Sau SEA Games 30, một lần nữa Thể thao điện tử được đưa vào thi đấu tranh huy chương tại SEA Games 31, khi Việt Nam là nước chủ nhà.
Một năm chuẩn bị, hai lần báo hoãn, 10 nước tham gia, 70 trọng tài quốc tế làm việc chuyên nghiệp với thái độ công bằng và liêm chính. 485 vận động viên, huấn luyện viên tranh tài 10 bộ huy chương với 101 trận đấu vòng bảng, 140 trận vòng chung kết liên tục trong gần 2 tuần. Đội tuyển các nước đều đã thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, mong đem lại vinh quang cho Tổ quốc.
Hai khách sạn Novotel cùng mở cửa đón khách. Trung tâm Hội nghị Quốc gia hoạt động hết công suất với 5 không gian thi đấu cùng lúc, trong đó có những nhà thi đấu được bạn bè quốc tế đánh giá đạt chuẩn Olympic.
Những tràng pháo tay, nụ cười, những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt cảm xúc đã đến từ vận động viên, huấn luyện viên, tình nguyện viên, đội ngũ hậu cần và khán giả khách mời. Bảng tổng sắp huy chương thay đổi từng giờ, các nước mạnh như Thái Lan, Indonesia, Philippines liên tục đổi vị trí ở top 5 toàn đoàn.
Kết quả chung cuộc, Việt Nam xếp nhất toàn toàn đoàn với 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc. Có 3 nội dung thi đấu mà đoàn Việt Nam không có huy chương mặc dù đã rất cố gắng, nhưng thể thao là vậy. Qua đây, chúng ta cũng tự nhìn lại mình và đánh giá được thực lực của các nước, từ đó có kế hoạch tuyển chọn, bồi dưỡng vận động viên cho các giải đấu tiếp theo trong đó có ASIAD 2022, SEA Games 2023...
Tương tự bóng đá, nội dung các trận đấu được truyền tải đến các nước tham gia với bình luận tiếng Anh hoặc sóng sạch dành cho bình luận viên bản địa nhằm phục vụ khán giả tốt nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng người xem rất lớn. Ở một vài nước, lượng người xem nhiều hơn bóng đá. Ban tổ chức cũng đã vinh dự được tiếp đón các lãnh đạo trong và ngoài nước tới dự khán và trao huy chương.
Thủ tướng đã quyết định tặng bằng khen cho 19 vận động viên Thể thao điện tử đoạt Huy chương Vàng. Các huấn luyện viên, vận động viên Thể thao điện tử Việt Nam giành huy chương được tham dự lễ tuyên dương của Đảng, Chính quyền và nhận phần thưởng xứng đáng dành cho mình.
Có thể nói vận động viên Thể thao điện tử đã là một nghề chuyên nghiệp với đầy thách thức nhưng vinh quang. Để phát triển sự nghiệp đường dài, vận động viên cần có đủ kiến thức văn hóa, thể lực, tâm lý và kỹ năng thi đấu.
Qua thực tế này, đông đảo giới trẻ sẽ ý thức được rằng đi theo con đường vận động viên chuyên nghiệp thật không dễ dàng, từ đó lựa chọn cân bằng trong học tập, lao động và giải trí nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và đó cũng là mục đích cuối cùng của mọi bộ môn thể thao.
Nguyễn Xuân Cường