Theo thông tin từ gia đình, ngày 30/5, sau khi 1 con lợn của gia đình nuôi bị chết, ông Hà Văn H đã chế biến để ăn. Dù chỉ ăn một ít, nhưng khoảng 6 tiếng đồng hồ sau khi ăn, ông H bắt đầu có triệu chứng nôn nhiều, tiêu chảy liên tục, hoa mắt và chóng mặt.
Ngay lập tức, ông H được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn và được các bác sĩ chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn cùng ngộ độc thức ăn. Tại đây, ông được truyền dịch và vận mạch, sau đó chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.
Qua quá trình khám và theo dõi tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân trong tình trạng tỉnh táo nhưng mệt mỏi, khó thở, da tái lạnh, mắt trũng, khát nước và tim đập nhanh.
Ông H tiếp tục được chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, rối loạn cân bằng nước điện giải và kiềm toan, suy hô hấp không phân loại, tiêu chảy, rối loạn chức năng, nhiễm trùng huyết không xác định, hẹp van ba lá và nhiễm độc thức ăn do độc tố vi khuẩn xác định khác.
Để cứu chữa, các y bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, thở máy và lọc máu giúp bệnh nhân. Tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, tình trạng của ông vẫn rất nặng và nguy cơ tử vong cao.
Theo bác sỹ chuyên khoa I Trương Ngọc Dũng, thuộc Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, người dân không nên mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sử dụng sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, cần tránh ăn thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề, và thức ăn từ động vật chết không rõ nguyên nhân, bởi chúng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.
Bác sĩ Dũng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc với lợn và chế biến thịt lợn. Nếu có bất kỳ biểu hiện mắc bệnh nào, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Cảnh báo này là lời nhắc nhở quan trọng cho cộng đồng về sự nguy hiểm của việc tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là từ các nguồn động vật không rõ nguồn gốc hoặc đã chết.