Tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, để nâng cao nhận thức cho ngư dân, Sở đã cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền các địa phương ven biển tuyên truyền quy định của Luật Thủy sản 2017, các khuyến nghị của EC liên quan đến chống khai thác IUU.
Đồng thời, lực lượng chức năng vận động ngư dân thay đổi thói quen cũ, tự giác tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản, các quy định liên quan đến cải hoán, nâng công suất tàu cá, các quy định trong việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên biển.
Ngư dân cũng được phổ biến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản và các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết về không vi phạm khai thác IUU.
Nhiều cử tri Ninh Thuận phản ánh, hiện nay hạ tầng cảng cá Đông Hải đã xuống cấp nghiêm trọng, luồng lạch bị bồi lắng tàu thuyền khó khăn khi vào cảng. Bà con kiến nghị tỉnh nâng cấp và mở rộng cảng cá Đông Hải.
Cử tri cũng đề nghị các sở ngành liên quan sớm có cơ sở để cấp giấy xuất xưởng cho các tàu thuyền sửa chữa, cải hoán. Vì hiện tàu thuyền ở Ninh Thuận muốn sửa chữa phải chạy vào Bình Thuận hoặc phải ra Khánh Hoà.
Bên cạnh đó, các cử tri còn mong muốn được hỗ trợ tiền lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thuê bao.
Giải đáp các nội dung mà cử tri nêu ra, ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh hiện có 2 cơ sở đóng sửa tàu thuyền tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam nhưng qua kiểm tra không đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ, nên không thể cấp được giấy xuất xưởng.
Riêng hạ tầng cảng cá Đông Hải xây dựng cách đây hơn 30 năm, diện tích hiện nay 1,8ha, chỉ là cảng loại 3 nên hạn chế trong đề nghị đầu tư từ Trung ương. Hiện, ngành nông nghiệp đang kiến nghị với UBND tỉnh giao thêm đất cho cảng cá Đông Hải để đủ diện tích 2,5ha - cảng loại 2 và đang nạo vét luồng lạch.
Liên quan ý kiến đề nghị hỗ trợ tiền lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thuê bao, ông Nguyễn Khắc Lâm cho biết, trong 28 tỉnh, thành có biển thì chỉ có 3 tỉnh thực hiện việc hỗ trợ này là Khánh Hoà, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Một cái máy có giá từ 25-30 triệu đồng, theo quy định sẽ có hơn 800 tàu thuyền được hỗ trợ và kinh phí vài chục tỷ đồng. Còn hỗ trợ thuê bao cũng rất là lớn nên tỉnh cũng rất cân nhắc. Nếu trong điều kiện thuận lợi hơn, tìm được nguồn phi chính phủ như một số tỉnh đang làm thì mới có thể hỗ trợ cho bà con mình", ông Nguyễn Khắc Lâm nói.
Ninh Thuận có đường bờ biển dài hơn 105 km, diện tích vùng lãnh hải trên 18.000 km2 và vùng đặc quyền kinh tế khoảng 24.480 km2.
Toàn tỉnh hiện có 2.299 tàu cá chiều dài từ 6 mét trở lên. Trong đó, tàu từ 6 mét đến dưới 12 mét là 891 chiếc; tàu từ 12 mét đến dưới 15 mét là 530 chiếc; tàu từ 15 mét trở lên là 878 chiếc.
Theo báo cáo, trên tuyến biển Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, chưa có lô hàng thủy sản nào bị yêu cầu phải chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản.