Với gần 17 triệu người, trong đó có hơn 7 triệu người vẫn đang tham gia lao động sản xuất, gần 750 nghìn người tham gia công tác Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc… người cao tuổi Việt Nam đã và đang phát huy truyền thống “Tuổi cao gương sáng, tuổi cao chí càng cao”, luôn thể hiện được vai trò, trách nhiệm đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10), phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam về nội dung này.
PV: Thưa ông, ngày quốc tế người cao tuổi năm nay (1/10) cũng là dịp phát động tháng hành động vì người cao tuổi. Vậy xin ông cho biết, mục đích, ý nghĩa cũng như những hoạt động chính trong tháng hành động này?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Năm nay chúng tôi tổ chức lễ phát động toàn quốc tại tỉnh Hải Dương. Vừa phát động tháng hành động nhưng vừa tiếp tục động viên người cao tuổi chung tay, đóng góp thực sự thực hiện cuộc vận động đạt kết quả cao nhất.
Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích ý nghĩa, chủ đề của tháng hành động về người cao tuổi Việt Nam năm 2024. Qua đó, tạo không khí hưởng ứng tích cực, vừa có sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận các cấp, từ đó cũng có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị cao hơn, để triển khai tháng hành động đạt kết quả cao nhất, tan toả sâu rộng trong các cấp hội cũng như toàn xã hội. Từ đó để động viên, khích lệ, hỗ trợ người cao tuổi còn khó khăn ở các địa phương trong cả nước.
PV: Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan đặc biệt đối với người cao tuổi, điều đó được thể hiện rất rõ qua việc Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 58 về hoạt động của người cao tuổi. Đây được xem là dấu ấn quan trọng trong tổ chức, chuyển đổi mô hình hoạt động của hội người cao tuổi, để người cao tuổi phát huy hơn nữa kinh nghiệm trí tuệ vào sự nghiệp chung của đất nước. Vậy xin ông cho biết rõ hơn về nội dung này?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Được sự quan tâm của Thường trực Ban bí thư, chỉ đạo Hội người cao tuổi cũng như ủy ban quốc gia về người cao tuổi nghiên cứu xây dựng đề án để chuyển đổi mô hình người cao tuổi để phù hợp với tình hình hiện nay. Như vậy, khi có Quyết định 58, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, chúng tôi đã tiến hành chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương triển khai đồng bộ, đảm bảo sự thống nhất tổng thể liên thông của hoạt động hội từ trung ương đến cơ sở.
Quá trình triển khai làm đến đâu chắc đến đó để chuyển đổi mô hình ở 5 tỉnh, thành phố vì hiện nay 50 tỉnh thành phố đang hoạt động theo mô hình cấp tỉnh cấp huyện là ban đại diện. Vì lẽ đó khi hoạt động của hội thành 4 cấp chính danh rõ ràng thì tính chất, hiệu quả hoạt động của hội được nâng lên. Vừa làm tốt công tác bảo vệ chăm sóc vừa phát huy được vai trò của người cao tuổi, để người cao tuổi tiếp tục tham gia, đóng góp sức lực, trí tuệ vào sự phát triển của đất nước.
PV: Thưa ông, được biết, trong cơn bão số 3 vừa qua cùng với nhân dân cả nước, Hội người cao tuổi Việt Nam cũng có những đóng góp tích cực để ủng hộ, chia sẻ với nhân dân vùng thiên tai, đặc biệt là đối với người cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, bị mất mát về tài sản, nhà cửa. Vậy xin ông cho biết rõ hơn về sự chung tay của người cao tuổi trong hoạt động có ý nghĩa này?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Quán triệt ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vận động chung tay ủng hộ đồng bào các tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, chúng tôi đã kịp thời ban hành văn bản và triển khai chỉ đạo đến các cấp hội từ Trung ương đến các thôn, bản. Mỗi người cao tuổi vừa đề cao trách nhiệm đóng góp, đồng thời vận động con cháu, vận động các thành viên hội người cao tuổi cả nước đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ở các tỉnh bị cơn bão số 3 gây nhiều thiệt hại.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!