.000 công nhân bốc xếp hàng hóa tại Mỹ đã đình công trong 1 tuần, lần đầu tiên sau 47 năm. Cuộc đình công tại cảng diễn ra khi công đoàn công nhân bến tàu yêu cầu tăng lương và cấm hoàn toàn việc tự động hóa cần cẩu, cổng và xe tải chở container để bốc xếp hàng hóa. 36 cảng biển bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công này lâu nay vẫn xử lý khoảng một nửa lượng hàng hóa của nước Mỹ.
Tổng thống Joe Biden hôm 3/10 nói với các phóng viên rằng ông nghĩ đã có tiến triển trong việc chấm dứt cuộc đình công và "chúng ta sẽ sớm tìm được cách".
Các cuộc đình công ảnh hưởng đến việc vận chuyển, cung cấp hàng hóa ở nhiều cảng, trong đó có các cảng ở Baltimore và Brunswick, Georgia - nơi nhập khẩu ô tô đông đúc nhất; Philadelphia - nơi chủ yếu tiếp nhận trái cây và rau quả và New Orleans - nơi xử lý cà phê.
Giấy vệ sinh không có trong danh sách này, vì đây là mặt hàng hầu hết được sản xuất tại Mỹ. Mặc dù vậy, việc một số cảng hàng hóa đóng cửa vẫn khiến người dân lo lắng và sớm tích trữ.
Shayna Turbovsky, một người dân, chia sẻ trên mạng xã hội rằng: "Tôi không biết tình hình sẽ tệ đến mức nào, nhưng vùng đông nam vừa bị một cơn bão tấn công và giờ chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công này... Tôi thà chuẩn bị quá mức một chút còn hơn là sợ hãi".
Hiệp hội Giấy và Lâm nghiệp Mỹ, đại diện cho các nhà sản xuất giấy vệ sinh, khăn giấy lau mặt, khăn giấy ăn và các sản phẩm gỗ khác, cho biết cuộc đình công không có bất kỳ tác động nào đến việc cung cấp sản phẩm khăn giấy tại Mỹ.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế nói với USA Today rằng mỗi ngày đình công có thể khiến nền kinh tế Mỹ nói chung thiệt hại tới 5 tỷ USD vì hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ.